Trung tâm văn hóa các quận, huyện khó khởi sắc, vì sao?

Theo nhìn nhận của nhiều nhà quản lý văn hóa ở các quận huyện, đến nay, hầu hết các trung tâm văn hóa (TTVH) địa phương đều có hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị vượt kế hoạch năm. Tuy nhiên, những hoạt động hấp dẫn số đông công chúng thường xuyên tìm đến vui chơi, giải trí thì… chưa thể khởi sắc, vì sao?
Trung tâm văn hóa các quận, huyện khó khởi sắc, vì sao?

Theo nhìn nhận của nhiều nhà quản lý văn hóa ở các quận huyện, đến nay, hầu hết các trung tâm văn hóa (TTVH) địa phương đều có hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị vượt kế hoạch năm. Tuy nhiên, những hoạt động hấp dẫn số đông công chúng thường xuyên tìm đến vui chơi, giải trí thì… chưa thể khởi sắc, vì sao?

  • Thừa vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu!

Đó là sự mạnh dạn nhìn vào thực tế của nhiều cán bộ văn hóa ở các TTVH quận, huyện trên địa bàn TPHCM hiện nay. Nếu khảo sát qua một số TTVH quận, huyện thì rõ ràng, nhận xét đó hoàn toàn xác đáng.

Theo Giám đốc TTVH huyện Hóc Môn Tạ Minh Thống, lâu nay, TTVH huyện hoạt động trên cơ sở vật chất là một nhà hát, cho nên hầu hết các phòng chức năng đều không có, đơn vị phải tận dụng những chỗ trống của công trình nhà hát làm nơi hoạt động. Đồng thời, đội ngũ cán bộ có chuyên môn nghiệp vụ cao có thể đảm đương công việc giảng dạy các lớp năng khiếu thì gần như không có, tất cả chỉ làm việc theo kinh nghiệm của riêng mình. Cách nay hơn 10 năm, TTVH TPHCM đã hỗ trợ đưa giáo viên đến TTVH huyện dạy múa cho gần 100 diễn viên không chuyên của Hóc Môn, Củ Chi và quận 12, đã tạo nên một lực lượng diễn viên hùng hậu cho các địa phương. Nhưng giờ đây, nguồn đã cạn kiệt, nhưng lớp bồi dưỡng mới chưa có nên khó khăn vẫn hoàn khó khăn!?

Với TTVH quận 6, theo Giám đốc Nguyễn Quang Minh, cái khó khăn nhất hiện nay là trung tâm thiếu những phòng chức năng để có thể mở các lớp năng khiếu. Vì thế, để có phòng ốc làm lớp học, TTVH đang đề xuất quận đầu tư sửa chữa, xây dựng một số phòng mới trong dãy nhà làm việc hiện hữu của trung tâm. Đồng thời, để có thể phục vụ tốt nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của người dân, trung tâm cũng đang xúc tiến việc sửa chữa lại sân khấu ngoài trời…

Thoạt nghe qua nhiều người dễ dàng chia sẻ với những khó khăn về cơ sở vật chất, cũng như hoạt động còn thiếu hấp dẫn của TTVH quận 6. Tuy nhiên, với những ai biết rõ ngọn ngành về cơ sở vật chất mà TTVH quận 6 đang quản lý thì thật khó chấp nhận. Tại sao? Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài dãy nhà đang được bố trí hoạt động, TTVH quận 6 còn có một hội trường và một số phòng chức năng cách dãy nhà làm việc chừng vài mét (trong Công viên Phú Lâm cũ), hiện đã và đang cho tư nhân thuê kinh doanh làm trung tâm tiệc cưới - hội nghị với giá 14 triệu đồng/tháng. Đồng thời, TTVH quận 6 cũng quản lý rạp hát Hồng Liên hay còn gọi là Trung tâm Giải trí Hồng Liên (đường Hậu Giang), từng là rạp chiếu phim, sân khấu ca nhạc, nhưng sau đó các hoạt động văn hóa giải trí này ngưng, TTVH quận 6 đã tiến hành cho tư nhân thuê kinh doanh bar rượu bia với tên gọi “Club 4 trong 1” với giá 34 triệu đồng/tháng.

Bên cạnh những hoàn cảnh “thiếu, thừa” này, nhiều TTVH quận, huyện cũng đang đối mặt với tình trạng “thừa quản lý, thiếu cán bộ chuyên môn”, vì thế các TTVH gần như chỉ hoạt động thông tin tuyên truyền, cổ động, tổ chức các hội thi, hội diễn…

Bao giờ các TTVH quận, huyện có được những CLB hoạt động thường xuyên, sôi nổi như CLB Tiếng hát quê hương (Cung VHLĐ TPHCM) ? Ảnh: An Dung

Bao giờ các TTVH quận, huyện có được những CLB hoạt động thường xuyên, sôi nổi như CLB Tiếng hát quê hương (Cung VHLĐ TPHCM) ? Ảnh: An Dung

  • Phương thức hoạt động chưa đa dạng, hấp dẫn

Trong “Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có nêu: “Xây dựng đồng bộ và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa cộng đồng. Phấn đấu đến năm 2015 và 2020, 90% - 100% số quận, huyện, thị xã có nhà văn hóa và thư viện; 80% - 90% số xã và thị trấn có nhà văn hóa; 60% - 70% số làng, bản, ấp có nhà văn hóa...”.

