Theo báo Washington Post, hồi năm 2014, ông Obiang từng mất hơn 30 triệu USD bao gồm cả một biệt thự ở Malibu, California (Mỹ) vì bị Bộ Tư pháp Mỹ tịch thu tài sản được cho là bất minh. Ngoài ra, ông Obiang cũng đã bị Pháp kết án vắng mặt 3 năm tù treo vào năm 2017 về tội tham ô. Tòa án Pháp cáo buộc ông này đã sử dụng tiền tham nhũng từ Guinea Xích đạo để mưu cầu lối sống xa hoa ở châu Âu. Tài sản của ông Obiang bao gồm một lâu đài gần Khải Hoàn môn ở Paris mà theo Reuters có 101 phòng, một tiệm làm tóc, một bức tượng Rodin, một sàn nhảy và chậu rửa chìm bằng vàng. Tòa án Pháp đã ra lệnh tịch thu tài sản của ông này trị giá 115 triệu USD. Các nhà chức trách đã tịch biên cả một số xe hạng sang, bao gồm cả chiếc Porsche Carrera. Chính quyền ở Thụy Sĩ cũng đã thu giữ một số xe sang của ông Obiang. Hà Lan thu giữ chiếc du thuyền của ông Obiang trị giá 120 triệu USD vào năm 2016. Các nhóm giám sát quốc tế đã xếp hạng quốc gia dầu nhỏ bé ở châu Phi với đa số dân nghèo này là một trong những nước tham nhũng nhất trên thế giới.
Còn tại Anh, nhà chức trách cũng vừa bắt giữ một cựu quan chức Chính phủ Pakistan hôm 17-9 về tội rửa tiền tham nhũng ở Pakistan. Báo Pakistan Today dẫn nguồn từ Cơ quan Hình sự quốc gia Anh không tiết lộ tên ông này nhưng cho biết người này ở độ tuổi 40 và vợ ở độ tuổi 30. Cả hai bị bắt ở Surrey với dự án đầu tư bất động sản tại Anh trị giá hơn 8 triệu bảng nhưng không chứng minh được nguồn thu nhập hợp pháp. Cục Kiểm toán quốc gia (NAB) và Cơ quan Điều tra liên bang (FIA) Pakistan đã tiến hành điều tra. Giới chức Pakistan cho biết hơn 30 trường hợp quan tham rửa tiền cũng đã được xác định tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống Nhất (UAE). Quan tham Pakistan thường chuyển tiền từ Pakistan sang UAE, sau đó đến Thụy Sĩ, Mỹ và Anh. Còn theo truyền thông Pakistan, người bị bắt giữ về tội rửa tiền là Farhan Junejo, quan chức thuộc Tổ chức Phát triển Thương mại Pakistan (TADAP), từng là trợ lý của Bộ trưởng Công thương Pakistan bị cáo buộc trong vụ bê bối rửa tiền từ năm 2013. FIA đã tìm thấy bằng chứng về hàng tỷ rupi được chuyển vào tài khoản ở nước ngoài để rửa tiền. Theo báo cáo, Farhan Junejo từng cố trốn sang Mỹ.
Cuộc truy lùng dấu vết các quan tham rửa tiền tại các nước phương Tây đang ngày càng trở nên quyết liệt. Trong đó, ngân hàng trở thành nơi kiểm soát chặt chẽ nhất dòng tiền bẩn. Credit Suisse, ngân hàng danh tiếng của Thụy Sĩ vừa bị Cơ quan giám sát tài chính của Thụy Sĩ (Finma) cáo buộc thất bại trong hoạt động chống rửa tiền. Finma đã xác định những điểm yếu của Credit Suiise trong một số vụ bê bối tham nhũng, bao gồm cả vụ liên quan đến Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA), công ty dầu mỏ Petrobras của Brazil và công ty dầu mỏ PDVSA của Venezuela. Để chống rửa tiền hiệu quả, Finma cho biết các ngân hàng phải trang bị khả năng kiểm tra tất cả các mối quan hệ của khách hàng một cách thấu đáo nhất .