Thị trường bán lẻ Việt Nam cũng luôn được đánh giá là điểm đến hấp dẫn của nhiều thương hiệu, nhãn hàng trong và ngoài nước. Tuy nhiên, không phải TTTM nào đi vào hoạt động cũng thành công, bởi muốn đầu tư, kinh doanh hiệu quả đòi hỏi phải định vị được thị trường.
Tăng cường dịch vụ tiện ích
Cùng với xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng của Việt Nam, các mô hình bán lẻ hiện đại cũng phát triển bùng nổ, đặc biệt là các TTTM. Không chỉ phát triển ở các thị trường sôi động như Hà Nội, TPHCM, các TTTM cũng lần lượt được xây dựng và đi vào hoạt động trên khắp cả nước. Tính đến nay, đã có 150 TTTM được hình thành và dự kiến đạt khoảng 180 TTTM vào năm 2020... Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường tiềm năng nhưng đòi hỏi tính cạnh tranh gay gắt ở Việt Nam, thời gian gần đây, thị trường bán lẻ đã chứng kiến nhiều thương vụ mua bán, sáp nhập, tái cấu trúc và thậm chí phải đóng cửa do kinh doanh thua lỗ. Trong đó, có thể kể đến Parkson - thành viên của The Lion Group, Malaysia, liên tục thông báo đóng cửa các TTTM thuộc hệ thống này tại Việt Nam. Cụ thể, TTTM Parkson Flemington (trên đường Lê Đại Hành, quận 11, TPHCM) đã đóng cửa sau 8 năm hoạt động. Trước đó, Parkson cũng thông báo đóng 2 TTTM Parkson tại Hà Nội.
Công bố nguyên nhân đóng cửa các TTTM tại Việt Nam là do doanh thu trong năm 2017 của Parkson có xu hướng đi xuống. Thế nhưng, một số chuyên gia cho biết, tuy thành công ở nhiều quốc gia, các tập đoàn đa quốc gia, nhà bán lẻ nước ngoài vẫn có thể thất bại ở một thị trường nào đó, nếu không định vị được thị trường. Dẫn chứng cụ thể, đại diện quản lý bán hàng của một TTTM tại TPHCM nhấn mạnh, hiện nay tại thị trường Việt Nam, các TTTM tầm trung hay hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích vẫn đạt doanh thu tốt và không ngừng phát triển mạng lưới. Ngược lại, các TTTM cao cấp hoạt động ì ạch, ế ẩm. Đó là vì người tiêu dùng sẽ quyết định thị trường và phân khúc thị trường, chứ không phải các nhà bán lẻ. Với mức thu nhập bình quân khoảng 2.385USD/người, phần đông người tiêu dùng Việt Nam chưa có khả năng mua sắm những sản phẩm cao cấp hay thương hiệu quốc tế. Điều quan trọng nữa là trong bối cảnh hội nhập, nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam ngày càng tăng, đòi hỏi những sản phẩm cũng như dịch vụ tiện ích tích hợp toàn diện.
Đồng quan điểm, anh Trần Hoàng Huy, ngụ tại quận Bình Thạnh, cho biết gia đình anh có xu hướng chọn những TTTM có thể thỏa mãn hầu hết nhu cầu của các thành viên trong gia đình hơn là đến TTTM chỉ nhằm mục đích mua sắm. Ví dụ, cuối tuần cả gia đình thường đến TTTM để xem phim giải trí, ăn uống và sau đó mới tới mua sắm. Anh Trần Hoàng Huy chia sẻ thêm, gia đình anh chỉ mua sắm ở các TTTM vào những dịp lễ tết, còn thường ngày có thể mua sắm qua mạng vì được giao hàng tận nơi, với nhiều ưu đãi tương tự các TTTM.
Ở lĩnh vực này, ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op), cho hay đầu năm 2018, Saigon Co.op đã chính thức đưa vào hoạt động Co.opXtra Vạn Hạnh tại quận 10. Đây là đại siêu thị Co.opXtra thứ 3 tại TPHCM, phát triển theo mô hình liên doanh giữa Việt Nam và Singapore, với vốn đầu tư gần 96 tỷ đồng, có tổng diện tích sàn gần 6.500m2. Để phát triển thành công và hiệu quả của Co.opXtra, bên cạnh các mặt hàng thiết yếu, chất lượng cao trong nước, Saigon Co.op còn đưa vào kinh doanh hơn 10.000 mặt hàng nhập khẩu cao cấp từ Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, châu Âu… Đặc biệt, song song với hoạt động kinh doanh hàng hóa, tại đại siêu thị Co.opXtra nói riêng, hệ thống bán lẻ khác của Saigon Co.op nói chung, còn tăng cường cung cấp các dịch vụ tiện ích; thanh toán hóa đơn điện, nước, điện thoại, internet… tại siêu thị.
