Bạn có khi nào hình dung trường hợp, một ngày nào đó nhà trường hoặc giáo viên chủ nhiệm, nơi con mình học, sẽ gọi điện nói với bạn rằng: “Con anh/chị đánh bạn”, “Con anh/chị chửi tục”, “Con anh/chị ăn cắp đồ dùng học tập của bạn khác”? Có thể lắm chứ!
Cùng chơi đùa với trẻ sẽ giúp trẻ phát triển tinh thần lành mạnh và lan tỏa yêu thương. Ảnh: HỒNG VÂN
Và phản ứng đầu tiên của bạn là gì? Có khả năng bạn vội đến ôm lấy con mình để trấn an tinh thần con, vì đã không có mặt bên con trong khoảng thời gian nó bị mọi người phán xét và kết tội; ôm con để thầm xin lỗi con vì có quãng thời gian và khoảnh khắc trong đời, bạn chưa thật sự ở bên con, ngay cả khi đang cận kề con? Trước tiên, hãy ôm con!
Tôi đã từng thấy rất nhiều ông bố, bà mẹ chưa biết con có lỗi hay không, cứ la con, cấm con, buộc tội con trước đã, khi con bị những người lớn khác phàn nàn.
Tôi không ủng hộ kiểu “bênh con, 2 phụ huynh đánh nhau” hay “bênh con, phụ huynh đánh cô giáo”… là những thông tin trên mặt báo gần đây. Vì rõ ràng, đó là thái cực trái ngược hẳn với biểu hiện kém tinh tế và hoàn toàn không có bóng dáng của tình thương con. Không bênh con vô lối, nhưng cũng đừng vội buộc tội đứa trẻ, bởi những lời cay nghiệt chôn vùi trong tiềm thức đứa trẻ sẽ trở thành ý thức khi nó lớn lên.
Rộng hơn, chúng ta hãy “liên hệ” đến những thông tin an ninh trật tự xã hội nổi cộm gần đây về cách hành xử không đẹp của những con người còn trẻ tuổi, như bạo lực học đường, như ra tay tàn độc để cướp của... Nhìn vào gương mặt những kẻ phạm tội trên các trang thông tin, bật lên là ánh mắt đầy bóng tối của những mất mát đằng đẵng, có thể hằn kéo dài trong quá khứ.
Trong thời đại mạng xã hội bùng nổ, người ta không khó để lần tìm ra một “hồ sơ cá nhân” (profile) của những đứa trẻ phạm tội. Nếu bỏ qua sự tò mò trong nỗi bất bình và sự phỉ báng, hãy nhìn xuyên qua bề nổi của những tấm hình, đọc xuyên qua những dòng trạng thái (status) chất chứa nỗi hận đời, hận người, thất tình… bạn sẽ thấy một chân dung đáng thương! Ấy là chân dung của một đứa trẻ lớn, từng có thời thơ ấu bị tước đoạt sự quan tâm và yêu thương. Hãy để ý mà xem, khởi đầu ở bất kỳ một đứa trẻ chưa bị tiêm nhiễm cách giáo dục sai lầm nào, nó sẽ phản ứng đầy yêu thương và công bằng trong mọi hành động của nó. Những sai lầm của trẻ chỉ bắt đầu khi chứng kiến những sai lầm của người lớn xuất hiện.
Trở lại với cách hành xử trước lỗi lầm của con cái, làm con xấu hổ chỉ kích thích phản ứng chống đối hoặc thu mình ở đứa trẻ mà thôi! Những lời đay nghiến của người thân yêu nhất khiến đứa trẻ cảm giác nó là kẻ xấu, kẻ vô dụng, ngu ngốc… về lâu dài sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng đối với lòng tự trọng và sự tự tin của đứa trẻ. Lời nói rất nguy hiểm, nhưng lời nói cũng có thể tạo ra sự tích cực, “con thật hư đốn” khác hẳn với “mẹ tin là con sẽ thay đổi”. Và trong hành động cũng vậy, một vòng tay ôm có sức lay chuyển mạnh mẽ hơn nhiều so với ngón tay chỉ trỏ vào mặt con. Người lớn chúng ta đã sử dụng ngón tay trỏ quá nhiều và tùy tiện.
Tuy trong quy mô nhỏ, nhưng nền tảng gia đình lập tức tác động lên đời sống hàng ngày của mỗi cá nhân trong xã hội, từ đó ảnh hưởng trực tiếp tới những biến đổi sâu sắc của xã hội. Để không tạo ra một “hiệu ứng cánh bướm” tiêu cực từ trong tinh thần và cách sống của gia đình, dẫn tới những biến động lớn ở xã hội, các bậc cha mẹ hãy thận trọng và cân nhắc trong cách hành xử với con mình. Hãy ôm con, thay vì đẩy con vào những “vực sâu vô hình” do chính chúng ta gây ra.
LÂM AN