Trung Quốc thiếu hụt nhân lực điều khiển robot công nghiệp

Trung Quốc, thị trường robot công nghiệp lớn nhất thế giới trong 5 năm qua, ước tính sẽ phải đối mặt với sự thiếu hụt khoảng 3 triệu nhân viên kỹ thuật điều khiển robot công nghiệp vào năm 2020.

Một phân xưởng lắp ráp ô tô bằng robot. Ảnh: AP
Một phân xưởng lắp ráp ô tô bằng robot. Ảnh: AP

Báo cáo do Bộ Giáo dục, Bộ Nguồn nhân lực và An sinh xã hội cùng Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin (MIIT) đồng bảo trợ dự báo mức thiếu hụt sẽ tăng lên 4,5 triệu người vào năm 2025. Hãng tin Sputnik dẫn lời ông Wang Xiwen, giám đốc một viện nghiên cứu trí tuệ thuộc MIIT, cho biết: “Sản xuất tự động không chỉ đơn thuần là thay thế người lao động bằng robot, mà còn cần nhân lực có tay nghề cao”. Sự khan hiếm của các kỹ thuật viên có tay nghề cao đã trở thành một rào cản cho sự chuyển đổi và nâng cấp ngành công nghiệp sản xuất của Trung Quốc, ông nói thêm.

Wu Bin, Tổng giám đốc của một nhà máy sản xuất các thiết bị chính xác có trụ sở tại Đông Quan, tỉnh Quảng Đông, nói: “Sự phát triển của các doanh nghiệp đã bị hạn chế do thiếu nhân viên điều hành robot”.

Thống kê cho thấy số lượng các chuyên gia lành nghề trong các doanh nghiệp sản xuất Trung Quốc chỉ chiếm chưa đầy 10%  lực lượng lao động của Trung Quốc. Ngoài ra, số lượng nhân viên có tay nghề cao có bằng thạc sỹ trở lên chỉ chiếm 2% tổng số lực lượng lao động. Theo Su Hainan, phó chủ tịch của Hiệp hội Nghiên cứu Lao động Trung Quốc, môi trường công nghiệp, hệ thống giáo dục, hệ thống lương và truyền thống xã hội đều ảnh hưởng đến sự thiếu hụt của lực lượng lao động kỹ năng cao. Mặt khác, các công việc giới hạn trong nhà xưởng cũng không phải là sự lựa chọn đầu tiên cho hầu hết các chuyên gia có tay nghề cao.

Một sinh viên tốt nghiệp từ Đại học Công nghệ Tuyền Châu có tên Wang Xiaofu nói với Tân Hoa Xã rằng hầu hết bạn học của anh đều thích tham gia tiếp thị hơn là làm việc trong nhà máy vì cho rằng việc làm công nhân là một công việc cực nhọc.

Nhiều công ty Trung Quốc có kế hoạch nâng cao tỷ lệ nhân lực có trình độ học vấn trong sản xuất lên 22% vào năm 2020 và nhân viên có trình độ cao sẽ chiếm đến 28% tổng số lao động. Tuy nhiên, để lấp đầy 3 triệu nhân viên điều hành robot trong 3 năm không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Các chuyên gia tin rằng việc tăng cường đào tạo các kỹ thuật viên lành nghề điều khiển robot là chìa khóa để giải quyết vấn đề này. Phương pháp giáo dục hiện tại và các chương trình giảng dạy của hầu hết các trường dạy nghề không đáp ứng được nhu cầu của ngành chế tạo hiện đại.

Tin cùng chuyên mục