Trung thu là tết đoàn viên, câu nói ấy đã quen thuộc với người Việt Nam từ bao lâu nay. Vậy nhưng hơn 4,5 triệu người Việt đang sinh sống, học tập, làm việc ở nước ngoài lại ít khi được đón một Tết Trung thu trọn vẹn và cộng đồng du học sinh Việt Nam tại TP Melbourne, tiểu bang Victoria, Australia, cũng không phải ngoại lệ.
Tết Trung thu thường rơi vào khoảng tháng 9, tháng 10 dương lịch, thời điểm các trường tại Australia đã bước vào giai đoạn giữa học kỳ mùa xuân. Vì thế, du học sinh Việt Nam hầu như không thể cùng đón Trung thu bên gia đình và người thân.
Đêm Trung thu luôn gắn với lồng đèn, bánh nướng, bánh dẻo. Hình ảnh quen thuộc này gần như vắng bóng trong mỗi dịp Tết Trung thu của người Việt xa quê càng làm tăng thêm nỗi buồn xa xứ. Tại các khu chợ của cộng đồng người Việt ở Melbourne vẫn có bán các loại bánh Trung thu, nhưng xuất xứ và nhãn hiệu không phải từ quê nhà mà đa phần là từ Trung Quốc. Giá cả cũng khá đắt nên hầu như chẳng mấy du học sinh mua.
Vậy cộng đồng du học sinh Việt Nam đón Tết Trung thu thế nào?
Australia là một quốc gia đa văn hóa, đa sắc tộc, thu hút du học sinh đến từ rất nhiều quốc gia và châu lục khác nhau, trong đó có châu Á. Vì thế, hội sinh viên của các trường đại học thường tổ chức các hoạt động nho nhỏ để giúp các bạn du học sinh Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Singapore đón Trung thu bằng những chiếc bánh Trung thu nhỏ xinh, rồi cùng nhau đốt nến, thắp lồng đèn, uống một tách trà nóng.
Với các hội du học sinh Việt Nam, trong những tuần trước và sau Trung thu, các hoạt động liên tục được tổ chức như một sự kiện truyền thống, thường niên. Có những hoạt động đã thành thương hiệu, như Full Moon Festival của Hội du học sinh Việt Nam tại ĐH Kỹ thuật Swinburne (VISS), hay Full Moon Party của Hội du học sinh Việt Nam tại ĐH Monash (MVISC) và Hội du học sinh Việt Nam tại ĐH La Trobe (LAVISA).
Tiết mục văn nghệ trong chương trình Full Moon Party 2014 do MVISC tổ chức
Đến với những hoạt động này, các bạn du học sinh không chỉ được gặp gỡ, giao lưu mà còn có thể tham gia các trò chơi dân gian, thưởng thức các món ăn ngon và đặc biệt là được hòa mình trong những tiết mục văn nghệ mang đậm văn hóa truyền thống và sinh viên Việt Nam. Giữa một đất nước xa xôi, các bạn như được trở về với tuổi thơ qua các giai điệu quen thuộc của các bài hát Thằng cuội, Rước đèn tháng tám… hay các tiết mục múa lân với hình ảnh ông Địa, và nhất là được cùng nhau phá cỗ trong không khí ấm tình bè bạn.
Nhớ lại năm đầu tiên sang Australia, đêm Trung thu năm đó, “mâm cỗ trông trăng” chỉ là 2 chiếc bánh Trung thu be bé của một chị bạn thân trong nhóm được tặng cùng với chiếc lồng đèn bằng bìa cứng tự làm. Đơn sơ vậy nhưng cả nhóm hồ hởi, kéo nhau ra bờ sông Yarra, rồi mua vội vài cây nến, đốt đèn, mở nhạc cùng nghêu ngao hát theo và cùng nhau phá cỗ. Trung thu năm thứ hai, chị được người nhà cho một chiếc bánh Trung thu mang từ Việt Nam sang, thế là cả nhà 6 người, lại cùng chia nhau cái bánh, uống chút trà, ngồi trò chuyện.
Trung thu của du học sinh xa nhà là vậy. Dù thiếu vắng không khí gia đình, thiếu những chiếc bánh dẻo, bánh nướng với hương vị thân thuộc, những chiếc lồng đèn đủ màu sắc, nhưng vẫn ấm cúng vô cùng với bạn bè ở các hội du học sinh Việt Nam ở tiểu bang Victoria hay những sẻ chia tưởng chừng nhỏ bé ấm tình đồng hương nơi đất khách.
PHƯƠNG BẢO