Trung Quốc khởi động kế hoạch giải cứu châu Âu

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đang có chuyến thăm tới một số nước châu Âu nhằm tỏ ý sẵn sàng cho các nước có nguy cơ gặp khủng hoảng nợ vay vốn.
Trung Quốc khởi động kế hoạch giải cứu châu Âu

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đang có chuyến thăm tới một số nước châu Âu nhằm tỏ ý sẵn sàng cho các nước có nguy cơ gặp khủng hoảng nợ vay vốn.

  • Giúp người cũng là giúp ta

Tây Ban Nha là chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du châu Âu lần này của ông Lý Khắc Cường. Hiện nhiều nhà đầu tư đang muốn bán tống bán tháo trái phiếu trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế của Tây Ban Nha thấp, 4 triệu người thất nghiệp và thâm hụt ngân sách lên đến 16,3%. Tuy nhiên, ông Lý Khắc Cường cho biết Bắc Kinh sẽ tiếp tục mua trái phiếu của chính phủ Tây Ban Nha, đẩy mạnh hơn nữa hợp tác về thương mại, đầu tư và năng lượng.

Bộ trưởng Tài chính Tây Ban Nha Elena Salgado đánh giá cao vai trò của các nhà đầu tư Trung Quốc trong việc giúp ổn định thị trường tài chính nước này. Đổi lại, chính phủ sẽ hỗ trợ hết mình các công ty Tây Ban Nha đầu tư vào Trung Quốc và dang rộng vòng tay chào đón các nhà đầu tư Trung Quốc.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (phải) hội đàm với Bộ trưởng Tài chính Tây Ban Nha Elena Salgado.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (phải) hội đàm với Bộ trưởng Tài chính Tây Ban Nha Elena Salgado.

Nhân dịp này, Trung Quốc và Tây Ban Nha sẽ ký một loạt hiệp định hợp tác trong các lĩnh vực ngân hàng, năng lượng, giao thông vận tải và viễn thông. Chuyến thăm của ông Lý Khắc Cường diễn ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu chưa có dấu hiệu giảm. Do đó, chuyến thăm này sẽ đóng vai trò quan trọng để giúp Tây Ban Nha và các nước khác trong EU vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính, phục hồi lòng tin của các nhà đầu tư.

  • Không chỉ Tây Ban Nha

Ngày 5-1, Ngân hàng Thế giới cũng lần đầu tiên phát hành trái phiếu bằng nhân dân tệ (NDT) tại đặc khu hành chính Hồng Công. Dễ nhận thấy, đồng NDT đang từng bước trở thành đồng tiền quốc tế sánh ngang với các ngoại tệ mạnh khác.

Sau gói cứu trợ của EU và IMF hồi tháng 5 dành cho Hy Lạp, Trung Quốc cũng đã công bố nhiều chương trình trị giá nhiều triệu euro để giúp Hy Lạp trong đó có vận tải biển, du lịch và truyền thông.

Trong ngành vận tải biển, Công ty vận tải container Cosco, một trong những công ty vận tải lớn nhất thế giới của Trung Quốc, sẽ đóng 15 tàu vận tải loại lớn cho Hy Lạp. Cosco gần đây đã giành quyền kiểm soát xưởng đóng tàu Pireaus của Hy Lạp trên vùng biển Địa Trung Hải.

Ngoài ra, Công ty xây dựng BCEGI của Trung Quốc cũng vừa ký hợp đồng xây dựng khu phức hợp mua sắm và khách sạn tại Pireaus. Công ty công nghệ Huawei cũng đã đặt chân vào ngành viễn thông Hy Lạp…

Sau Tây Ban Nha, ông Lý Khắc Cường sẽ thăm Đức và Anh, 2 nước lớn trong EU cũng là đối tác lớn của Bắc Kinh. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Anh ở châu Á. Anh cũng trở thành điểm đến quan trọng của các doanh nghiệp Trung Quốc. Tại Anh, Trung Quốc xếp thứ hai về số lượng các nhà đầu tư. Còn với Đức, kim ngạch thương mại song phương Đức - Trung đạt 140 tỷ USD trong năm 2010, chiếm 30% kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc với EU.

Nhận định về chuyến công du kể trên, dư luận báo chí Trung Quốc cho rằng việc lãnh đạo cấp cao nước này chọn châu Âu là điểm đến đầu tiên trong hoạt động đối ngoại năm 2011 chứng tỏ mối quan hệ Trung Quốc - EU chiếm vị trí đặc biệt quan trọng trong chính sách ngoại giao của Bắc Kinh, thể hiện nhu cầu tăng cường hợp tác và điều hòa mối quan hệ giữa hai bên trong tình hình mới.

THỤY VŨ

Tin cùng chuyên mục