Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2022 Phạm Kim Dung: Hãy để thị trường quyết định sự tồn tại các cuộc thi sắc đẹp

Năm 2021 được xem là năm của nhan sắc Việt, với sự thăng hạng đáng kể trên các đấu trường nhan sắc quốc tế. Bà Phạm Kim Dung, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi Hoa hậu Thế giới Việt Nam, Phó Ban Tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2022, đã có những chia sẻ cùng phóng viên Báo SGGP về nhan sắc Việt thời gian qua.

PHÓNG VIÊN: Theo bà, nhan sắc Việt đang ở đâu trên bản đồ nhan sắc thế giới? 

Bà PHẠM KIM DUNG: Năm qua là năm không suôn sẻ lắm của các cuộc thi quốc tế như: Hoa hậu Quốc tế (Miss International) không tổ chức được, Hoa hậu Thế giới (Miss World) đêm chung kết bị hoãn vì xuất hiện nhiều ca mắc Covid-19... Tuy nhiên, may mắn lớn là cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Thế giới (Miss Grand International) 2021 tổ chức trọn vẹn và đại diện Việt Nam Nguyễn Thúc Thùy Tiên đăng quang. Đây được xem là cú hích khá lớn, ghi điểm cho nhan sắc Việt trong bản đồ nhan sắc thế giới. Để đánh giá nhan sắc Việt ở đâu trên bản đồ thế giới thì cứ nhìn vào kết quả. Như hiện nay, với cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Thế giới, Việt Nam là số 1 rồi. Các cuộc thi khác đều có đại diện vào tốp cao. Mình có quyền tự hào về nhan sắc Việt thời gian vừa qua. 

Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2022 Phạm Kim Dung: Hãy để thị trường quyết định sự tồn tại các cuộc thi sắc đẹp ảnh 1 Bà Phạm Kim Dung, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi Hoa hậu Thế giới Việt Nam, Phó Ban Tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2022
Thực ra, nhan sắc Việt không phải đến bây giờ mới đẹp. Nhưng do các cô gái của chúng ta còn nhiều điểm hạn chế, như: kỹ năng giao tiếp quốc tế, các phần thi tài năng, ứng xử chưa được chú trọng… 

Bà đánh giá về sự phát triển của công nghệ đào tạo, hay lò đào tạo nhan sắc trong nước thời gian qua thế nào?

Thực ra, Việt Nam không có lò đào tạo công nghiệp kiểu như các nước. Ngay chúng tôi là đơn vị đưa thí sinh đi thi nhiều, cũng không gọi lò đào tạo. Chúng tôi chỉ nghĩ rằng, cố gắng làm sao để phù hợp tiêu chí chung các cuộc thi quốc tế, chọn thí sinh mạnh và hướng dẫn các bạn đầy đủ các kỹ năng, đi thi bằng chính cái mình đang có. Chúng tôi không đào tạo các cô gái chỉ biết duyên dáng, có thân hình đẹp mà thiếu đi các thứ khác. 

“Hoa hậu khó hơn người bình thường vì các bạn đẹp, có danh hiệu nên có những nỗi niềm từ trong ngôi vị. Ngôi vị dù gắn cả đời nhưng danh tiếng là nhất thời và họ buộc phải nâng cấp, rèn luyện đạo đức, mang lại những giá trị cho xã hội thì mới bền vững được”.
Bà PHẠM KIM DUNG
Cuộc thi Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2022 vừa khởi động, có nhiều sự cởi mở, đặc biệt thí sinh có thể phẫu thuật thẩm mỹ. Vậy công bằng nào cho vẻ đẹp tự nhiên? 

Sẽ khó có khái niệm công bằng trong tất cả mọi việc. Các cuộc thi nhan sắc quốc tế lớn không quan trọng việc có phẫu thuật thẩm mỹ hay không, nên hầu hết các cô gái đều đã làm răng, một số lượng lớn đã “nâng cấp” vòng 1. Cho nên, cuộc thi Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2022 cho phép phẫu thuật thẩm mỹ với ý nghĩa hướng đến một vẻ đẹp hoàn thiện cho những cô gái gần hoàn thiện. 

