Trung tâm thương mại ế vì chợ tự phát

Từ năm 2014, chợ - trung tâm thương mại Tân Đoàn Việt (xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TPHCM) được đầu tư xây dựng, đưa vào hoạt động thay thế chợ cũ Phú Lạc. Thế nhưng, do chợ tự phát bên ngoài vẫn tồn tại nên tiểu thương trong chợ mới rơi vào cảnh buôn bán ế ẩm. 
Họp chợ tự phát buôn bán ngay trước chợ mới Tân Đoàn Việt
Họp chợ tự phát buôn bán ngay trước chợ mới Tân Đoàn Việt
Trong vắng, ngoài đông

Suốt hơn 3 năm qua, gần 200 tiểu thương đang buôn bán tại chợ - trung tâm thương mại Tân Đoàn Việt phải cố cầm cự, duy trì mua bán để giữ sạp hàng. Trong khi chợ mới thưa thớt người mua thì ở bên ngoài, chợ tự phát lại tấp nập. Chợ mới đã đưa vào hoạt động nhưng chợ tự phát vẫn tồn tại nhiều năm nay. Nghịch lý “trong vắng, ngoài đông” đã tồn tại kéo dài, không chỉ gây cảnh nhếch nhác, mất trật tự và mỹ quan đô thị, mà còn ảnh hưởng đến doanh thu, cuộc sống của các tiểu thương trong chợ mới. 

Từ thông tin của tiểu thương trong chợ - trung tâm thương mại Tân Đoàn Việt, phóng viên đã đến đây và chứng kiến sự vô lý. Ngay trong khuôn viên của chợ mới, trên các đường nội bộ xung quanh và ven quốc lộ 50, chợ tự phát bán tràn lan, đông đảo người mua kẻ bán. Người dân kê sạp, bày bán hàng hóa ngay trên lòng lề đường và trong nhà. Mỗi khi phát hiện có nhân viên kiểm tra, họ nhanh chóng thu dọn hàng, đẩy xe chạy để né tránh. Còn trong khuôn viên chợ mới, người bán chợ tự phát cũng bao quanh kín lối, khiến ai muốn vào trong chợ mới mua hàng không dễ.

Ông Nguyễn Văn Thanh, chủ đầu tư chợ - trung tâm thương mại Tân Đoàn Việt, cho biết: “Công ty thực hiện đầu tư xây dựng chợ - trung tâm thương mại theo sự kêu gọi của chính quyền địa phương nhằm thay thế chợ Phú Lạc. Chợ cũ nằm ven quốc lộ 50 đã xuống cấp, người dân mua bán trên đường, vừa gây cản trở giao thông vừa dễ xảy ra tai nạn. Công ty đã đầu tư gần 100 tỷ đồng để xây dựng chợ - trung tâm thương mại trên diện tích 5.700m2, quy mô 2 tầng, với gần 200 sạp bán hàng. Lẽ ra khi đã đưa chợ mới vào hoạt động thì phải dẹp chợ tự phát phía ngoài. Công ty cố gắng hỗ trợ tiểu thương bán trong chợ mới, đồng thời đề nghị chính quyền trợ giúp xóa bỏ các điểm kinh doanh không đúng chỗ, lấn chiếm lòng lề đường, nhưng kết quả không đạt như mong muốn”.

Trách nhiệm của ai?

Trước tình trạng chợ mới đã hoạt động mà người dân vẫn chiếm dụng lòng lề đường buôn bá từ năm 2014, UBND huyện Bình Chánh đã có văn bản số 2125/VP yêu cầu chính quyền xã Phong Phú xử lý dứt điểm, xóa chợ tự phát trên các tuyến đường xung quanh, đưa tiểu thương vào chợ. Tuy nhiên, vì thiếu biện pháp căn cơ, lâu dài, nên cứ sau mỗi đợt ra quân dọn dẹp lòng lề đường là đâu lại vào đó. Như vậy, mục tiêu xây dựng chợ - trung tâm thương mại khang trang, hiện đại để thay thế chợ Phú Lạc cũ đã không đạt mục đích. Điều này không chỉ gây phương hại đến việc kinh doanh của các tiểu thương, mà còn làm ảnh hưởng đến chủ trương kêu gọi đầu tư, xã hội hóa của TPHCM. 

Trao đổi với chúng tôi, ông Phùng Quốc Việt, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Phú, nhìn nhận: “Vẫn còn nhiều người chiếm dụng lòng lề đường để mua bán, gây mất trật tự, dẫn đến việc chợ mới hoạt động không hiệu quả. Thực trạng này có một phần trách nhiệm của chính quyền địa phương. Chủ trương xuyên suốt của xã là khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn. Để trợ giúp tiểu thương vượt qua khó khăn, ổn định kinh doanh, xã đã lên phương án và kiến nghị cấp trên cùng vào cuộc giải quyết. Xã cũng gửi văn bản đề nghị huyện cấp giấy phép cho phía chủ đầu tư xây dựng hàng rào quanh chợ mới. Trên cơ sở đó, chính quyền sẽ có biện pháp xóa bỏ các điểm bán hàng đang bám theo đường và vận động, bố trí những người bán trong khuôn viên vào các sạp”.

Tin cùng chuyên mục