Trụ sở bỏ hoang, thiếu nhi thiếu sân chơi

Theo phản ánh của bạn đọc đến Đường dây nóng Báo SGGP, nhiều năm qua, hệ thống nhà thiếu nhi ở các tỉnh Kiên Giang, Tiền Giang, Đắk Lắk  lâm vào tình cảnh bị bỏ hoang, xuống cấp. Trong khi đó, thiếu nhi lại không có sân chơi.
Trung tâm Hoạt động thanh thiếu niên tỉnh Đắk Lắk được đầu tư xây dựng hơn 52 tỷ đồng nhưng bỏ hoang nhiều năm nay. Ảnh: MAI CƯỜNG
Trung tâm Hoạt động thanh thiếu niên tỉnh Đắk Lắk được đầu tư xây dựng hơn 52 tỷ đồng nhưng bỏ hoang nhiều năm nay. Ảnh: MAI CƯỜNG

Tiền tỷ phơi nắng phơi mưa

Tại TP Rạch Giá, trung tâm của tỉnh Kiên Giang, nhà thiếu nhi lớn nhất tỉnh lâu nay không có bất kỳ hoạt động vui chơi giải trí nào. Khuôn viên rộng hàng chục ngàn mét vuông chỉ còn trơ lại sân khấu tạp kỹ vắng bóng người và ngôi trường tư thục L.H.P. Tại TP Phú Quốc, nhà thiếu nhi cũng lâm cảnh hoang tàn, chỉ còn ngôi trường mẫu giáo án ngữ trước cổng.

Anh Nguyễn Bảo Quốc, ngụ phường An Thới (TP Phú Quốc) bày tỏ: Ở đây không thiếu khu vui chơi, giải trí cao cấp, nhưng để vào đó thì mỗi người phải bỏ chi phí không dưới 300.000 đồng. Đảo thì rộng, nhưng không có sân chơi lành mạnh cho thiếu nhi. Tại các huyện khác của tỉnh Kiên Giang cũng vậy, hàng chục nhà thiếu nhi bị bỏ hoang. Chi phí xây dựng cơ bản cho mỗi nhà thiếu nhi không dưới 5 tỷ đồng, Kiên Giang có 15 huyện, thành phố thì cũng có chừng đó nhà thiếu nhi. Số tiền bỏ ra xây dựng nhà thiếu nhi rồi bỏ hoang phí lên tới hàng trăm tỷ đồng. 

Tại Tiền Giang, tình cảnh diễn ra tương tự. Nhà thiếu nhi tỉnh này có diện tích sử dụng đất 2,82ha, với tổng diện tích sàn xây dựng gần 16.000m2. Giá trị dự toán xây dựng công trình gần 126 tỷ đồng. Tuy nhiên, hơn 3 năm đưa vào sử dụng, công trình nhà thiếu nhi tỉnh Tiền Giang chưa phát huy được công năng như mong muốn. Nhiều hạng mục đã xuống cấp trầm trọng. Nước thấm và rỉ từ sân thượng xuống đến tầng trệt. Gạch lát nền bị vỡ nhiều nơi. Cỏ mọc um tùm chung quanh khuôn viên, thậm chí lan lên các tầng. Thiết bị, trò chơi ngoài trời bị cỏ che phủ… Người dân tỉnh Tiền Giang rất bức xúc khi chứng kiến nhà thiếu nhi tỉnh nằm ở vị trí trung tâm của đô thị Mỹ Tho nhưng bị bỏ phế; trong khi đó, trẻ em địa phương thiếu nơi vui chơi, giải trí.

Nhiều năm nay, khi đi trên đường Trần Quý Cáp (phường Ea Tam, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), người dân có thể dễ dàng nhận thấy một công trình với quy mô lớn thực hiện trên diện tích hơn 3ha đất, nằm ở vị trí khá đắc địa nhưng bị bỏ hoang. Công trình này là Trung tâm hoạt động Thanh thiếu niên do Tỉnh đoàn Đắk Lắk làm chủ đầu tư. Công trình được xây dựng và bàn giao từ năm 2017, đến nay đã gần 5 năm nhưng chưa một ngày sử dụng nên đã xuống cấp nhiều hạng mục.

