Trụ sở cơ quan hành chính sau sáp nhập: Khai thác, sử dụng sao cho hiệu quả

Thực hiện Nghị quyết 131/2020/QH14 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM và Nghị quyết 1111/NQ-UBTVQH14 của Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức thuộc TPHCM, nhiều địa phương trên địa bàn TPHCM đã tiến hành sáp nhập để hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, sau gần 2 năm sáp nhập, bên cạnh một số trụ sở được tái sử dụng thì một số trụ sở vẫn bị bỏ không, gây lãng phí tài sản công.
Trụ sở UBND phường 5 cũ (quận 4) được tận dụng để làm trụ sở Đảng ủy, UBND phường 2 sau sáp nhập. Ảnh: Hồng Hải
Trụ sở UBND phường 5 cũ (quận 4) được tận dụng để làm trụ sở Đảng ủy, UBND phường 2 sau sáp nhập. Ảnh: Hồng Hải

Sắp xếp, bố trí phù hợp

 Đầu năm 2021, UBND quận 3 tiến hành sáp nhập các phường 6, 7 và 8 thành phường Võ Thị Sáu. Sau sáp nhập, trụ sở Đảng ủy phường Võ Thị Sáu được đặt tại trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND phường 6 cũ; Ủy ban MTTQ và các đoàn thể phường đặt tại trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND phường 8 cũ. 

Theo Phó Chủ tịch UBND quận 3 Phạm Thị Thúy Hằng, đặc thù của quận là trụ sở Đảng ủy, UBND các phường đều nhỏ. Do đó, sau khi sáp nhập, quận bố trí, sắp xếp các bộ phận đến các trụ sở cũ để đảm bảo đủ không gian cho cán bộ, công chức làm việc. Do đó, dù sáp nhập 3 phường nhưng cơ sở vật chất của quận 3 gần như không dôi dư. Theo bà Phạm Thị Thúy Hằng, hiện nay trụ sở Đảng ủy, UBND phường Võ Thị Sáu rất hẹp, không đủ chỗ để cán bộ, công chức làm việc và tiếp công dân. Quận 3 đã trình đề án xây mới trụ sở Đảng ủy, UBND phường Võ Thị Sáu, hiện đang chờ TPHCM xem xét.

Tại quận 4, ông Võ Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND quận 4, cho biết, với đặc thù là quận có diện tích nhỏ nên trụ sở 4 phường (2, 5, 12 và 13) của quận sau sáp nhập đều được bố trí hợp lý thành trụ sở làm việc của các cơ quan. Theo ông Dũng, các trụ sở được tận dụng để bố trí thành nơi làm việc của Đảng ủy, UBND, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể, công an và ban chỉ huy quân sự phường mới sau sáp nhập. Quận cũng tính toán để không lãng phí trụ sở làm việc.

Đại diện UBND quận Phú Nhuận thông tin, đầu năm 2021, 4 phường (11, 12, 13, 14) của quận sáp nhập thành 2 phường (11, 13). Sau khi sáp nhập, trụ sở UBND phường 11 được bố trí tại trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND phường 11 cũ. Trụ sở Đảng ủy, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể phường 11 sử dụng trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND phường 12 cũ. Công an phường 11 sử dụng trụ sở của Công an phường 11 cũ. Ban Chỉ huy Quân sự phường 11 sử dụng trụ sở Ban Chỉ huy Quân sự phường 12 cũ. Riêng trụ sở Công an phường 12 cũ được giao cho công an quận sử dụng.

Đối với phường 13, UBND phường 13 sử dụng trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND phường 13 cũ. Đảng ủy, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể phường 13 sử dụng trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND phường 14 cũ. Công an phường 13 sử dụng trụ sở Công an phường 14 cũ. Ban Chỉ huy Quân sự phường 13 sử dụng trụ sở Ban Chỉ huy Quân sự phường 14 cũ. Riêng trụ sở Công an phường 13 được trưng dụng làm Trung tâm Học tập cộng đồng, thư viện điện tử. 

Theo đại diện UBND quận Phú Nhuận, việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính tại quận đã tinh gọn đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động không chuyên trách. Nguồn ngân sách tiết kiệm được sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính là gần 2,2 tỷ đồng.

Vẫn còn lãng phí

 Năm 2021, TP Thủ Đức được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 quận (2, 9, Thủ Đức). Sau khi sáp nhập, trụ sở UBND quận 2 cũ được sử dụng làm trụ sở UBND TP Thủ Đức; trụ sở UBND quận Thủ Đức cũ được bố trí cho Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Thủ Đức và các tổ chức chính trị - xã hội hoạt động; trụ sở Quận ủy quận Thủ Đức cũ được sử dụng làm trụ sở Quận ủy TP Thủ Đức. Riêng trụ sở UBND quận 9 cũ hiện đang tạm đóng cửa, chưa được bố trí sử dụng. 

Ông Dương Văn Thanh (sinh sống gần trụ sở UBND quận 9 cũ) cho biết, năm 2018 trụ sở này được xây dựng xong. Nhìn trụ sở mới, khang trang, hiện đại, rộng gần 5.500m2 bị bỏ không giữa khu đô thị dân cư đông đúc, ông Thanh bày tỏ sự tiếc nuối. “Khu dân cư này khang trang, thoáng đãng; trụ sở UBND quận 9 vừa mới sử dụng được hơn 2 năm thì đóng cửa bỏ không như vậy, thật lãng phí. Với diện tích này, nếu khai thác hiệu quả thì góp phần không nhỏ cho nguồn thu ngân sách địa phương”, ông Thanh tâm tư.
Tại buổi giám sát của HĐND TPHCM về việc thực hiện Nghị quyết 131/2020/QH14 về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM, đại biểu Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM, đã nêu ý kiến về việc trụ sở hàng trăm tỷ đồng nói trên bị bỏ hoang. Đại biểu Cao Thanh Bình cho rằng, sau sáp nhập, TP Thủ Đức vẫn chưa khai thác nhiều trụ sở làm việc cũ của các đơn vị, gây lãng phí. 

Theo Chánh Văn phòng UBND TP Thủ Đức Võ Tấn Quan, trụ sở UBND quận 9 cũ đang được UBND TP Thủ Đức quản lý. TP Thủ Đức cũng đã có kế hoạch sắp xếp, đưa vào khai thác, dự kiến bố trí làm trụ sở Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến đầu tư và phát triển khoa học công nghệ. Hiện phương án này đã được UBND TP Thủ Đức lấy ý kiến các sở, ngành liên quan và trình UBND TPHCM xem xét.

Tin cùng chuyên mục