Trưởng thành từ công nhân

Dù đã tốt nghiệp đại học nhưng họ đều có điểm chung là bắt đầu từ công việc của người công nhân trực tiếp sản xuất. Ở TPHCM, có khá nhiều công nhân đã trở thành những cán bộ quản lý năng động, nhạy bén.
Trưởng thành từ công nhân

Dù đã tốt nghiệp đại học nhưng họ đều có điểm chung là bắt đầu từ công việc của người công nhân trực tiếp sản xuất. Ở TPHCM, có khá nhiều công nhân đã trở thành những cán bộ quản lý năng động, nhạy bén.

Bắt đầu từ việc đẩy đá, bốc xếp

Một trong những cá nhân tiêu biểu trong chính sách trui rèn công nhân của Công ty cổ phần Kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn (Khu công nghiệp Tân Tạo, TPHCM) là anh Mai Minh Vương, hiện là Phó Tổng giám đốc phụ trách sản xuất. Trước mặt chúng tôi là một người đàn ông cao to, vạm vỡ, ăn nói “rổn rảng”, tuy nhiên ai cũng bảo anh rất lành tính.

Từng ước mơ mặc áo blouse trắng nhưng không đủ điểm đậu, anh Vương đành chọn Trường Đại học Thủy sản Sài Gòn. Dẫu biết học nghề cực, phải ra hiện trường nhưng anh vẫn không ngờ khi xin vào Công ty cổ phần Kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn, anh lại “được” bố trí làm công nhân đẩy đá. Hết đẩy đá, anh được điều làm bốc xếp, trông lò hơi, lột hải sản, đóng gói... Suốt 15 năm làm việc tại công ty, anh được làm việc tại tất cả các công đoạn. “Ban đầu tôi cũng hơi khó chịu vì mình có bằng cử nhân mà phải làm việc chung với những lao động phổ thông. Nhiều lần định nghỉ việc, nhưng sau đó tôi nghĩ lại có gian khổ mình mới trưởng thành và cố gắng làm việc chăm chỉ hơn”, anh Vương kể.

Vượt qua gian khó, anh Vương đã có nhiều sáng kiến cải tiến để công việc tốt hơn. Năm 2003, khi làm ở công đoạn bóc hải sản, anh đã có công trình “tách thịt ghẹ ra khỏi xương”. Ở thời điểm này, xương ghẹ sau khi bóc vẫn còn lẫn lộn thịt. Thấy tiếc, anh đã mày mò tìm cách lấy lại số thịt còn lẫn trong xương mà công ty đổ bỏ hàng ngày. Anh pha dung dịch nước, bỏ ghẹ vào, thịt ghẹ nặng sẽ chìm xuống còn xương thì vớt bỏ ra ngoài. Với công trình này, 1 tấn ghẹ anh Vương đã tiết kiệm cho công ty thêm 50kg thịt. Không chỉ thế, anh Vương còn cải tiến kho tiền đông chuyển thành kho đông, giảm bớt một công đoạn và tiết kiệm cho công ty 160 triệu đồng/năm.

Không chỉ chăm chỉ làm việc, chàng trai quê Long An còn chịu khó học tập khi vừa làm công nhân vừa học thêm tại Trường Đại học Kinh tế TPHCM. Anh còn nhớ, khi làm ở công đoạn đánh vảy cá, có những chiều không kịp tắm, vào lớp học anh phải ngồi xa xa vì sợ mọi người ngửi thấy mùi cá. Với sự cố gắng của mình, anh Vương được bổ nhiệm làm tổ trưởng, đội trưởng, quản đốc và năm 2011, anh được đề bạt làm Phó Tổng giám đốc phụ trách sản xuất của công ty.

Chịu khó để thành tài

Tốt nghiệp ngành Công nghệ thực phẩm năm 2000, chị Hồng Tố Linh nộp đơn vào Công ty cổ phần Kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn làm việc. Dù có bằng cử nhân nhưng chị Linh vẫn nhận nhiệm vụ làm công nhân xưởng khô. Chị Linh tâm sự: “Ban đầu tôi hơi buồn một chút vì nghĩ 4 năm học hành sẽ trở nên lãng phí. Nhưng sau đó càng làm việc, tôi càng thấy yêu thích công việc này. Nhà trường dạy cho tôi những kiến thức vĩ mô nhưng chính công việc dạy cho tôi những vấn đề thực tế, như chỉ nhìn vào con cá biết chính xác bao nhiêu con được 1kg, nhìn sơ qua một con cá biết cá nào thịt chắc, cá nào không...”.

Anh Mai Minh Vương và chị Hồng Tố Linh thảo luận về sản phẩm của công ty

Năm 2003, công ty xuất khẩu hàng sang Nhật Bản, chị Linh được chọn để qua Nhật đào tạo. Sau một năm học tập, làm việc ở xứ người, chị Linh trở về và bắt đầu có nhiều sáng kiến, cải tiến làm lợi cho công ty. Tiêu biểu là công trình đánh vảy cá điêu hồng. Trung bình mỗi công nhân làm 25kg cá/giờ, chị cải tiến các công đoạn để thao tác nhanh hơn, tăng năng suất lên 40kg/giờ. Với những cố gắng trong công việc, chị Linh đã được đề bạt lên làm quản đốc xưởng Thắng Lợi của công ty.

Ông Nguyễn Tri Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn, nhận xét: “Bất cứ người lao động nào được tuyển dụng vào công ty đều phải làm qua công việc trực tiếp sản xuất, vì ngành nghề này đòi hỏi những đặc thù riêng, phải hiểu biết công việc thì mới có thể làm tốt. Cũng có rất nhiều công nhân không chịu được khó khăn đã bỏ nghề. Nhưng những người ở lại như anh Vương, chị Linh đều là những người giỏi, có nhiều sáng kiến, đóng góp cho sự phát triển của công ty và họ xứng đáng với những vị trí hiện nay”.

HỒNG HẢI

Tin cùng chuyên mục