Bên ngoài tòa nhà, phần tường rào xung quanh bị hư hỏng nhiều chỗ, cỏ và dây leo mọc um tùm. Khu vực này trở thành điểm chăn thả bò lý tưởng cho người dân. Phần sân bê tông phía trước tòa nhà hiện cũng trở thành nơi phơi nông sản của người dân. Qua tìm hiểu, Dự án Trung tâm hoạt động Thanh thiếu niên do Tỉnh đoàn Đắk Lắk làm chủ đầu tư có tổng kinh phí thực hiện hơn 52 tỷ đồng (vốn tỉnh Đắk Lắk 17 tỷ đồng, vốn Trung ương Đoàn 35 tỷ đồng). 

Vướng cơ chế?

Không có nhà thiếu nhi, trẻ em chỉ còn cách giải trí bằng thiết bị di động thông minh, hay vào các quán game đầy rẫy trò chơi chém giết, bạo lực bủa vây. Không ít trẻ sử dụng điện thoại, máy tính bảng nhiều quá nên ít tương tác với gia đình, cộng đồng. Hậu quả, nhẹ thì trẻ bị cận thị, nặng thì tự kỷ, phải điều trị tâm lý lâu dài. 

Theo quy định, các nhà thiếu nhi hiện tại do cơ quan Đoàn Thanh niên cùng cấp chịu trách nhiệm quản lý. Nhiều cán bộ Đoàn ở các địa phương chia sẻ, cái khó lớn nhất trong quản lý, duy trì hoạt động cho nhà thiếu nhi ở địa phương chính là kinh phí. Mỗi cơ quan Đoàn cấp huyện hiện được bố trí khoảng 3 biên chế phụ trách thiếu nhi - trường học. Trong đó, cán bộ phụ trách thiếu nhi có trách nhiệm quản lý luôn nhà thiếu nhi. Trong trường hợp huy động cả huyện/thành đoàn để trông coi nhà thiếu nhi cũng chưa chắc đủ người, đằng này chỉ có 1-2 người!

Ông Nguyễn Lưu Trung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho biết, hiện địa phương đang trình và chờ điều chỉnh biên chế cho các nhà thiếu nhi. Cái khó khăn nhất là kinh phí duy trì thì chưa có hướng khắc phục, do vướng cơ chế. Theo Tỉnh đoàn Tiền Giang, nguyên nhân dẫn đến tình trạng công trình tiền tỷ bị bỏ hoang do vào tháng 7-2021, nhà thiếu nhi tỉnh ngừng hoạt động để trưng dụng một số phòng ốc, cơ sở vật chất phục vụ cho bệnh viện dã chiến chống dịch Covid-19, vì vậy công viên nước phải đóng cửa. 

Trao đổi với Báo SGGP, chị H’Giang Niê, Bí thư Tỉnh đoàn Đắk Lắk, thông tin, dự án Trung tâm sinh hoạt Thanh thiếu niên xây dựng với mục tiêu làm nơi tổ chức các chương trình liên quan đến giáo dục, đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng xã hội; giáo dục thể chất, tinh thần, giáo dục pháp luật, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao cho các em thanh, thiếu niên. Ngoài ra, đây cũng là nơi tổ chức các hoạt động ngoại khóa, là sân chơi cho các em học sinh thư giãn sau giờ học tập. Tuy nhiên, từ ngày công trình được bàn giao đến nay vẫn chưa thể đưa vào hoạt động do vướng cơ chế, không xây dựng được bộ máy nhân sự để điều hành trung tâm. 

Cũng theo chị H’Giang, để giải quyết vướng mắc của dự án, hiện nay, Tỉnh đoàn Đắk Lắk đang xin chủ trương xã hội hóa, kêu gọi các nhà đầu tư thực hiện các hoạt động thiết chế văn hóa thiếu nhi tại trung tâm. Trong đó, nhà đầu tư sẽ tổ chức, thực hiện hoạt động vui chơi, trải nghiệm có tính giáo dục cho thanh thiếu nhi để công trình phát huy được hiệu quả.

Tin cùng chuyên mục