Thực ra, bản thân tôi không chấp nhận việc “đập đi xây lại”. Nếu một vẻ đẹp tự nhiên dưới trung bình mà sửa đi khác hoàn toàn so với phiên bản trước đây đến với cuộc thi, tôi nghĩ khó mà thành công. Phẫu thuật thẩm mỹ dẫu có tài ba đến mấy cũng không thể đổi trắng thay đen, biến 1 thành 10 được. Do vậy, những người yêu mến sắc đẹp đừng quá lo lắng không thể nhìn thấy những nhan sắc tự nhiên.

Trước đây đã có các trường hợp thí sinh đạt giải cao bị công chúng đánh giá tiêu cực vì những phát ngôn trên mạng xã hội. Là đơn vị tổ chức các cuộc thi lớn, mình định hướng các người đẹp sử dụng mạng xã hội như thế nào?

Khi sự phát triển của mạng xã hội chưa nhiều, các cô gái dùng mạng xã hội không để ý và sau này cũng không “tua” lại xem từng nói gì. Đã có nhiều trường hợp cộng đồng mạng nhanh tay “bóc phốt”, soi xét các người đẹp khi họ đạt giải cao. Sau những sự việc, tôi nghĩ, các thí sinh cần rút kinh nghiệm. Với ban tổ chức, chúng tôi yêu cầu thí sinh khi vào đến bán kết, phải kiểm tra mạng xã hội, xem cách dùng trước nay như thế nào, cần có sự điều chỉnh phù hợp, bởi đi thi là đối diện với công chúng.

Vừa qua, tình trạng “loạn” hoa hậu được phản ánh khá nhiều. Với bà, hoa hậu nhiều để làm gì? 

Tôi nghĩ, hoa hậu hay ca sĩ, diễn viên, vận động viên thể thao… đều có những đối tượng khán giả riêng. Hoa hậu cũng là niềm yêu thích của những người yêu mến cái đẹp. Ai không quan tâm thì cũng không miễn cưỡng, vì đó là sự quan tâm riêng của mỗi người. 

Những năm gần đây, các nhan sắc được định hình, tạo ra điều mới lạ cho xã hội, tạo nhiều câu chuyện truyền cảm hứng, mang lại những giá trị tích cực cho cộng đồng…, dần dần nhiều người biết đến. Ở Việt Nam, những nhan sắc tạo ra được giá trị nào đó cho cộng đồng sẽ được quan tâm, còn những người theo chủ nghĩa cá nhân, chỉ tạo ra giá trị riêng không mang gì được cho xã hội, thường không được chú ý.

Tôi thấy, các hoa hậu, á hậu hiện nay đã làm được rất nhiều việc. Phụ nữ đẹp là tài sản của quốc gia, của gia đình. Chẳng hạn như Thùy Tiên đăng quang cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Thế giới 2021 đã quảng bá cho nhan sắc, văn hóa, con người Việt Nam. Từ nhan sắc, ngôi vị, không ít hoa hậu đã tổ chức, tham gia tích cực nhiều hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng, các dự án nhân ái giúp nơi này nơi kia, kêu gọi hỗ trợ cho người kém may mắn, truyền cảm hứng… 

Vậy theo bà, cần thiết có nhiều cuộc thi hoa hậu không? 

Tôi nghĩ, bất cứ việc gì đều có hai mặt. Chúng ta khó có thể “gạn đục khơi trong” không cho tổ chức nhiều cuộc thi hoa hậu. Hãy để thị trường quyết định sự tồn tại các cuộc thi. Cuộc thi nào chất lượng, mang lại giá trị thực cho xã hội, công chúng thì sẽ tồn tại và phát triển. Còn những cuộc thi mà bạn cho rằng “ao làng”, “mua bán giải” thì tự thân nó cũng sẽ không tồn tại lâu dài được.

Tin cùng chuyên mục