Khi những lô hàng thạch rau câu cuối cùng của Công ty New Choice Foods (có cơ sở sản xuất ở Bình Dương) bán khắp hang cùng ngõ hẻm ở nước ta bị niêm phong và thu hồi thì ông Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), mới thoáng nở nụ cười nói đại ý rằng thôi đừng phán xét trót ăn rồi nó thế nào, mà việc làm ngay bây giờ là thu hồi chúng càng nhanh càng tốt.
Và với sự nhạy bén và bản lĩnh của một người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước lo cho độ an toàn bữa ăn người dân, ông Khẩn cũng không quên làm “mềm” hóa vấn đề: Nếu chúng ta phán xét căng quá thì doanh nghiệp “co vòi” hết, nó không tự giác báo cáo nữa… Nghe ông nói vậy cũng thấy khổ cho ông với trách nhiệm trước dân và trước giới sản xuất - kinh doanh. Nhưng lẽ nào, khung luật pháp và những quy định cụ thể về ATVSTP đều có đủ mà chúng ta vẫn phải chờ sự “tự giác” và “chủ động công khai” thông tin từ phía các cơ sở cung ứng?
Trước tiên, phải nhấn mạnh không chỉ ở nước ta mà ngay cả những nước giàu có nhất đều đang bất lực trước các nguồn bệnh. Như nước Đức với trên dưới 20 ca tử vong và hàng ngàn người nhiễm khuẩn E.coli hiện giờ vẫn đang hoảng loạn nhận diện nguồn lây nhiễm, đầu tiên là đổ tội cho dưa chuột nhập từ Tây Ban Nha, sau đó lại đến cà chua, rau diếp và nói chung là tất cả các bộ phận cấu thành món xa lát khoái khẩu. Song giống như câu truyện trinh thám, đến hồi chót người ta còn hồi hộp chờ đợi thủ phạm sẽ lộ nguyên hình. Điều này vô hình trung đã tạo sự đối kháng gay gắt trong xã hội và làm căng thẳng mối quan hệ quốc tế: các nông chủ điêu đứng vì không tiêu thụ được sản phẩm đã kiện lên EU đòi bồi thường hàng trăm triệu euro, trong khi nước Nga thì lệnh cấm tiệt các sản phẩm rau xanh khiến EU dọa không cho Nga gia nhập WTO (song Thủ tướng Putin vẫn cương quyết: “Tôi không đầu độc người dân vì WTO”).
Ở đây, cần nói rõ thông tin tiết lộ trên các phương tiện thông tin đại chúng giống như con dao hai lưỡi vừa thúc đẩy và vừa có thể xóa sổ cả một ngành sản xuất. Cái cần nhất vẫn là sự chính xác và minh bạch của thông tin.
Đài Loan (Trung Quốc) tuy đang khốn khổ vì chất phụ gia tạo đục (DEHP) dùng trong chế biến thực phẩm, song cũng được dư luận quốc tế đánh giá cao vì đã dũng cảm công bố trong từng phút, từng giờ diễn tiến của quá trình thanh kiểm tra các công ty cung ứng. Nhưng điều này đã không được thực hiện công khai tại đại lục phía bên kia eo biển Đài Loan mà điển hình là vụ sữa bột nhiễm melamine đã được giấu nhẹm một thời gian dài.
Tất nhiên, như người ta hay nói một nửa sự thật không phải là toàn bộ sự thật, song trách nhiệm của cơ quan quản lý là phải minh bạch hóa tất cả các thông tin nếu có liên quan đến sức khỏe người dân. Và ở một khía cạnh nào đó, chúng ta đang phải chịu áp lực từ sự thiếu tính công khai trong hàng loạt các lô hàng kém phẩm chất và các chất phụ gia độc hại xuyên thủng hàng rào biên giới.
Rõ ràng, một mình Cục ATVSTP không thể chống đỡ được các loại phụ gia thực phẩm, hương liệu thực phẩm nhập từ Trung Quốc đang hiện diện trong các ly chè, ly sinh tố… ở mỗi góc phố, ngả đường. Điều cần ở đây là trách nhiệm chung của toàn xã hội khi nói “không” với thực phẩm kém chất lượng và độc hại với sức khỏe người dân.
Về trách nhiệm trước người dân, Cục ATVSTP với khoảng 13 trung tâm kiểm nghiệm hàng đầu cần sự chủ động khi thanh kiểm tra các mẫu thực phẩm và cương quyết đề xuất xử lý nghiêm túc các cơ sở vi phạm ATVSTP. Dĩ nhiên, với các loại hóa chất độc hại rất khó xác định như DEHP, DINP hay DBP, chúng ta do trang thiết bị và công nghệ nghèo nàn khó có thể lần được dấu vết, song những loại “thường thường bậc trung” khác thì lẽ nào phải bó tay? Cốt yếu vẫn là sự trung thực và trách nhiệm trước sức khỏe con người mà bài học về nước tương có chứa 3-MCPD vẫn còn nóng hổi khi cơ quan quản lý nhà nước đã có biểu hiện “che chắn” cho một vài cơ sở sản xuất vô lương tâm.
Và một câu hỏi nữa đặt ra: Tại sao cả trăm người bị ngộ độc thực phẩm (như ở Lâm Đồng) mà chúng ta không thể đóng cửa vĩnh viễn cơ sở kinh doanh vi phạm? Còn nữa: Tại sao chúng ta không thể khép tội hình sự với những vi phạm nghiêm trọng về ATVSTP (mức cao nhất có thể là tử hình)? Nhưng đó còn là cả câu chuyện dài, trước mắt người dân cần có ý thức tự bảo vệ mình như không dùng các loại thực phẩm đáng ngờ kiểu như tiết canh động vật và những mặt hàng không rõ nguồn gốc vì “trót ăn thì ráng chịu”!
Bích An