TPHCM - Dấu ấn nỗ lực vượt khó vươn lên

Trung ương trao chủ động, TPHCM sẽ cất cánh

TS Huỳnh Thế Du, Giám đốc chương trình Thạc sĩ Chính sách công, Đại học Fullbright Việt Nam, nhận xét nếu TPHCM xác định hướng đi đúng và cách làm phù hợp, cộng với cơ chế phân bổ ngân sách, cũng như sự chủ động hợp lý cho TPHCM từ trung ương thì trong vòng 10 năm là đủ để tạo ra những thay đổi hay nền tảng căn bản của một đô thị hiện đại.
Động lực của nền kinh tế từ vùng siêu đô thị
“Mục tiêu của bất kỳ một quốc gia nào cũng là tạo đủ việc làm và sinh kế bền vững cho người dân. Các quốc gia đã phát triển thường trong giai đoạn đầu họ dành nhiều nguồn lực cho những vùng đô thị có khả năng tạo ra nhiều giá trị gia tăng và việc làm hơn. Cụ thể, Seoul (Hàn Quốc) dành mức chi tối thiểu hơn 10% GRDP để đảm bảo tốc độ phát triển cao. Muốn phát triển nhanh như Bắc Kinh, Thượng Hải hay Hồng Công, chi tiêu ngân sách ở những nơi này chiếm hơn 20% GRDP”, TS Huỳnh Thế Du dẫn chứng. 
Cũng theo TS Huỳnh Thế Du, động lực phát triển của các nền kinh tế như Hàn Quốc, lãnh thổ Đài Loan, Singapore… chính từ các vùng siêu đô thị, được tạo điều kiện phát triển; từ đó, tạo ra nhiều giá trị gia tăng và việc làm hơn.
Sự bùng nổ của Trung Quốc trong thời gian qua cũng theo công thức này. Nhờ một nguồn lực rất lớn dành cho các trung tâm, điển hình là Thượng Hải mà trong thời gian ngắn đô thị này đã trở thành cỗ máy tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc.
Trung ương trao chủ động, TPHCM sẽ cất cánh ảnh 1 Bốc dỡ hàng tại cảng Rau củ quả, quận 7. Ảnh: CAO THĂNG
Còn đối với TPHCM, lâu nay nơi này “huy động được 4 đồng thì chỉ được giữ lại chưa đến 1 đồng. Mức này quá ít, TPHCM không đảm bảo nhu cầu thiết yếu, đặc biệt đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng”, TS Huỳnh Thế Du nhận xét và cho rằng, vùng TPHCM không được dành nhiều nguồn lực để phát huy tiềm năng và lợi thế để phát triển, rút ngắn khoảng cách với các TP trong khu vực. 
Tương tự, PGS-TS Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TPHCM, bày tỏ quan điểm TPHCM phải có nguồn vốn đầu tư phát triển mới đảm bảo thực hiện trách nhiệm “là TP đầu tàu của cả nước”.
Do tỷ lệ cấp phát từ ngân sách Trung ương cho TPHCM và cơ chế huy động nguồn lực từ xã hội hiện nay còn nhiều bất cập, không đáp ứng cho mục tiêu trên. Vì vậy, PGS-TS Nguyễn Thị Minh Nguyệt đồng tình với các đề xuất xây dựng cơ chế phù hợp để TPHCM chủ động tạo thêm nguồn thu cho ngân sách địa phương. 
“TPHCM luôn năng động, thích ứng tốt với cơ chế thị trường. Bằng sự năng động sáng tạo, nhạy bén này, nếu được trao cơ chế phù hợp, TPHCM sẽ tạo ra sức bật tốt cho nền kinh tế của cả nước”, PGS-TS Nguyễn Thị Minh Nguyệt khẳng định.
Đột phá cơ chế tài chính, ngân sách
PGS-TS Nguyễn Thị Minh Nguyệt nhận xét, các cơ chế áp dụng cho TPHCM hiện tương tự như các tỉnh, thành khác của cả nước. Do đó, nếu muốn TPHCM trở thành trung tâm kinh tế để tạo nguồn thu cho cả nước thì phải đầu tư và cho TPHCM cơ chế phù hợp. 
“Hiện nay, các đặc khu kinh tế Vân Phong, Phú Quốc, Vân Đồn có một số cơ chế đặc thù nhưng với TPHCM thì không nhiều”, PGS-TS Nguyễn Thị Minh Nguyệt đánh giá và đề nghị Trung ương xem xét cho TPHCM chủ động tạo thêm nguồn thu từ những người sử dụng dịch vụ của TPHCM, tạo nguồn thu từ quỹ đất của TPHCM.
Cạnh đó, việc áp dụng một số thuế mới cũng nhằm điều tiết thu nhập từ những đối tượng có nguồn thu nhập cao qua việc sử dụng dịch vụ cao cấp nhằm tạo công bằng. Chẳng hạn, TPHCM được thu lệ phí trước bạ đối với ô tô cao hơn. 
“Việc sử dụng vốn vay và trái phiếu quốc tế cũng cần được xem xét cho phép TPHCM thực hiện”, PGS-TS Nguyễn Thị Minh Nguyệt gợi ý và dẫn chứng Trung Quốc còn tạo điều kiện cho cả doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Ở TPHCM, đơn vị phù hợp được giao thực hiện việc này là Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TPHCM (HFIC), song để huy động vốn mạnh thì cần nâng cao năng lực của đơn vị này.
TS Huỳnh Thế Du đồng tình và nhận xét, việc TPHCM phải nộp một phần nguồn thu ngân sách về Trung ương để tạo nguồn phân bổ về các địa phương khác khó khăn hơn là hợp lý. Tuy nhiên, với mức nộp quá lớn như hiện tại sẽ làm triệt tiêu động cơ phấn đấu và khả năng phát huy lợi thế của vùng kinh tế động lực này.
Vì vậy, việc cho phép TPHCM khai thác các nguồn lực, gia tăng nguồn thu ngân sách cho mục tiêu phát triển là rất cần thiết. Nếu các cơ chế được xử lý tốt, TPHCM sẽ có thêm phần và các địa phương khác cũng được tăng thêm. 
“Tuy nhiên, tổng tài sản của HFIC hiện chỉ bằng hơn 1% GRDP của TPHCM, về cơ bản không có vai trò nhiều trong việc huy động nguồn vốn đầu tư từ xã hội. Tương tự, nếu Trung ương cho phép TPHCM thí điểm thu thuế tài sản trên địa bàn TPHCM thì mức thu thuế bất động sản chỉ vào khoảng 3.000 - 5.000 tỷ đồng/năm (tương đương 0,3% - 0,5% GRDP)”, TS Huỳnh Thế Du tính toán và đánh giá những cơ chế này là chưa đủ mạnh.
Vì vậy, TS Huỳnh Thế Du đề xuất TPHCM cần được trao quyền tự chủ nhiều hơn trong việc thực hiện chính sách đổi đất lấy hạ tầng. Đồng thời, TPHCM cũng cần có cơ chế hợp lý để đẩy mạnh vai trò của một số đơn vị có tính tiên phong và khả năng tạo dựng được cơ sở hạ tầng trọng điểm như Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII)... “TPHCM có thị trường lớn, khả năng thu hút nguồn nhân lực - là điều kiện căn bản xây dựng đặc khu kinh tế.
Vì vậy, TPHCM có thể xây dựng đô thị Thủ Thiêm và vùng lân cận thành đặc khu kinh tế, như phố Đông của Thượng Hải. Trung ương cho cơ chế tài chính đặc thù để TPHCM xây dựng khu vực này thành đặc khu kinh tế để tạo cú hích, kích kinh tế TPHCM phát triển”, TS Huỳnh Thế Du đề xuất.
Tăng chi để TPHCM đóng góp nhiều hơn cho cả nước
Trong giai đoạn 2011-2015, TPHCM có mức tăng trưởng kinh tế 9,62%/năm. Kết quả tính toán sơ bộ của Cục Thống kê TPHCM cho thấy, nếu không có cơ chế, chính sách đặc thù, mức tăng trưởng này sẽ giảm còn 7,55%/năm trong giai đoạn 2016-2020. Giai đoạn 2021-2025 sẽ giảm tiếp, còn 6,72%/năm và giai đoạn 2026-2030 chỉ tăng trưởng 6,63%/năm. Khi đó, vào năm 2030, đóng góp của TPHCM vào GDP cả nước sẽ quay về mức 21,5% như năm 2010.
Do vậy, TPHCM đề xuất được điều chỉnh tỷ lệ chi trong tổng thu ngân sách trên địa bàn TPHCM từ 18,2% lên 31%. Đây là tỷ lệ chi/thu ngân sách, không phải tỷ lệ phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Việc tăng mức chi này cần thực hiện có lộ trình để không gây ảnh hưởng lớn đến ngân sách quốc gia. Cụ thể, TPHCM đề nghị Quốc hội cho phép xác định tỷ lệ chi 31% là mục tiêu thực hiện từ năm 2021, năm đầu của kế hoạch 5 năm 2021-2025. Trong giai đoạn 2016-2020, việc gia tăng tỷ lệ chi ngân sách của TPHCM dựa vào số vượt thu của TPHCM.
TPHCM khẳng định, việc quy định tỷ lệ mức chi này là phù hợp với kinh nghiệm quốc tế, đảm bảo TPHCM có điều kiện phát triển bền vững hơn, đóng góp vào ngân sách quốc gia nhiều hơn. TPHCM cũng cam kết giữ mức độ phát triển và đóng góp cao nhất nước: tăng trưởng kinh tế với gấp 1,3 lần cả nước, năng suất lao động gấp 2,7 lần bình quân cả nước, tỷ trọng đóng góp vào ngân sách cao gấp 3 lần tỷ lệ dân số cả nước. Như vậy, mức điều chỉnh tăng này sẽ đảm bảo hài hòa, tính phát triển bền vững của TPHCM và trách nhiệm đi đầu trong phát triển và nghĩa vụ của TPHCM đối với cả nước.

Tin cùng chuyên mục