Trục trặc hộp đen ô tô, lái xe lãnh đủ

Sau hơn 1 tháng ra quân kiểm tra các phương tiện vận tải trên địa TPHCM, cơ quan chức năng đã phát hiện hàng loạt sai phạm liên quan đến lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (hộp đen). Trong đó, tình trạng có lắp đặt nhưng không hoạt động hoặc hoạt động nhưng không truy xuất dữ liệu là phổ biến nhất. Dù nguyên nhân được xác định từ khá nhiều phía, nhưng trước tiên, các lái xe phải đứng ra chịu phạt.

Sau hơn 1 tháng ra quân kiểm tra các phương tiện vận tải trên địa TPHCM, cơ quan chức năng đã phát hiện hàng loạt sai phạm liên quan đến lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (hộp đen). Trong đó, tình trạng có lắp đặt nhưng không hoạt động hoặc hoạt động nhưng không truy xuất dữ liệu là phổ biến nhất. Dù nguyên nhân được xác định từ khá nhiều phía, nhưng trước tiên, các lái xe phải đứng ra chịu phạt.

Theo chân tổ công tác của Thanh tra Sở GTVT TPHCM khi tiến hành kiểm tra việc lắp đặt hộp đen tại 2 bến xe lớn là Bến xe miền Đông và Bến xe miền Tây, ghi nhận khá nhiều trường hợp hộp đen không có tín hiệu hoạt động; chủ xe cũng không có số điện thoại đăng nhập để truy xuất thiết bị ra ngoài. Một số hộp đen sau khi đăng nhập và in được thì dữ liệu lại không đúng yêu cầu. Theo đó, trong số 256 phương tiện vận tải được kiểm tra có 113 trường hợp vi phạm ứng với các lỗi kể trên.

Theo một thành viên của tổ công tác cho biết, khi không đảm bảo các tiêu chí đó, chủ xe sẽ bị xử phạt 2,5 triệu đồng và tước giấy phép lái xe từ 30 - 60 ngày theo quy định (Nghị định 34 và 71). Điều đáng nói, đã có không ít các chủ xe phản ứng lại với quyết định xử phạt của các cơ quan chức năng.

Ngay tại Bến xe miền Đông, lái xe N.V.L. (tuyến TPHCM - Vũng Tàu) khi bị xử phạt đã đình công, không chịu xuất bến, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động vận tải hành khách. Lái xe này cho rằng tước giấy phép lái xe của người điều khiển phương tiện là chưa hợp lý. Bởi việc trang bị, gắn hộp đen cho ô tô là trách nhiệm của chủ phương tiện hoặc chủ doanh nghiệp vận tải, lái xe chỉ là người làm thuê.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng khẳng định sự thay đổi bất ngờ của các văn bản quy phạm pháp luật trước ngày 1-7 đã khiến họ không kịp trở tay.

Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Lê Hồng Việt, Phó Chánh thanh tra Sở GTVT TPHCM, khẳng định qua công tác kiểm tra xác định hộp đen gặp trục trặc do nhiều nguyên nhân. Có thể trước đây các chủ phương tiện đã yêu cầu đơn vị lắp đặt hộp đen tiết giảm bớt một số chức năng để hạ giá thành, nhằm hoàn tất công tác đăng kiểm. Kết quả, thiết bị hoạt động không ổn định, còn lái xe cũng mù mờ thông tin về cách vận hành loại thiết bị mới này. Tuy nhiên, về mặt quản lý nhà nước, các lái xe vẫn phải chịu phạt nếu có sai phạm.

Tuy nhiên, ông Việt cũng thừa nhận, Thanh tra Sở hiện chỉ được trang bị một vài máy in cầm tay phục vụ truy xuất dữ liệu hộp đen. Không đủ để kiểm tra cùng lúc nhiều phương tiện ở các địa điểm khác nhau.

Ông Hồ Văn Hưởng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng đồng tình khi cho rằng, muốn phát huy hiệu quả hộp đen doanh nghiệp điều hành vận tải phải có trách nhiệm. Bởi nếu hộp đen không hoạt động thì coi như hàng trăm tỷ đồng đã bỏ ra để lắp đặt thiết bị coi như “bay qua cửa sổ”.

TƯỜNG HÂN

- Thông tin liên quan:

>> Kiểm tra hộp đen ô tô: 2/3 phương tiện vi phạm

Tin cùng chuyên mục