Truyền hình thực tế Không thể dễ dãi

Dù có nhiều dự đoán trước đó cho rằng truyền hình thực tế và gameshow tại Việt Nam đã bước vào giai đoạn bão hòa nhưng, từ đầu năm 2016 đến nay, việc các phiên bản mới liên tiếp lên sóng truyền hình cho thấy miếng bánh thị phần này vẫn rất hấp dẫn. Có thể ví, truyền hình thực tế Việt vẫn như những cơn sóng luôn không ngừng vận động nhằm tìm kiếm và mở rộng đối tượng khán giả.
Truyền hình thực tế Không thể dễ dãi

Dù có nhiều dự đoán trước đó cho rằng truyền hình thực tế và gameshow tại Việt Nam đã bước vào giai đoạn bão hòa nhưng, từ đầu năm 2016 đến nay, việc các phiên bản mới liên tiếp lên sóng truyền hình cho thấy miếng bánh thị phần này vẫn rất hấp dẫn. Có thể ví, truyền hình thực tế Việt vẫn như những cơn sóng luôn không ngừng vận động nhằm tìm kiếm và mở rộng đối tượng khán giả.

Phiên bản mới vẫn ồ ạt ra mắt

Thần tượng âm nhạc nhí - Vietnam Idol Kids là phiên bản truyền hình thực tế mới nhất vừa ra mắt công chúng và đang trong giai đoạn tuyển sinh với tiêu chí tạo ra môi trường âm nhạc thân thiện, chuyên nghiệp và là sân chơi lành mạnh, bổ ích cho các bạn nhỏ có niềm yêu thích và đam mê ca hát. Sau các chương trình truyền hình thực tế, gameshow về hài, đối tượng nhí có lẽ được các đơn vị sản xuất ưu tiên hàng đầu. Đó là lý do những: Gương mặt thân quen nhí, Giọng hát Việt nhí, Bố ơi! Mình đi đâu thế?... vẫn tiếp tục được sản xuất. Một số phiên bản khác: Người hùng tí hon, Siêu nhí tranh tài, Siêu mẫu nhí, Con biết tuốt... cũng được các đơn vị sản xuất trong nước ưu ái. Trong đêm gala trao giải Hòa âm ánh sáng mùa 2, MC Thành Trung cũng tiết lộ sắp tới sẽ có phiên bản của chương trình này dành cho các thí sinh nhí.

Trong khi các chương trình thực tế hài đã giảm đáng kể sức nóng bởi quanh đi quẩn lại vẫn chỉ là sự xuất hiện của từng đó gương mặt diễn viên hài được đặt để trên ghế nóng từ cuộc thi này sang sân chơi kia thì các chương trình về âm nhạc vẫn khá bền bỉ. Vietnam Idol mùa 7 đã có hơn 26.000 thí sinh đăng ký tham gia vòng sơ tuyển. Nhân tố bí ẩn mùa 2 vừa lên sóng và chiêu mộ được hai giám khảo quyền lực là NSƯT Thanh Lam và ca sĩ Tùng Dương. Sân chơi ca hát còn sôi động hơn đặc biệt nhờ sức nóng của thể loại bolero với những: Solo cùng Bolero, Thần tượng bolero, Hãy nghe tôi hát, Ngôi sao phương Nam... Hát vui vui hát - cuộc thi hát karaoke trên truyền hình dành cho mọi đối tượng thí sinh cũng lần đầu lên sóng.

Chương trình Thần tượng Bolero đang chiếm được tình cảm của không ít khán giả và có mức giá quảng cáo cao

Lĩnh vực thời trang cũng cho thấy sự sôi động trở lại bởi sau Nhà thiết kế thời trang, Người mẫu Việt Nam, The Face - một chương trình truyền hình thực tế dài tập dành cho nghề người mẫu quảng cáo cũng chính thức có mặt tại Việt Nam. Hoa khôi Áo dài - Đường tới vương miện mùa 2 cũng vừa lên sóng từ ngày 5-4 hứa hẹn tạo nên cuộc đua gay cấn không kém. 

Trong làn sóng truyền hình thực tế và các gameshow, nếu chỉ xét ở phương diện bề nổi - tức là quan tâm đến những chương trình gây chú ý trên mặt truyền thông có lẽ là một thiếu sót. Trong xu thế nói trên, khi khán giả ngày càng đòi hỏi nhiều hơn ở các chương trình thiên về giải trí thì các chương trình về tri thức vẫn có chỗ đứng không nhỏ. Bỏ qua những chương trình đã thành thương hiệu từ trong quá khứ: Ai là triệu phú, Đấu trường 100... thì các phiên bản thời gian gần đây: Vừng ơi mở cửa, Một trăm triệu một phút, Đừng để tiền rơi... đang thực sự nhận được nhiều sự quan tâm.

Cần sự chọn lọc khắt khe

“Nếu nói truyền hình thực tế và gameshow đang trở nên bão hòa là đúng nhưng chưa đủ. Thị trường giải trí thực sự đang phát triển rất nhanh, nhu cầu giải trí của khán giả ngày càng cao nhưng các show giải trí tràn ngập vẫn chưa thực sự đủ đáp ứng, bởi lẽ sự phát triển về lượng cũng phải đi đôi với chất. Khi thị trường có quá nhiều sản phẩm nội dung thì khán giả đương nhiên sẽ chọn lọc khắt khe hơn, nghĩa là sự cạnh tranh ngày càng lớn hơn”, ông Đỗ Văn Bửu Điền, đại diện Công ty Điền Quân cho biết. Quan điểm đó cũng được bà Vũ Thị Bích Liên, Giám đốc Công ty Sóng Vàng, đồng tình bởi: “Thời buổi này làm ăn hời hợt là chết, chưa kể sự phát triển của YouTube, mạng xã hội khiến khán giả có quá nhiều lựa chọn, lại hoàn toàn miễn phí và tiện dụng”. Đó là lý do chất lượng các show truyền hình thực tế và gameshow giải trí hiện nay cao hơn rất nhiều từ nội dung đến hình thức mỹ thuật thiết kế cảnh trí, sân khấu... Và một hệ quả tất yếu đó là việc những chương trình làm ăn “không đến nơi đến chốn” chấp nhận khai tử, dù là phiên bản ngoại nhập và từng ăn khách ở thị trường nước ngoài.

Cười xuyên Việt phiên bản nghệ sĩ được khán giả đón nhận nồng nhiệt

Trong cơn bão cạnh tranh, khi phim truyền hình ngày càng thể hiện sự thoái trào không thể phủ nhận, truyền hình thực tế và gameshow vẫn sống khá tốt bởi nguồn thu từ nhà tài trợ hay quảng cáo. Theo bảng giá công khai của Trung tâm Quảng cáo và dịch vụ truyền hình, Đài Truyền hình Việt Nam cập nhật đến ngày 6-4, mức giá đối với quảng cáo 30 giây trên VTV3: Hòa âm ánh sáng giá 300 triệu đồng, Thần tượng âm nhạc Việt Nam 260 triệu đồng, Thần tượng Bolero 250 triệu đồng, Song đấu 200 triệu đồng, Đừng để tiền rơi 180 triệu đồng... Nếu cứ tính theo mức giá quy định, mