Năm 2017 tới, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục đổi mới thi và xét tuyển đại học (ĐH). Hiện nay, Bộ GD-ĐT vẫn đang trong quá trình thảo luận với các sở GD-ĐT và các trường ĐH-CĐ để chốt phương án cuối cùng. Chiều 3-9, trao đổi với PV Báo SGGP, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, dự kiến Bộ GD-ĐT sẽ công bố phương án thi trước ngày 10-9 để học sinh yên tâm học tập, ôn luyện, chuẩn bị cho kỳ thi.
Đổi mới thi sẽ không gây sốc cho thí sinh
Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, ngay sau khi kết thúc kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, Bộ GD-ĐT đã tiếp tục nghiên cứu đổi mới kỳ thi theo hướng gọn nhẹ, thiết thực và hiệu quả hơn, phát huy những mặt tích cực, khắc phục những hạn chế trong tổ chức thi, tuyển sinh trong hai năm qua. Nhìn chung, kỳ thi năm 2016 đã được xã hội đánh giá cao về sự thành công trên nhiều mặt. Những ưu điểm gì mà kỳ thi năm 2016 đã được xã hội thừa nhận thì bộ vẫn giữ và phát huy, chỉ những gì nhược điểm, gây phiền hà mới phải thay đổi, khắc phục. Tuy được đánh giá cao nhưng thi và xét tuyển 2016 vẫn còn nhiều hạn chế. Công tác tổ chức thi vẫn còn nặng nề, một số lượng lớn cán bộ, giảng viên từ trường ĐH-CĐ phải di chuyển về các địa phương dẫn đến khó khăn, tốn kém. Việc tổ chức 2 loại cụm thi khiến nhiều người băn khoăn về sự công bằng, khách quan. Thời gian thi kéo dài, chưa ứng dụng công nghệ thông tin một cách triệt để trong các khâu của công tác thi và tuyển sinh… Tỷ lệ ảo trong xét tuyển ĐH quá cao... Những nhược điểm đó của kỳ thi và xét tuyển ĐH năm 2016 sẽ phải được khắc phục trong phương án thi năm 2017.
Hướng dẫn thí sinh nộp hồ sơ dự thi PTTH
Về quan điểm chung, năm 2017 và những năm tiếp theo, Bộ GD-ĐT điểm tiếp tục đổi mới thi/xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ. Mục tiêu là tuân thủ Luật Giáo dục và Luật Giáo dục ĐH; tăng quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đi liền với tăng cường chức năng quản lý nhà nước của Bộ GD-ĐT. Tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh, giảm áp lực thi cử, giảm chi phí xã hội; triệt để ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức thi và tuyển sinh; tiếp thu kinh nghiệm thế giới. Đặc biệt, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định, đổi mới thi cử sẽ có lộ trình và bước đi thích hợp, “không gây sốc cho thí sinh và xã hội, tiến tới phương án thi, tuyển sinh ổn định, bền vững, thực hiện lâu dài”, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh.
Sẽ có nhiều thay đổi?
Hiện nay, Bộ GD-ĐT vẫn đang bàn thảo phương án thi và xét tuyển của năm 2017. Tuy nhiên, về cơ bản, vẫn giữ kỳ thi THPT quốc gia (thời gian thi dự kiến diễn ra vào tháng 6-2017) với hai mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT và sử dụng kết quả xét tuyển ĐH-CĐ nhưng có một số thay đổi.
Cụ thể, trên cơ sở mong muốn của các sở GD-ĐT là muốn được tổ chức kỳ thi này, Bộ GD-ĐT dự kiến giao việc tổ chức thi cho các sở GD-ĐT. Bộ sẽ ban hành quy chế thi và có thể ra đề thi. Theo dự thảo, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức một cụm thi cho tất cả các thí sinh tại địa phương do sở GD-ĐT chủ trì, các trường ĐH-CĐ chỉ thực hiện giám sát. Thời gian thi của các cụm sẽ diễn ra cùng lúc trên toàn quốc.
Như vậy, có thể sẽ chỉ còn một loại cụm thi duy nhất do các sở GD-ĐT tổ chức, không còn cụm thi ĐH như năm 2016 vẫn triển khai. Theo Bộ GD-ĐT, kỳ thi năm 2016 đã tổ chức tại các tỉnh, tạo điều kiện cho thí sinh dự thi nhưng vẫn bộc lộ những bất cập. Đơn cử, do các trường ĐH chủ trì cụm thi nên một số lượng lớn cán bộ, giảng viên phải di chuyển về tỉnh, dẫn đến khó khăn về phương tiện đi lại, ăn, ở. Việc giao cho các sở GD-ĐT chủ trì cụm thi vào năm 2017 sẽ phát huy tính chủ động, trách nhiệm của các địa phương trong việc tổ chức kỳ thi này.
Việc xét công nhận tốt nghiệp THPT sẽ dựa trên điểm số của kỳ thi THPT quốc gia và điểm trung bình kết quả học tập, rèn luyện của lớp 10, 11, 12 theo tỷ lệ 50/50. Kết quả của kỳ thi THPT quốc gia là một căn cứ để các trường ĐH-CĐ xét tuyển.
Đáng chú ý, dự kiến kỳ thi THPT quốc gia 2017 có thể sẽ có nhiều đổi mới về nội dung thi. Dự kiến sẽ thay thế việc tổ chức thi theo từng môn như trước đây bằng 5 bài thi Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) và Khoa học xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân). Hiện Bộ GD-ĐT vẫn đang cân nhắc hai phương án: một là học sinh THPT phải thi đủ 5 bài thi mới đủ điều kiện xét tốt nghiệp THPT; hai là thí sinh chỉ thi 4 bài gồm 3 bài thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và lựa chọn thêm một trong hai bài thi khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội. Duy nhất bài thi Ngữ văn sẽ thi theo hình thức tự luận, các bài còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm.
Về tuyển sinh ĐH, việc tuyển sinh vào các trường ĐH sẽ được giao tự chủ thực sự cho các trường, không có sự tham gia sâu của Bộ GD-ĐT vào những công việc cụ thể như hiện hành. Cụ thể, việc tuyển sinh ĐH được phân rõ theo các hình thức: xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT; xét tuyển dựa vào kết quả các bài thi THPT quốc gia (với phương thức này, các trường nhận đăng ký xét tuyển dựa vào bài thi THPT quốc gia. Thí sinh dùng mã số thí sinh để đăng ký xét tuyển. Dựa vào dữ liệu chung, các trường có đủ dữ liệu để thực hiện xét tuyển); sơ tuyển kết hợp với thi tuyển bằng các bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt (các trường có thể tự tổ chức thi đánh giá năng lực chuyên biệt sau khi đã qua vòng sơ tuyển hoặc hình thành các nhóm trường để tổ chức thi đánh giá năng lực); xét tuyển bằng bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt của các trường hoặc nhóm trường khác; phối hợp nhiều phương thức tuyển sinh…
Hiện nay, Bộ GD-ĐT vẫn đang tiếp tục thảo luận để chốt phương án chính thức, báo cáo Thủ tướng, Chính phủ trước khi công bố chính thức vào đầu tháng 9-2016 (dự kiến chậm nhất là 10-9).
LÂM NGUYÊN