Qua đó, một lần nữa cho thấy, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến việc phát triển đời sống văn hóa cơ sở. Tuy nhiên, để làm được điều này, rõ ràng, các địa phương còn rất nhiều việc cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Trong đó, điều trước tiên là rà soát lại thực trạng của các TTVH (kể cả nhà văn hóa) hiện nay để kịp thời khắc phục những hạn chế, cũng như giải quyết dứt điểm những yếu kém còn tồn tại từ nhiều năm nay như cơ sở vật chất chưa đồng bộ, cán bộ chuyên môn vừa thiếu, vừa yếu, kinh phí hoạt động còn hạn hẹp và đặc biệt là phương thức hoạt động chưa đa dạng, hấp dẫn.

Theo ông Nguyễn Văn Thâm, Phó Giám đốc TTVH huyện Củ Chi, đối với những cơ sở vật chất văn hóa chưa xây dựng, khi thực hiện cần phải tham khảo ý kiến của đơn vị thụ hưởng để tránh tình trạng, sau khi xây dựng xong, khó hoạt động. Điển hình là TTVH huyện Củ Chi, mặc dù được xây dựng khang trang, hoành tráng, nhưng trong hệ thống phòng ốc, giờ muốn tìm một phòng dành cho hoạt động khiêu vũ cũng không thể! Chưa kể, hội trường – sân khấu chủ yếu phục vụ các hội nghị, chứ khi cần tổ chức biểu diễn nghệ thuật thường bị phản âm, tạo cảm giác khó chịu cho nghệ sĩ lẫn khán giả! Bên cạnh đó, với những công trình văn hóa, nếu cần có thể xã hội hóa trong đầu tư để vừa giảm kinh phí nhà nước, vừa tránh được tình trạng lãng phí “đất vàng”. Chẳng hạn như công trình văn hóa An Nhơn Tây nằm ở một khu đất rất lý tưởng, nhưng lại chậm xây dựng, bỏ hoang phí gây bức xúc trong nhân dân.

Chỉ vào những dịp lễ tết, các TTVH quận, huyện mới tổ chức những hoạt động mang tính cộng đồng thế này. (Ảnh chụp tại Hội xuân huyện Bình Chánh 2010). Ảnh: Đỗ Hạnh

Chỉ vào những dịp lễ tết, các TTVH quận, huyện mới tổ chức những hoạt động mang tính cộng đồng thế này. (Ảnh chụp tại Hội xuân huyện Bình Chánh 2010). Ảnh: Đỗ Hạnh

  • Muốn phát triển, phải xã hội hóa?

Nói về hướng phát triển sắp tới, Phó Giám đốc TTVH quận Bình Tân Châu Phú Lộc cho biết: “Hiện nay, quận đang khẩn trương chuẩn bị đầu tư xây dựng lại 2 cơ sở vật chất dành cho văn hóa – thể thao trên diện tích hiện hữu. Đồng thời, hoàn thành 3 khu văn hóa liên phường, mỗi khu có tổng diện tích rộng hơn 3.000m², với kinh phí đầu tư cũng lên đến hàng chục tỷ đồng là Bình Trị Đông, Tân Tạo A và Bình Hưng Hòa A. Khi 5 công trình này được đưa vào sử dụng, khai thác hết công năng, chắc chắn tình hình văn hóa thể thao trên địa bàn sẽ khởi sắc hơn...”. Tuy đó là những tín hiệu đáng mừng, nhưng vẫn thấy lo. Bởi thực tế hiện nay, đội ngũ cán bộ nghiệp vụ văn hóa của Bình Tân chưa thật sự mạnh (đây cũng là thực tế chung của nhiều địa phương). Nếu ngay từ bây giờ, Bình Tân không sớm đào tạo, chuẩn bị đội ngũ cán bộ nghiệp vụ văn hóa có trình độ chuyên môn cao thì nay mai, các công trình văn hóa mới kể trên đưa vào hoạt động sẽ rất dễ rơi vào tình trạng không phát huy hết công năng như mong đợi.

Hiện nay, có nhiều ý kiến cho rằng, với một số hạng mục công trình văn hóa ở các TTVH, nếu muốn có được nhiều loại hình giải trí, nhiều sân chơi bổ ích, phát huy hết tác dụng, các địa phương nên mạnh dạn xã hội hóa. Một khi đã xã hội hóa, nhà nước vừa giảm được kinh phí đầu tư, lại không phải vất vả trong việc tìm nguồn cán bộ để đảm trách tốt công việc. Đây là điều rất đáng phải suy tính và thực hiện, miễn sao tất cả là vì mục đích chung: phục vụ tốt nhu cầu vui chơi, giải trí của nhân dân. Chứ đừng biến những địa điểm văn hóa thành nơi kinh doanh, tổ chức tiệc cưới - hội nghị, quán bar như quận 6 đã và đang làm, để rồi kêu than “thiếu phòng ốc hoạt động” thì thật khó lòng chấp nhận!

ĐỖ HẠNH – HỮU VIỆT

Tin cùng chuyên mục