Trưng cầu ý dân được thực hiện trên phạm vi cả nước

Hành lang bảo vệ bờ biển được luật hóa

 * Hành lang bảo vệ bờ biển được luật hóa

(SGGPO).- Tại phiên họp sáng nay, 28-5, dự án Luật Trưng cầu ý dân đã được trình Quốc hội. Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam - đơn vị chủ trì soạn thảo dự luật - dự thảo Luật Trưng cầu ý dân gồm 9 Chương, 56 Điều. Đáng lưu ý, dự thảo luật được xây dựng theo phương án cụ thể hóa tối đa các quy phạm để áp dụng trực tiếp, không ban hành Nghị định hay hình thức văn bản khác để quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành.

Ông Nguyễn Văn Quyền cho biết, trong số những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, Ban soạn thảo trình để Quốc hội cho ý kiến về những vấn đề đề nghị trưng cầu ý dân. Đa số ý kiến đề nghị (và dự thảo cũng thể hiện theo hướng này) chỉ quy định về mặt nguyên tắc, khái quát những vấn đề nào được đề nghị để Quốc hội quyết định đưa ra trưng cầu ý dân. Một số ý kiến khác đề nghị liệt kê những vấn đề cần đưa ra trưng cầu ý dân, khi cần thiết thì Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân trong số những vấn đề này.

“Qua tham khảo thì có 65 nước không quy định vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân là vấn đề nào, mà tùy thuộc vào kiến nghị trưng cầu ý dân của các chủ thể đưa ra kiến nghị, miễn là đáp ứng được những quy định của pháp luật”, ông Quyền giải trình thêm.

Về phạm vi trưng cầu ý dân cũng có hai loại ý kiến. Đa số ý kiến cho rằng, các cuộc trưng cầu ý dân được thực hiện trên phạm vi cả nước; phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về thẩm quyền quyết định trưng cầu ý dân của Quốc hội. Đồng thời, những vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân phải là những vấn đề có ý nghĩa ở tầm quốc gia đưa ra để toàn dân quyết định, còn những vấn đề mang tính địa phương hoặc khu vực thì áp dụng hình thức lấy ý kiến nhân dân trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định. Ban soạn thảo nhất trí với đa số ý kiến và đã thể hiện theo hướng này trong dự thảo.

Trưng cầu ý dân đã được thừa nhận rộng rãi như là một trong những giá trị của dân chủ trực tiếp trong xã hội hiện đại và rất nhiều nước đã ban hành Luật Trưng cầu ý dân để điều chỉnh các mối quan hệ về trưng cầu ý dân. Cho đến nay đã có 167/214 (khoảng 78%) quốc gia và vùng lãnh thổ có luật hoặc các quy định pháp lý về trưng cầu ý dân.

(Trích Tờ trình của Hội Luật gia Việt Nam về dự án Luật Trưng cầu ý dân)

   

Tuy nhiên, một số ý kiến khác cho rằng, có những vấn đề quan trọng của đất nước nhưng phạm vi tác động chỉ ở một khu vực thì Quốc hội vẫn quyết định trưng cầu ý dân nhưng chỉ cần tổ chức trưng cầu ý dân ở khu vực đó, ví dụ như xây dựng nhà máy điện hạt nhân hay một dự án kinh tế xã hội có liên quan đến một hoặc một số tỉnh, thành phố.

Về chủ thể có quyền đề nghị trưng cầu ý dân, dự thảo Luật trưng cầu ý dân đưa ra hai phương án. Theo phương án 1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất 1/3 tổng số đại biểu Quốc hội có quyền trình đề nghị trưng cầu ý dân. Ở phương án 2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc ít nhất 1/3 tổng số đại biểu Quốc hội có quyền trình đề nghị trưng cầu ý dân.

Vấn đề này có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị chọn phương án 1 để đảm bảo thống nhất với Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi 2014). Ý kiến khác đề nghị, chọn phương án 2, nhưng bổ sung 4 chủ thể: Thủ tướng Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng được đề nghị trưng cầu ý dân.

Cũng trong sáng nay, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường (KHCNMT) Phan Xuân Dũng trình bày Dự thảo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 gồm có 10 Chương, 81 Điều, tăng 5 Điều so với dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8.

Trong đó, liên quan đến chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, tiếp thu ý kiến cho rằng dự thảo Luật quy định “Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo được lập cho giai đoạn 10 năm” là quá ngắn, khó có thể quy hoạch và khai thác hợp lý, dự thảo lần này đã quy định “Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường (BVMT) biển và hải đảo được lập ở cấp quốc gia, cho giai đoạn 20 năm, tầm nhìn 30 năm” như tại khoản 3 Điều 9 Dự thảo Luật.

Dự thảo Luật cũng đã bổ sung, làm rõ quy định Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, BVMT biển và hải đảo được lập ở cấp quốc gia; quy định rõ nguyên tắc lập chiến lược phải đáp ứng yêu cầu khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên, BVMT biển và hải đảo, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa; bổ sung vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng vào nội dung chiến lược.

Về quy định “Hành lang bảo vệ bờ biển” và “Các hoạt động bị hạn chế trong hành lang bảo vệ bờ biển”, ông Dũng khẳng định, đây là lần đầu tiên quy định hành lang bảo vệ bờ biển được luật hóa.
“Việc thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển có ảnh hưởng và tác động trực tiếp đến hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ, tác động đến các hoạt động phát triển KT-XH và an ninh quốc phòng. Tiếp thu ý kiến các vị ĐBQH, Dự thảo Luật đã được chỉnh sửa theo hướng bổ sung quy định về nguyên tắc thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển và chỉnh sửa lại Điều 23 quy định về hành lang bảo vệ bờ biển, đồng thời bổ sung 2 Điều mới quy định về các hoạt động bị nghiêm cấm, các hoạt động bị hạn chế trong hành lang bảo vệ bờ biển”, người đứng đầu Ủy ban KHCNMT nêu rõ.

Dự thảo Luật cũng đã quy định rõ yêu cầu, mục tiêu, nguyên tắc thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển; quy định về chiều rộng hành lang bảo vệ bờ biển. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển tổ chức thiết lập, công bố và quản lý hành lang bảo vệ bờ biển thuộc phạm vi quản lý.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục