Trước 25-7: Trình Thủ tướng Đề án xử lý 12 dự án ngàn tỷ thua lỗ

Giá trị của các dự án này tương ứng với 3 tỷ USD nhưng đang bị “chôn vùi”. 

PVTex đầu tư với nguồn vốn khoảng 7.000 tỷ đồng nhưng hoạt động thua lỗ
PVTex đầu tư với nguồn vốn khoảng 7.000 tỷ đồng nhưng hoạt động thua lỗ

Theo kết luận của Bộ Chính trị, hết năm 2018 phải xử lý căn bản các yếu kém và tới năm 2020 thì hoàn thành việc xử lý các nhà máy, dự án này.

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ để triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị về việc xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương.

Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương căn cứ ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Thông báo số 43-TB/VPTW ngày 19-6-2017 của Văn phòng Trung ương và ý kiến của các bộ ngành để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Đề án xử lý 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương trước ngày 25-7.

Bộ Công Thương cũng được giao hoàn thiện dự thảo Kế hoạch của Ban Chỉ đạo để triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xử lý 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương, gửi các bộ ngành có ý kiến tham gia để tổng hợp, trình Trưởng ban Ban Chỉ đạo quyết định.

Phó Thủ tướng giao Kiểm toán Nhà nước, Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ sớm hoàn thành việc kiểm toán, điều tra, thanh tra tại 12 dự án, doanh nghiệp theo chương trình, kế hoạch đã đề ra để xử lý theo quy định. Các Tập đoàn: Hóa chất Việt Nam, Dầu khí Việt Nam và Tổng công ty thép Việt Nam củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo của các đơn vị mình; phân công, xác định rõ nhiệm vụ của từng đơn vị, người đứng đầu trong việc xử lý các dự án, doanh nghiệp thuộc đơn vị mình.

Được biết, 12 dự án, nhà máy của ngành công thương có tổng mức đầu tư là 63.610 tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu 14.350 tỷ đồng. Còn lại khoảng 47.000 tỷ đồng (chiếm 75% tổng mức đầu tư) là đi vay, trong đó vay ngân hàng là 41.800 tỷ đồng, vay nước ngoài có bảo lãnh là 6.600 tỷ đồng.

Hiện nay, có 6 nhà máy vận hành nhưng thua lỗ gồm 4 nhà máy phân đạm, Nhà máy đóng tàu Dung Quất và Công ty Thép Việt-Trung. Ba dự án, nhà máy dừng thi công là dự án Nhà máy Ethanol Phú Thọ, Nhà máy Bột giấy Phương Nam và Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2. Ba nhà máy dừng hoạt động là Nhiên liệu Sinh học Bình Phước, Nhiên liệu Sinh học Dung Quất và Xơ sợi Đình Vũ.

Trong số này, 10 nhà máy đang hoạt động hay dừng sản xuất có lỗ lũy kế là 16.126 tỷ đồng (tại thời điểm 31-12-2016) và vốn chủ sở hữu chỉ còn 3.956 tỷ đồng, trong đó nhiều nhà máy âm vốn chủ sở hữu.

Vừa qua, sau khi tháo gỡ khó khăn cho các dự án, nhà máy, tình hình đã có chuyển biến tích cực. Bốn nhà máy đạm (đạm Ninh Bình, đạm Hà Bắc, DAP Đình Vũ, DAP Lào Cai) hoạt động tốt tới 80% công suất. Nhà máy DAP Đình Vũ và Lào Cai đã đa dạng hóa sản phẩm với 64% đạm xanh có giá trị cao, có lãi 600.000 đồng/tấn. Nhà máy thép Việt-Trung trong 6 tháng đầu năm 2017 đã có lãi 67 tỷ đồng. Tuy nhiên, với nhóm dự án của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) gồm các nhà máy đóng tàu Dung Quất, Xơ sợi Đình Vũ và các dự án, nhà máy nhiên liệu sinh học hầu như không có chuyển biến, thậm chí còn tệ hơn.

Giá trị của các dự án này tương ứng với 3 tỷ USD nhưng đang bị “chôn vùi”. Theo kết luận của Bộ Chính trị, hết năm 2018 phải xử lý căn bản các yếu kém và tới năm 2020 thì hoàn thành xử lý các nhà máy, dự án này.

Tin cùng chuyên mục