Giữ vị thế điểm đến hấp dẫn
Với tỷ lệ 60% người tiêu dùng trẻ trong tổng số dân số, có thu nhập ngày càng cao kéo theo nhu cầu mua sắm tăng, thị trường bán lẻ Việt Nam đã và đang đón nhận ngày càng nhiều nhà bán lẻ nước ngoài, sự tham gia tích cực của nhiều nhãn hàng quốc tế. Đơn cử, trong năm 2017, doanh số bán lẻ tại Việt Nam đạt khoảng 129 tỷ USD, tăng trưởng 11% so với năm 2016 và khá cao so với khu vực Đông Nam Á. Trên cơ sở này, nhiều nhà bán lẻ dự báo trong giai đoạn tới, thị trường bán lẻ việt Nam sẽ còn tăng trưởng nhanh hơn để đáp ứng nhu cầu mua sắm, vui chơi, giải trí, với mức tăng khoảng 10%/năm.
Tương tự, báo cáo của một số công ty nghiên cứu thị trường cũng cho thấy, trong khoảng 3 năm tới, thị trường bán lẻ tại Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng sẽ có mức cạnh tranh tăng cao hơn thời điểm hiện tại. Nguyên nhân được lý giải là trong khoảng thời gian này, lần lượt các dự án TTTM tiêu biểu sắp hoàn thành và đi vào hoạt động trên địa bàn TPHCM như Sala Shopping Centre (tại quận 2), Elite Mall (quận 8)… Mặt khác, dự báo cửa hàng bán lẻ hiện hữu vẫn sẽ là kênh mua sắm chính của người tiêu dùng Đông Nam Á trong vòng 5 - 10 năm tới. Đặc biệt, kênh mua sắm này vẫn sẽ giữ vững vị thế và chiếm hơn 90% tổng giá trị doanh số bán hàng. Tùy theo đặc điểm từng ngành hàng mà các kênh phân phối có ưu thế khác nhau; xuất hiện xu hướng chuyển dịch sang các kênh phân phối hiện đại như mua sắm trực tuyến; nhưng nhìn chung, bán lẻ truyền thống vẫn còn sức hút với người tiêu dùng.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt trên thị trường với những kênh kinh doanh khác, nhất là thương mại điện tử, các TTTM cần phát huy hơn nữa các lợi thế để đón đầu xu hướng bán lẻ thay đổi nhanh chóng, bắt kịp hành vi của người tiêu dùng. Càng ngày người tiêu dùng càng có xu hướng chuyển thói quen mua sắm từ cửa hàng truyền thống sang mua sắm trực tuyến dựa trên nền tảng công nghệ kỹ thuật số. Theo ông Desmond Sim, Trưởng bộ phận nghiên cứu, CBRE Singapore và Đông Nam Á, vấn đề cốt yếu của các cửa hàng hiện hữu tại TTTM vẫn là điểm đến mua sắm chính yếu và cần thiết của người tiêu dùng. Nó không chỉ phụ thuộc vào các nhãn hàng bán lẻ, mà đòi hỏi vai trò của các chủ TTTM. Các nhà quản lý TTTM cần cải cách, mở rộng tiện ích phục vụ nhu cầu mới của khách hàng, mang lại cảm giác tin cậy cao hơn như đẩy mạnh chiến lược bán lẻ đa kênh, áp dụng mô hình trực tuyến, cung cấp các dịch vụ mua sắm online hoặc giao nhận từ cửa hàng đến tận nhà… Chỉ khi các TTTM kết nối lợi thế cửa hàng hiện hữu dựa trên cơ sở phát triển thương mại điện tử hay thiết lập mạng lưới dịch vụ tiện ích… mới có thể giữ chân khách hàng bằng những trải nghiệm mua sắm tích hợp toàn diện, đáp ứng nhu cầu của từng đối tượng người tiêu dùng.
Qua cuộc khảo sát Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) 2018, do Hội Doanh nghiệp HVNCLC thực hiện, cho thấy sự thâu tóm hệ thống các kênh bán lẻ tạo lợi thế rất lớn đối với sự góp mặt, cũng như gia tăng giành thị phần cho sản phẩm. Tính đến thời điểm hiện tại, 4 đại siêu thị được coi là lớn nhất Việt Nam như: Mega Market (tên gọi cũ là Metro) với 19 siêu thị, B’smart có 75 cửa hàng tiện lợi (định hướng mở 3.000 cửa hàng), Big C có 32 siêu thị, Robinson với chuỗi siêu thuộc doanh nghiệp Thái Lan, chưa kể Central Group nắm 49% cổ phần hệ thống siêu thị điện máy Nguyễn Kim…
Trong khi đó, Nhật Bản có hệ thống đại siêu thị Aeon Mall, TTTM Saigon Centre, hệ thống cửa hàng tiện ích như Family Mart, mới nhất là hệ thống 7-Eleven… Còn Hàn Quốc gắn liền với tên tuổi của LOTTE, Emart và mới đây nhất là SG25… Ông Nguyễn Văn Phượng, phụ trách Ban điều tra Cuộc khảo sát HVNCLC, cho rằng không thể phủ nhận hệ thống bán lẻ là nhân tố quan trọng tạo được không gian để sản phẩm có thể tiếp cận, kết nối và từng bước chinh phục người tiêu dùng. Chính vì vậy, nếu không bắt kịp xu hướng tiêu dùng cũng như định vị thị trường, thì các nhà bán lẻ và đơn vị đầu tư, kinh doanh TTTM, hệ thống bán lẻ khó bám trụ thị trường trong bối cảnh thương mại tự do.