“Mục tiêu cao nhất của dân vận là vì dân và có thể coi dân vận là gốc của thành công. Với vai trò vừa là động lực vừa là tiền đề, công tác dân vận ở TPHCM là một trong những nhân tố quyết định thúc đẩy kinh tế - xã hội TPHCM phát triển, vượt qua thách thức” - đồng chí Nguyễn Văn Rảnh (ảnh), Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Thành ủy TPHCM bày tỏ suy nghĩ của mình nhân kỷ niệm 81 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (15-10-1930 – 15-10-2011).
- Phóng viên: Thưa đồng chí, công tác dân vận thế nào để “dân làm gì và dân được gì” khi thực hiện Nghị quyết 11/CP của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội?
Đồng chí NGUYỄN VĂN RẢNH: Ai cũng thấy tình hình năm 2011 có nhiều khó khăn. Nên khi Nghị quyết 11 của Chính phủ ra đời, ban dân vận các cấp chủ động nắm chắc địa bàn, kịp thời phản ánh những tác động của tình hình lạm phát đến đời sống công nhân, người lao động; chủ động tham mưu cấp ủy trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống chính trị thực hiện có hiệu quả các giải pháp an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân.
Nét mới lần này là phương pháp vận động được đổi mới và khá linh hoạt, trong đó lấy cấp ủy chi bộ khu phố, ấp và hệ thống chính trị tại khu phố, ấp làm lực lượng nòng cốt thực hiện cuộc vận động. Nhờ đó, TPHCM đã vận động được 66.231 người có nhà trọ (98,56%) không tăng giá đến cuối năm 2011 cho 1.225.303 người nghèo ở trọ, ước giá trị làm lợi khoảng 519,76 tỷ đồng/năm. Nhờ dân vận tốt nên dân đồng thuận, đồng lòng và đồng sức cùng cấp ủy, chính quyền thực hiện Nghị quyết 11.
- Công tác dân vận hướng về cơ sở và bám sát dân đã mang lại kết quả như thế nào cho người dân?
Xác định công tác dân vận là phải trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân, ban dân vận các cấp tăng cường kiểm tra, đi cơ sở, khảo sát, nắm tình hình nhân dân, nhất là những vấn đề bức xúc để tham mưu cấp ủy chỉ đạo chính quyền, các cơ quan giải quyết kịp thời; tập trung nắm tình hình hoàn cảnh từng hộ nghèo, diện gia đình chính sách, người già neo đơn… để có kế hoạch phát huy nhiều nguồn lực cùng chăm lo: hỗ trợ vay vốn, giải quyết việc làm, cấp học bổng, tặng thẻ bảo hiểm y tế, tổ chức bữa ăn tình thương… Với tinh thần đó, các địa phương vận động số tiền 50 tỷ đồng để chăm lo cho người nghèo. Ngoài ra, ban dân vận phối hợp với MTTQ, đoàn thể và chính quyền thường xuyên tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe nguyện vọng của dân, đề xuất cấp trên xử lý công việc thấu tình, đạt lý.
- Thưa đồng chí, những kinh nghiệm gì rút ra qua việc xây dựng và nhân rộng điển hình Dân vận khéo?
Những điển hình Dân vận khéo chỉ ra rằng, làm đúng lời Bác Hồ dạy “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công” thì công tác dân vận chắc chắn thành công. Vấn đề là làm sao phát huy tốt nhất quyền làm chủ của người dân. Người dân không chỉ có quyền được biết, được nghe mà còn được kiểm tra giám sát, trực tiếp tham gia các hoạt động trên các lĩnh vực KT-XH. Triển khai phong trào thi đua Dân vận khéo phải gắn chặt với thực hiện nhiệm vụ chính trị ở từng đơn vị và các phong trào thi đua khác, bởi Dân vận khéo chính là biện pháp, phương thức, cách thức để thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ chính trị tốt hơn, hiệu quả hơn.
Dẫn chứng như Ban Dân vận Thành ủy TPHCM xây dựng và thực hiện mô hình “Khéo” phối hợp với các lực lượng trong hệ thống chính trị xây dựng tuyến đường Trần Hưng Đạo đạt chuẩn văn minh đô thị (thuộc quận 1 và 5); quận Thủ Đức “khéo” phát huy tinh thần “lá lành đùm lá rách” để người có nhà trọ không tăng giá thuê phòng; nhiều cấp chính quyền có gương cán bộ “khéo” đề xuất cải tiến thủ tục hành chính để giảm phiền hà dân; lực lượng vũ trang có những gương cán bộ, chiến sĩ “khéo” cảm hóa người lầm lỗi… Thành công của dân vận khéo ở TPHCM có nhân tố con người, trong đó nổi lên vai trò của người đứng đầu là biết lãnh đạo, điều hành và đặc biệt là biết làm gương, quy tụ đoàn kết.
Tuấn Sơn (thực hiện)
Công tác dân vận phải bám sát thực tiễn cuộc sống
Ngày 14-10, Ban Dân vận Trung ương tổ chức tọa đàm trực tuyến tại 3 điểm cầu: Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM nhân kỷ niệm 81 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng. Tham dự có đồng chí Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương cùng các đồng chí lãnh đạo Ban Dân vận các thời kỳ.
Ôn lại truyền thống công tác dân vận của Đảng, đồng chí Nguyễn Thế Trung, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương nhấn mạnh: 81 năm qua công tác dân vận của Đảng đạt được những thành tích to lớn, đã vận động các tầng lớp nhân dân đánh thắng mọi kẻ thù và thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới; dân chủ xã hội được phát huy, mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân được tăng cường, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được cải thiện. Thành tích đó có một phần đóng góp to lớn của công tác dân vận. Các ý kiến tham dự tọa đàm cũng tập trung đi sâu, phân tích rõ vai trò và nhiệm vụ của công tác dân vận trong thời kỳ mới. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng nhất của công tác dân vận là phải bám sát thực tiễn cuộc sống. Bản thân người cán bộ làm công tác dân vận phải hiểu dân, phản ánh được và kịp thời nguyện vọng chính đáng của nhân dân với Đảng, làm tốt vai trò tham mưu cho Đảng, gắn bó đoàn kết tập hợp mọi tầng lớp nhân dân.
Ghi nhận những ý kiến tâm huyết của những cán bộ dân vận qua các thời kỳ, đồng chí Hà Thị Khiết đặc biệt nhấn mạnh đến việc xây dựng một đội ngũ cán bộ dân vận đủ tâm đủ tầm và luôn sáng tạo để đáp ứng kịp thời nhiệm vụ chính trị - xã hội trong tình hình mới.
H.Hiệp