Kể từ khi bất ổn xảy ra từ đầu năm đến nay, ở Libya có 30.000 người thiệt mạng, ở Syria và Yemen là 5.000 và 1.500 người. Và đây chưa phải là những con số cuối cùng.
Bên biểu tình, chỗ phản công
Tờ Kuwait Times ngày 20-10 đưa tin, hơn 12.000 người Kuwait đã xuống đường biểu tình, kêu gọi Quốc vương cách chức Thủ tướng Nasser Mohammad al-Ahmad Al-Sabah và buộc ông này phải chịu trách nhiệm trước tình trạng tham nhũng, đặc biệt là đối với các quan chức cấp cao trong chính phủ và tình trạng dịch vụ xuống cấp.
Đây là cuộc biểu tình lớn nhất tại Kuwait từ đầu năm đến nay và họ khẳng định sẽ không rút lui nếu không đạt được mong muốn. Từ khi nhậm chức năm 2006 đến nay, ông Nasser đã 3 lần bị bỏ phiếu bất tín nhiệm nhưng vẫn tại vị an toàn. Ông cũng là thủ tướng đầu tiên của Kuwait trải qua cuộc bỏ phiếu bất đắc dĩ trên.
Trong khi đó, theo hãng tin Saba, Yemen tiếp tục có diễn biến mới. Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh ngày 19-10 tuyên bố sẵn sàng ký vào sáng kiến giải quyết khủng hoảng mà Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) đề xuất với điều kiện kế hoạch phải được bảo đảm thực hiện bởi GCC, châu Âu và Mỹ. Theo đó, Tổng thống Yemen có 30 ngày để tuyên bố từ chức và được miễn truy tố.
“Dòng chảy” vũ khí
“Mùa xuân Arập” bắt đầu ở Tunisia từ cuối năm 2010, là động lực cho chuỗi các cuộc nổi dậy ở nhiều quốc gia khác. Hãng thông tấn Al Jazeera có bài viết phân tích báo cáo của Tổ chức Ân xá quốc tế (AI) cho thấy, không chỉ có Mỹ đứng sau hoạt động mua bán vũ khí cho những quốc gia trên mà hàng loạt nước đã thu bộn tiền từ đây.
Theo AI, chỉ trong 5 năm trước khi diễn ra “Mùa xuân Arập”, ít nhất 20 quốc gia (Anh, Pháp, Serbia, Thụy Sĩ, Hàn Quốc…) đã kiếm được 2,4 tỷ USD, chỉ tính riêng đối với việc bán vũ khí hạng nhẹ, hơi cay, thiết bị an ninh… cho Bahrain, Ai Cập, Libya, Syria và Yemen. Nếu tính chung các loại vũ khí, ở Ai Cập, Mỹ kiếm được hơn 1 tỷ USD từ tiền bán vũ khí, trong khi CH Czech xếp thứ hai với 308 triệu USD. Ở Libya, Ý giữ vị trí đứng đầu với 433 triệu USD, Bulgaria cũng góp mặt với khoản tiền thu về gần 8 triệu USD. Miếng bánh thị trường tiêu thụ vũ khí ở Syria giành 3,8 triệu USD cho Ý trong khi Australia theo sau với 2,6 triệu USD, Pháp là 1,6 triệu USD. Nga được cho là nhà cung cấp khá nhiều vũ khí cho Syria nhưng AI không đưa ra được số liệu cụ thể. Bulgaria chiếm gần một nửa thị trường ở Yemen, thu được gần 100 triệu USD. Ở Bahrain, Anh dẫn đầu với 16 triệu USD.
Dư luận quốc tế phẫn nộ với việc lực lượng cầm quyền sử dụng vũ khí đủ loại, bằng mọi cách trấn áp người biểu tình. Anh, Pháp, Đức ngay lập tức tuyên bố tạm ngưng cung cấp một số loại vũ khí nhưng điều đó đã quá muộn! Hàng ngàn người đã thiệt mạng.
Bất ổn ở thế giới Arập có trách nhiệm không nhỏ của những nhà cung cấp vũ khí, góp phần tạo điều kiện để nó bùng phát dữ dội. Cuộc chiến càng khốc liệt, vũ khí càng được bán nhiều, túi tiền của các nước phương Tây lại càng căng nhưng đời sống của người dân các quốc gia sẽ càng khốn khổ hơn.
Như Quỳnh