Trung Quốc hướng tới đô thị miễn dịch cộng đồng

Nhiều thành phố ở Trung Quốc đang đẩy mạnh chương trình tiêm chủng địa phương, với mong muốn trở thành đô thị đầu tiên ở quốc gia tỷ dân đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng.
Đăng ký tiêm chủng tại một trung tâm tiêm chủng ở Bắc Kinh
Đăng ký tiêm chủng tại một trung tâm tiêm chủng ở Bắc Kinh

Theo hãng tin Bloomberg, tính riêng Bắc Kinh đã có 16 triệu dân, tương đương với hơn 80% dân số, đủ điều kiện đã hoàn thành 2 liều tiêm vaccine Covid-19. Tỷ lệ tiêm chủng tại Bắc Kinh tương đương với tỷ lệ tiêm chủng tại San Francisco, khi nơi này đang trên đường trở thành thành phố đầu tiên tại Mỹ đạt miễn dịch cộng đồng sau khi 74% dân số trên 12 tuổi được tiêm vaccine. Tính đến ngày 2-7, 67% dân số San Francisco hoàn thành 2 mũi tiêm chủng.

Tại Thượng Hải, trên 16,8 triệu người, tương đương 67% trong tổng số 25 triệu dân của thành phố, đã hoàn thành tiêm chủng vaccine Covid-19 trước tháng 7. Bên cạnh đó, 2 thành phố lớn tiếp theo đang trên đà vượt mốc 70% miễn dịch là Hải Khẩu và Thâm Quyến. Các thành phố chịu rủi ro cao như những khu vực giáp biên giới hoặc các thành phố lớn đông dân của Trung Quốc đều có cơ hội tiếp cận vaccine sớm nhất vì được coi là những điểm ưu tiên trong chiến dịch tiêm chủng của chính phủ.

Trong khi đó, đảo Hải Nam đã sớm bắt đầu chương trình tiêm chủng đại trà từ tháng 3 để “nhanh chóng xây dựng hàng rào miễn dịch” trước 2 sự kiện lớn là Diễn đàn Bác Ngao châu Á tổ chức vào tháng 4 và Hội chợ Triển lãm sản phẩm tiêu dùng quốc tế Trung Quốc vào tháng 5. Tại thành phố nghỉ mát Tam Á với dân số 1,03 triệu người, trên 755.000 người (chiếm 73% tổng dân số) cũng đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine tính đến ngày 25-6.

Trước đây, giới chuyên gia y tế đều nhất trí rằng, một quốc gia đạt được miễn dịch cộng đồng khi ít nhất 70% dân số được miễn dịch, thông qua tiêm chủng hoặc hồi phục sau khi mắc bệnh. Tuy nhiên, với mức độ lây lan thay đổi do sự xuất hiện của các biến chủng virus SARS-CoV-2 mới và mức độ bảo vệ chưa được kiểm nghiệm của vaccine trước mầm bệnh, giới chuyên gia y tế trong nước khuyến cáo Trung Quốc cần phải tiêm chủng cho ít nhất 80%-85% dân số thì mới đạt được miễn dịch cộng đồng.

Hiện chưa thể có đánh giá đầy đủ về cuộc chạy đua giữa các thành phố Trung Quốc nhằm đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng, nhưng đây vẫn là biện pháp cần thiết để tạo “lá chắn” trong đại dịch. Có một số đánh giá cho rằng, hầu hết các thành phố của Trung Quốc không có nguy cơ bùng phát dịch bệnh, bởi người dân đã thực hiện tiêm chủng từ sớm. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, điều này là chưa chắc chắn bởi còn nhiều nguy cơ từ biến thể mới của virus và còn phụ thuộc cả vào thời hạn bảo vệ của vaccine.

Từ ngày 20-6, Trung Quốc đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới phân phối 1 tỷ liều vaccine Covid-19 trong nước, chiếm 1/3 toàn cầu. Đến nay, nước này đã phê duyệt loại vaccine Covid-19 thứ 7 tự phát triển để đáp ứng nhu cầu đang tăng lên. Tuy nhiên, chính quyền và người dân các nơi vẫn không chủ quan. Ở các thành phố có tỷ lệ tiêm chủng cao, giới chức địa phương vẫn duy trì áp đặt các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt như đeo khẩu trang, đo thân nhiệt và đăng ký mã y tế cá nhân. Thói quen này được người dân đồng tình và thực hiện đầy đủ khi lưu thông trên đường phố. Phần lớn người dân, dù thời tiết nóng bức và bản thân đã tiêm vaccine, vẫn đeo khẩu trang khi ra nơi công cộng. Họ cho biết việc đo thân nhiệt, quét mã y tế, hay đeo khẩu trang làm bản thân cảm thấy an toàn hơn.

Tin cùng chuyên mục