Không giật mình sao được khi vừa mới sang VN nhận chức Trưởng giải chừng nửa tháng nay đã phải chứng kiến ở V-League có tới 3 ca nhập viện với hậu quả xảy ra rất nặng nề, do cầu thủ chơi bóng chẳng khác gì hạ gục kẻ thù.
Không biết trước khi ông Tanaka sang VN đã gặp người tiền nhiệm là Tanabe hay chưa, và được ông này làm công tác tư tưởng với tư cách của người đồng nghiệp cũng là đồng hương? Nhưng chắc chắn dù thế nào ông Tanaka cũng không thể nghĩ ra có giải bóng đá V-League mà cầu thủ đá bóng quá nguy hiểm, dù trước đó, ông từng biết về con người VN vốn hiền hòa, mến khách.
Tất nhiên là ông Tanaka sang đây đã hình dung trước, nhưng cũng phải bất ngờ với cơ sở vật chất của nhiều đội bóng dự giải. Cùng với đó vô số những luộm thuộm khác đến từ sân bãi, khán đài, văn hóa cổ vũ, văn hóa làm việc của lãnh đạo và cả lối chơi ít chịu cống hiến mà chủ yếu là trả đũa lẫn nhau.
Ngược lại, ở J-League quê ông mọi thứ bài bản, rõ ràng và chuyên nghiệp trong cả công tác tổ chức lẫn cầu thủ dưới sân thi đấu luôn biết tôn trọng đồng nghiệp. Tại J-League, đội bóng nào không thực hiện đúng quy định của BTC giải sẽ bị phạt nặng còn cầu thủ đá xấu, đá láo không chỉ bị trọng tài rút thẻ đỏ mà về sau còn bị phạt nguội mạnh tay nữa. Nơi đó cũng không có chuyện cứ nghi ngờ trọng tài thiếu minh bạch là nhảy vào chửi mắng vua sân cỏ từ quan chức tới cầu thủ giống ăn tươi nuốt sống, hay có kiểu bức xúc với trọng tài là đội bóng đòi nghỉ chơi.
Ông Tanaka vừa mới làm việc nhưng phải chứng kiến những thứ trái ngược với giải bóng đá ở Nhật Bản thì không thể không ngạc nhiên được.
Từ những chuyện trên mới thấy, muốn V-League cải thiện thì phải đồng bộ các khâu, chứ không phải ấn chuyên gia ngoại ngồi vào rồi đòi V-League thành J-League. Không biết suy nghĩ của ông Tanaka lúc này thế nào khi chứng kiến V-League qua vài vòng đấu vừa rồi, nhưng với dư luận họ hiểu có… 10 Tanaka cũng khó thay đổi được, chứ đừng nói mình ông. Cái khó của giải đấu này nằm ở chỗ đó.
KIM DUNG