Hệ thống bảo tàng của nước ta hiện nay đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức trong thời kỳ hội nhập, giao lưu văn hóa quốc tế. Tính đến nay cả nước có 127 bảo tàng, trong đó có 118 bảo tàng do nhà nước quản lý và 9 bảo tàng tư nhân, với tổng số 2.810.211 hiện vật. Đây là con số không nhỏ so với nhiều nước trong khu vực và có ý nghĩa rất lớn góp phần giáo dục truyền thống, cung cấp kiến thức, tác động tích cực đến nhận thức của người dân, đặc biệt là giới trẻ.
Chính vì vậy, tại TPHCM đã hình thành chương trình “Hành trình đến với bảo tàng” nhằm hướng dẫn học sinh tham quan, học tập tại các bảo tàng và xem bảo tàng là “trường học thứ hai”. Ngoại trừ các bảo tàng nổi tiếng như Bảo tàng Hồ Chí Minh, Dân tộc học, Lịch sử quân sự, Lịch sử Việt Nam, Chứng tích chiến tranh (TP Hồ Chí Minh)... hầu hết các “trường học thứ hai” đều rơi vào cảnh đìu hiu.
Các hiện vật trưng bày trong nhiều bảo tàng đã quá cũ, chưa động tới những vấn đề mới đang được xã hội quan tâm; nhiều trưng bày chuyên đề còn rập khuôn, thiếu linh hoạt nên không hấp dẫn được sự quan tâm của công chúng. Chức năng quan trọng của bảo tàng là giáo dục đặc biệt là với học sinh, sinh viên nhưng hiệu quả còn thấp... Trước đây, dự án FSP phối hợp với phía Pháp nhằm “Phát huy giá trị di sản bảo tàng Việt Nam” đã tạo nét khởi sắc nhưng cũng chưa thể mở rộng được phạm vi ảnh hưởng và tác động hữu ích tới toàn bộ hệ thống bảo tàng.
Tuy nhiên điều đáng khích lệ là hàng năm, trong dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Bảo tàng 18-5, Cục Di sản văn hóa đều khuyến khích các bảo tàng tổ chức trưng bày các bộ sưu tập mới; trưng bày chuyên đề gắn với các ngày lễ lớn của đất nước hoặc các chương trình tham quan bảo tàng gắn với các lễ hội địa phương để thu hút đông đảo khách tham quan, đồng thời quảng bá hình ảnh các bảo tàng với du khách quốc tế. Nhiều bảo tàng đã hợp tác với các trường học, xây dựng chương trình giáo dục thông qua bảo tàng cho học sinh nhằm hưởng ứng phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Một số bảo tàng khá năng động khi hợp tác với doanh nghiệp lữ hành để giới thiệu di sản văn hóa tới các đối tượng du khách.
Ngoài ra, kênh bảo tàng tư nhân cũng ngày càng trở nên cần thiết trong cuộc sống đương đại, thực hiện lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa. Hiện nay, một bộ phận di sản văn hóa tồn tại dưới hình thức những di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia đã và đang được các nhà sưu tập tư nhân sưu tầm, bảo quản. Nhiều người trong số họ mong muốn đẩy nhanh tiến độ thành lập các bảo tàng tư nhân một cách chính quy, hiện đại để thể hiện giá trị bộ sưu tập của mình, thỏa niềm đam mê và có thể giúp cho công chúng có điều kiện tiếp cận những giá trị văn hóa thông qua các hiện vật này.
Để thực hiện tốt những điều kể trên, trước mắt cần chú trọng công tác bảo tồn, tôn tạo, tư liệu hóa và phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể gắn với phát triển du lịch, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các bảo tàng, di tích, gắn kết chặt chẽ với thực hiện phong trào xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, đẩy mạnh hoạt động “Hành trình đến với bảo tàng”.
Nên mạnh dạn quy hoạch lại hệ thống bảo tàng theo từng lĩnh vực tổng hợp và theo nhóm chuyên sâu nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho mọi thành phần nghiên cứu, đầu tư thỏa đáng, nhanh chóng đổi mới cách trưng bày và hình thức minh họa, tăng cường những hiện vật quý hiếm, khai thác kênh bán hàng lưu niệm vừa tạo thêm nguồn thu vừa quảng bá những sản phẩm đặc trưng của bảo tàng.
Dù trưng bày ở đô thị hay nông thôn, vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo thì tác dụng nhắm tới của bảo tàng vẫn là giáo dục truyền thống, nâng cao nhận thức, làm giàu kiến thức, bồi bổ tâm hồn, ngưỡng vọng về những điều tốt đẹp của cuộc sống ngàn xưa…
X.THÁI