Trung Quốc: Củng cố vị thế bằng nghệ thuật

Đầu tư vào bảo tàng nghệ thuật trong nước

Mặc dù đã trở thành nền kinh tế thứ nhì thế giới nhưng Trung Quốc vẫn không ngừng củng cố vị thế của mình. Để trở thành một quốc gia không dừng lại là một cường quốc kinh tế, Trung Quốc đã chuyển hướng bành trướng sang lĩnh vực nghệ thuật.

Đầu tư vào bảo tàng nghệ thuật trong nước

Tại Thượng Hải, chính quyền TP đã cho phép xây dựng một viện bảo tàng nghệ thuật đương đại và sẽ được gọi là “Cung điện nghệ thuật”. Bảo tàng được xây trên diện tích 200.000m², từng là nơi tổ chức Hội chợ triển lãm thế giới 2010. Khi được khánh thành vào ngày 1-10 tới, “Cung điện nghệ thuật” không chỉ là viện bảo tàng nghệ thuật lớn nhất Trung Quốc, mà còn trở thành một trong những bảo tàng nghệ thuật lớn nhất thế giới.

Trong khi đó, ở Bắc Kinh, Bảo tàng Nghệ thuật quốc gia Trung Quốc cũng tổ chức một cuộc thi quốc tế chọn kiến trúc sư cho dự án bảo tàng mới rộng khoảng 130.000m² xây dựng bên cạnh sân vận động Olympic quốc gia, một trong những công trình biểu tượng của thủ đô. Các chuyên gia nghệ thuật Trung Quốc ví làn sóng xây dựng và mở rộng bảo tàng nghệ thuật này như đợt mở rộng các bảo tàng ở Mỹ vào cuối thế kỷ 19. Tuy nhiên, một bảo tàng không chỉ đơn thuần là những tòa nhà to lớn và hiện đại. Những dòng người chờ đợi bên ngoài bảo tàng không chỉ muốn xem nội thất của kiến trúc này mà còn vì háo hức muốn xem xác ướp 2.100 năm tuổi còn nguyên vẹn của phụ nữ quý tộc thời Hán.

Tổ chức triển lãm tác phẩm ở nước ngoài

Chủ trương phát triển mạng lưới bảo tàng đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Chính phủ Trung Quốc như một phần của chiến lược văn hóa mang tên “Going Out, Inviting In” (Hướng ra ngoài nước, mời vào trong nước) chủ động giới thiệu nghệ thuật hiện đại của Trung Quốc ở nước ngoài, trong đó có Mỹ.

Bên cạnh chiến lược xây dựng các viện bảo tàng nghệ thuật quy mô trong nước, Trung Quốc cũng không ngừng đẩy mạnh các cuộc triển lãm quảng bá nghệ thuật của nước nhà ra nước ngoài. Theo New York Times, các cuộc triển lãm nghệ thuật của Trung Quốc đang đổ bộ ồ ạt vào thị trường nghệ thuật Mỹ. Mới đây là cuộc triển lãm 54 bức tranh của họa sĩ đương đại thế kỷ 20 Ngô Quán Trung do Bảo tàng Nghệ thuật Thượng Hải và Hiệp hội Bảo tàng châu Á đồng tổ chức, đã thu hút nhiều người yêu hội họa ở New York. Nghệ sĩ  Ngô Quán Trung là một trong những họa sĩ có những tác phẩm được mua với giá cao nhất trong các cuộc đấu  giá các tác phẩm nghệ thuật hiện đại Trung Quốc.

Một trong các bức vẽ phong cảnh sông Dương Tử của ông đầu những năm 1970 đã bán được 23,5 triệu USD trong cuộc đấu giá ở Bắc Kinh hồi năm ngoái. Bảo tàng Nam Kinh cũng đã hợp tác với Bảo tàng Nghệ thuật Cleveland tổ chức triển lãm các tác phẩm vẽ bằng mực tàu của danh họa thế kỷ 20 Phó Bảo Thạch. Cuộc triển lãm đã thành công bất ngờ và dự kiến sẽ mở rộng đến Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New York.

Theo quan điểm phương Tây, thế kỷ 20 là thế kỷ của nghệ thuật phương Tây và nghệ thuật hiện đại. Nhưng nhiều chuyên gia nghệ thuật không đồng ý với quan điểm trên khi thời gian gần đây, các học giả nghệ thuật thế giới khi thảo luận về nghệ thuật hiện đại cũng đã ít nhiều đề cập đến nghệ thuật hiện đại của Trung Quốc. Giới nghệ thuật tin rằng với những nỗ lực trên, nền nghệ thuật đương đại Trung Quốc sẽ ngày càng phát triển và vươn xa khắp thế giới.

Hạnh Chi

Tin cùng chuyên mục