Trước tình hình thời tiết ngày càng khắc nghiệt, thiên tai dữ dội đe dọa cuộc sống của nhiều người dân, cách đây 5 năm, Chính phủ đã giao mục tiêu phải hoàn thiện gần 1.700km đê biển thuộc miền Bắc và miền Trung. Tuy nhiên, đến nay, tiến độ làm hệ thống đê biển chiến lược này như rùa bò…
- Chậm như tiến độ đắp đê biển
Theo Bộ NN-PTNT, từ năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 58/2006/QĐ-TTg về việc đầu tư củng cố, bảo vệ, nâng cấp đê biển. Trong đó, mục tiêu đặt ra là đến năm 2010 phải hoàn thiện gần 1.700km đê biển tại các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Nam. Thế nhưng cho đến nay, sau 5 năm, cả miền Bắc và miền Trung mới hoàn thiện được 272km đê biển, chỉ đạt gần 20% so với chỉ tiêu kế hoạch.
Ông Trần Quang Hoài, Cục trưởng Cục Đê điều và phòng chống lụt bão thuộc Bộ NN-PTNT cho rằng, sở dĩ tiến độ đầu tư, cải tạo, củng cố hệ thống đê biển “ì ạch” và bộc lộ nhiều bất cập suốt nhiều năm qua là do thiếu kinh phí, những dự án có kinh phí thì lại đầu tư dàn trải, việc tổ chức các ban quản lý dự án cũng chưa thực sự thống nhất. Có nơi, các gói thầu bị chia nhỏ, không gắn kết được với nhau, dẫn đến nhiều công trình bị chậm tiến độ, không kịp hoàn thành trước mùa mưa bão, nhiều công trình xây dựng dở dang nên càng lãng phí.
Theo ông Hoài, so với nhu cầu để hoàn thiện tổng khối lượng công trình theo kế hoạch, trong 5 năm qua, mức đầu tư còn quá thấp. Cụ thể, tổng kinh phí được Nhà nước đầu tư cho cả giai đoạn 2006 - 2010 mới chỉ khoảng 3.000 tỷ đồng, tính trung bình mỗi năm chỉ khoảng 600 tỷ đồng rót cho cả hệ thống đê biển kéo dài từ Quảng Ninh đến Quảng Nam. Tính ra, ngân sách Nhà nước mới chỉ đầu tư khoảng 35% tổng kinh phí cho đê biển.
Ngoài ra, Bộ NN-PTNT thừa nhận, không chỉ hệ thống đê biển mà ngay cả các dự án trồng cây chắn sóng, rừng ngập mặn cũng triển khai rất chậm. Sau 5 năm, diện tích trồng cây chắn sóng mới chỉ có 132ha, đạt 2% so với kế hoạch được giao. Có nơi như Nam Định, tỉnh được coi là bị xâm mặn, biển lở đe dọa diện tích canh tác của nhiều hộ dân, nhưng sau 5 năm triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nơi đây vẫn chưa trồng được một cây chắn sóng nào! Nguyên nhân, theo lý giải của lãnh đạo tỉnh thì do đất ven biển bị ngập sâu, trồng cây nào chết cây đó. Nhiều nơi khác ở miền Bắc, miền Trung cũng đều trả lời như vậy.
- Không dàn trải nữa
Tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện chương trình đầu tư nâng cấp đê biển từ Quảng Ninh đến Quảng Nam giai đoạn 2006 - 2010, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát khẳng định, trong giai đoạn tới, sẽ phải thay đổi cách làm để đẩy nhanh tiến độ cho đê biển, theo hướng ưu tiên đầu tư cho các đoạn đê xung yếu, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, đặc biệt là việc đẩy mạnh và tạo cơ chế để xã hội hóa thu hút đầu tư vào đê biển. Bộ NN-PTNT sẽ chỉ đạo quyết liệt các cơ quan của bộ tập trung nghiên cứu cây trồng thích hợp với chất đất để đảm bảo đến năm 2013 phải hoàn thành kế hoạch trồng cây chắn sóng dọc tuyến đê biển từ Quảng Ninh đến Quảng Nam.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng cũng yêu cầu Bộ NN-PTNT và các bộ có liên quan, các địa phương phải dồn sức cho kế hoạch đầu tư, nâng cấp hệ thống đê biển bởi đây là chủ trương lớn của Chính phủ, góp phần giảm nhẹ thiên tai, cũng như tính mạng, tài sản của nhân dân. Chương trình xây dựng đê biển phải đảm bảo chống được bão cấp 9 tổ hợp với triều cường tần suất 5%, khu vực tập trung đông dân cư chống được gió bão cấp 12 với mực nước triều trung bình tần suất 5% và đặc biệt phải gắn liền với tình hình mới hiện nay là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
PHÚC VĂN
Cà Mau: Đê biển Tây có thể vỡ bất cứ lúc nào Cuối tháng 6-2010, tình trạng sạt lở bờ biển và đê biển Tây trên địa bàn 3 huyện U Minh, Trần Văn Thời và Phú Tân diễn ra phức tạp trên chiều dài hơn 92km. Trong đó, có 7 đoạn đang sạt lở nghiêm trọng do dãy rừng phòng hộ trước những đoạn này không còn, gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh gây sóng lớn, kết hợp triều cường đánh trực tiếp vào thân đê. Tỉnh Cà Mau tập trung lực lượng, phương tiện triển khai các giải pháp cứu hộ khẩn cấp đê biển Tây trước nguy cơ vỡ đê có thể xảy ra bất cứ lúc nào. C.PHONG |