Tờ Hainan Daily ngày 5-8 đưa tin, chính quyền cái gọi là thành phố Tam Á, Trung Quốc đã khánh thành cảng cá trung tâm Á Châu, cảng phục vụ tàu cá lớn nhất tỉnh. Giới phân tích nhận định Trung Quốc đang thực hiện ý đồ lấn xa hơn trên biển Đông.
Chiến thuật biển người
Tin cho biết, cảng trung tâm Á Châu hiện có thể chứa một lúc khoảng 800 tàu cá, có thể sẽ tiếp nhận ít nhất 2.000 tàu sau khi dự án xây dựng hoàn thành với tổng mức kinh phí khoảng 3 tỷ nhân dân tệ (NDT). Cảng này sẽ có thể tiếp nhận được các tàu thuyền có trọng tải lên tới 3.000 tấn. Hồi tháng 6, chính quyền Hải Nam còn thông báo sẽ tiếp tục xây dựng một cảng cá lớn thứ hai ở khu vực phía Tây Nam. Sau khi hoàn thành vào đầu năm 2018, cảng cá này có thể chứa được ít nhất 600 tàu cỡ 300 tấn.
Cảng cá trên được khánh thành trong bối cảnh hàng chục ngàn chiếc tàu cá của Trung Quốc bắt đầu ào ạt đổ xuống biển Đông từ ngày 5-8. Đây hầu hết là những chiếc tàu vỏ thép đánh bắt xa bờ, được chuẩn bị đầy đủ nhiên liệu, lương thực, thực phẩm để có thể kéo xuống đánh bắt ở các ngư trường xa, thậm chí đến cả bãi cạn Scarborough mà Trung Quốc đang tranh chấp với Philippines.
Trung Quốc đưa các đội tàu cá cỡ lớn ra biển Đông
Theo giới phân tích, các động thái trên nằm trong nỗ lực xây dựng một lực lượng dân binh hùng hậu của Trung Quốc, nhằm phục vụ cho tham vọng quá đáng trên biển Đông. Từ lâu, Trung Quốc đã được cho là cung cấp hỗ trợ về tài chính, xăng dầu để ngư dân nước này có thể đóng được những tàu cá lớn hơn, đi xa hơn, thậm chí là huấn luyện cả kỹ năng quân sự cho họ. Riêng chính quyền tỉnh Tam Á trong thời gian vừa qua đã chi ra hơn 64 triệu NDT để hỗ trợ ngư dân, và ít nhất 25 tàu cá nặng hơn 500 tấn đã được hạ thủy chỉ trong hai tháng qua.
Kiếm cớ gây hấn
Theo Washington Post, ngư dân Trung Quốc được sự hỗ trợ của các tàu hải cảnh, không ngừng mở rộng địa bàn hoạt động, lấn sang cả những vùng biển gần bờ các nước khác. Đây thực chất chỉ là một động thái nhỏ trong chiến lược dài hơi mà Trung Quốc theo đuổi nhằm mở rộng ngư trường cũng như thể hiện sức mạnh thống trị trên biển của mình.
“Chính quyền Trung Quốc coi ngư dân và tàu cá như những công cụ quan trọng để tăng cường hiện diện đồng thời củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý tại những vùng biển tranh chấp”, Chuyên gia tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, Trương Hồng Châu nhận xét.
Taylor Fravel, phó giáo sư tại Viện Công nghệ Massachusetts, cho rằng việc mở thêm các cảng cá lớn chứng tỏ Trung Quốc vẫn quyết xua ngư dân đến đánh bắt ở nhiều khu vực trên biển Đông, kể cả ở những vùng biển mà Tòa Trọng tài thường trực quốc tế đã phán quyết rằng Bắc Kinh không có quyền lịch sử đối với các nguồn tài nguyên.
Trong một diễn biến khác, tân Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada nói trước quân đội trong ngày làm việc đầu tiên rằng: “Trung Quốc đã nhanh chóng gia tăng hoạt động ở các vùng biển và trên không xung quanh Nhật Bản và họ sẽ tiếp tục nỗ lực thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực”. Phát biểu của bà Inada được giới quan sát đánh giá là dường như chỉ trích việc Trung Quốc tăng cường xây dựng các đảo nhân tạo ở biển Đông. Trong Sách trắng quốc phòng của Nhật Bản công bố hôm 2-8, Tokyo cho rằng Trung Quốc đã lợi dụng sức mạnh để thay đổi hiện trạng ở biển Đông bằng cách bồi lấp trái phép đảo nhân tạo phi pháp.
Phó giáo sư Andrew Erickson thuộc Học viện Chiến tranh hải quân Mỹ, cảnh báo: Trung Quốc đang tìm cách xây dựng một lực lượng bán quân sự trên biển bằng cách biên chế các tàu cá vào lực lượng dân quân biển nhằm đối phó với lực lượng hành pháp của các quốc gia láng giềng. Họ núp dưới bóng tàu cá để tiến hành các hoạt động trinh sát do thám, vì thế hải quân các nước sẽ không thể cản trở. |
VIỆT ANH (tổng hợp)