Trường học nâng cao sức khỏe - Thiếu “chất” nên khó “khỏe”!

Không bột khó gột nên hồ
Trường học nâng cao sức khỏe - Thiếu “chất” nên khó “khỏe”!

Mặc dù đã triển khai thí điểm từ năm 2004 nhưng đến nay, mô hình “Trường học nâng cao sức khỏe” do Bộ Y tế phối hợp cùng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức ở 40 tỉnh, thành trong cả nước vẫn gặp không ít khó khăn. 160 trường học đầu tiên được chọn tham gia dự án có chất lượng cơ sở vật chất không đồng đều, biên chế nhân sự nơi không nơi có, kinh phí thực hiện chưa rõ ràng khiến các đơn vị lúng túng trong triển khai thực hiện.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Trần Thị Kim Thanh (thứ hai từ phải qua) kiểm tra chất lượng bữa ăn trưa tại Trường Tiểu học Trưng Trắc (quận 11).

Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Trần Thị Kim Thanh (thứ hai từ phải qua) kiểm tra chất lượng bữa ăn trưa tại Trường Tiểu học Trưng Trắc (quận 11).

Không bột khó gột nên hồ

Tổng kết 10 năm triển khai dự án, TS Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Công tác Học sinh - Sinh viên, Bộ GD-ĐT thừa nhận một trong những bất cập của quá trình triển khai dự án là chưa có cơ chế đãi ngộ, thu hút lực lượng cán bộ y tế trường học.

“Hiện nay, một số địa phương đã duyệt định biên cán bộ y tế trường học, tuy nhiên nhiều nơi vẫn chưa có. Bên cạnh đó, chế độ lương bổng, chính sách đãi ngộ dành cho đối tượng này chưa được quan tâm đúng mức khiến họ không thể yên tâm công tác, cống hiến với nghề”, ông Anh cho biết.

Ngoài ra, theo Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Trần Thị Kim Thanh, hiện nay mới có quy định biên chế cán bộ y tế trong trường học, riêng đối với cấp phòng GD-ĐT và sở GD-ĐT chưa có quy định biên chế rõ ràng. Bà Thanh cho biết: “TPHCM có 24 quận, huyện nhưng mới có 11 phòng GD-ĐT có cán bộ y tế chuyên trách, 13 địa phương còn lại phải sử dụng đội ngũ kiêm nhiệm, thiếu tính chuyên môn hóa cao”.

Trước thực trạng đó, Sở GD-ĐT TPHCM đã trình UBND TP Đề án “Tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng và chế độ chính sách cho công chức, viên chức y tế trường học giai đoạn 2014 - 2016”. Nếu được phê duyệt, từ năm học 2014 - 2015, mỗi cán bộ y tế trường học sẽ được nhận phụ cấp 600.000 đồng/tháng/người. “Số tiền phụ cấp tuy không lớn nhưng qua đó chúng tôi hy vọng có thể động viên tinh thần làm việc của các cán bộ y tế, giúp anh em yên tâm công tác, bám trụ với nghề”, bác sĩ Nguyễn Tài Dũng, Phó Trưởng phòng Công tác Học sinh - Sinh viên, Sở GD-ĐT TPHCM bày tỏ.

Khám răng cho học sinh tại Trường Tiểu học Lương Thế Vinh, quận 1, TPHCM.Ảnh: ĐỨC TRÍ

Khám răng cho học sinh tại Trường Tiểu học Lương Thế Vinh, quận 1, TPHCM.Ảnh: ĐỨC TRÍ

Cũng theo bác sĩ Dũng, TPHCM hiện có 684 cán bộ y tế trường học (chiếm tỷ lệ 47,6%) kiêm nhiệm nhiều vị trí công tác trong cùng đơn vị, tập trung nhiều ở bậc mầm non. Ngoài ra, có 320 người có trình độ sơ cấp, 433 người trình độ từ trung cấp trở lên.

Nói như chia sẻ đầy chua chát của lãnh đạo một phòng GD-ĐT ở TP, quy định hệ số lương của nhân viên y tế trường học hiện nay quá thấp khiến nhiều người đến với công việc này chỉ như một “trạm dừng chân” để tranh thủ học nâng cao trình độ. Sau khi có bằng cấp cao hơn, họ sẵn sàng từ bỏ việc đang làm nên càng gây khó cho công tác tổ chức của các trường học. Chính vì lẽ đó, làm sao nâng “chất” đội ngũ cán bộ y tế trường học đang là bài toán khó đặt ra không chỉ riêng cho TPHCM mà với nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước.

Khó chồng khó

Nhân lực không có, kinh phí càng hóc búa hơn. Bác sĩ Nguyễn Tài Dũng cho biết: “Hướng dẫn chi cho hoạt động y tế trường học của liên Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế quy định, nguồn thu này được lấy từ nguồn 20% tiền đóng bảo hiểm y tế của học sinh. Riêng với trẻ dưới 6 tuổi, do miễn phí bảo hiểm y tế nên tuyệt nhiên không có nguồn thu nào khiến các trường lúng túng, không biết tìm đâu ra kinh phí phục vụ công tác chăm sóc y tế trường học”.

Vừa qua đã xảy ra tình trạng hơn 20 phòng nha của các trường học trên địa bàn quận Gò Vấp đồng loạt đóng cửa do không có kinh phí hoạt động. Nguyên nhân, theo một đại diện Sở GD-ĐT TP là do trước đây, các phòng nha này hoạt động chủ yếu nhờ vào khoản tiền đóng góp 20.000 đồng/học sinh/năm của phụ huynh. Nhưng từ đầu năm học 2013 - 2014, UBND quận Gò Vấp không đồng ý cho các trường tiếp tục thu khoản phí này với lý do “không có trong quy định các khoản thu được phép của UBND TP” nên dù hiệu quả hoạt động đang rất tốt nhưng toàn bộ đều phải ngưng lại.

Riêng đối với bậc mầm non, hiện nay chưa có quy định nguồn thu tổ chức công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường học. Trong khi đó, theo điều lệ hoạt động trường mầm non, các trường phải thường xuyên vệ sinh đồ chơi, chỗ ăn, ngủ cho học sinh tối thiểu 1 tuần/lần.

Trước tình cảnh đó, các trường phải dựa vào nguồn đóng góp của phụ huynh hoặc kêu gọi các đơn vị tài trợ. Bà Phạm Thị Ngọc Dung, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Tiên Cát (TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) khẳng định: “Để đảm bảo môi trường xanh, sạch, đẹp cho học sinh học tập, vui chơi, chúng tôi phải tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng dân cư xung quanh, vận động sự hợp tác của phụ huynh. Chỉ khi làm tốt công tác xã hội hóa, công tác chăm sóc sức khỏe cho học sinh mới đảm bảo”.

THU TÂM

Tin cùng chuyên mục