Trung Quốc và bài toán TPP

Nhiều ý kiến cho rằng Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - khối kinh tế gồm 12 thành viên với tổng giá trị các nền kinh tế đạt 28 ngàn tỷ USD - như một kế hoạch để Mỹ cô lập và kiềm chế tham vọng toàn cầu của Trung Quốc. Tuy nhiên, một số nhà quan sát cho rằng Bắc Kinh cũng đã có sân chơi của họ và có thể giảm thiểu tác động tiêu cực từ TPP.

Nhiều ý kiến cho rằng Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - khối kinh tế gồm 12 thành viên với tổng giá trị các nền kinh tế đạt 28 ngàn tỷ USD - như một kế hoạch để Mỹ cô lập và kiềm chế tham vọng toàn cầu của Trung Quốc. Tuy nhiên, một số nhà quan sát cho rằng Bắc Kinh cũng đã có sân chơi của họ và có thể giảm thiểu tác động tiêu cực từ TPP.

Trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã thúc đẩy hiệp định tự do thương mại riêng rẽ giữa nước này với nhiều nước, đặc biệt là Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) là sáng kiến của Bắc Kinh với 16 quốc gia tham dự, sẽ là khối kinh tế lớn nhất thế giới, bao gồm 3,4 tỷ người. RCEP, trong đó bao gồm 10 quốc gia ASEAN cộng với 6 quốc gia khác gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Đặc biệt, ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, về vấn đề thương mại tự do, Mỹ có vẻ chậm chân hơn nhiều so với Trung Quốc do Trung Quốc đã ký kết các hiệp định thương mại song phương hay đa phương với nhiều nước trong khu vực như Hàn Quốc, New Zealand, Australia, Singapore, Chile và Peru. Riêng quan hệ thương mại Trung Quốc - ASEAN cũng tăng trưởng mạnh. Mục tiêu mà Trung Quốc nhắm tới cho năm 2020 là đưa tổng giá trị các khoản đầu tư song phương giữa ASEAN và Trung Quốc lên 150 tỷ USD và tổng giá trị thương mại song phương lên 1.000 tỷ USD, tăng 150% so với năm 2012. Hay với các nước châu Âu thì Trung Quốc dựa vào “Con đường tơ lụa mới”.

Bàn về tác động tiêu cực có thể có của TPP với Trung Quốc, tờ Financial Times dẫn lời các nhà kinh tế từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc ước tính rằng các cơ hội kinh doanh bị mất đi có thể chiếm 0,5% tăng trưởng kinh tế hàng năm của Trung Quốc. Sheng Laiyun, người phát ngôn của Cục thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết Trung Quốc phải chú trọng đến TPP, đặc biệt là khi 12 thành viên sáng lập TPP chiếm gần 40% sản lượng kinh tế toàn cầu. “Một khi hiệp định TPP có hiệu lực, mức thuế bằng 0 sẽ được áp đặt lên gần 20.000 loại sản phẩm. Điều đó sẽ tạo ra một số áp lực về ngoại thương với chúng tôi”- ông Laiyun nói.

Mặc dù vậy, việc tham gia của Trung Quốc vào TPP vẫn là khả năng còn bỏ ngỏ vì Mỹ không có ý định ngăn cản Trung Quốc gia nhập TPP. Vấn đề là Trung Quốc đáp ứng như thế nào về tiêu chuẩn của TPP. Tờ Financial Times dẫn lời các quan chức Trung Quốc thừa nhận các tiêu chuẩn của TPP liên quan đến cạnh tranh, bảo vệ môi trường, đầu tư và lao động đều cao hơn so với khả năng của Trung Quốc hiện nay. Nhà kinh tế Ma Jun, thuộc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc xem đó là những áp lực cải cách tốt cho khả năng cạnh tranh Trung Quốc.

Liên quan đến việc Trung Quốc gia nhập TPP, tạp chí Study Times thuộc trường Đảng Trung ương Trung Quốc trong bài xã luận ngày 25-10 nhận định: xét về mục tiêu rộng lớn của TPP bao gồm cả việc giảm thủ tục hành chính và bảo vệ môi trường, đó cũng là mục tiêu mà Trung Quốc mong muốn đạt được. Tờ tạp chí nêu dẫn chứng Trung Quốc cũng đang cố gắng chuyển nền kinh tế sang mô hình phát triển bền vững, thân thiện với môi trường và dựa vào tiêu dùng. Tờ tạp chí kết luận: “Các quy tắc của TPP phù hợp với phương hướng cải cách và mở cửa của Trung Quốc, vì vậy Trung Quốc nên theo dõi chặt chẽ tình hình để gia nhập TPP vào một thời điểm thích hợp, phù hợp với tiến bộ về cải cách trong nước và theo cách có lợi nhất”.

THỤY VŨ

Tin cùng chuyên mục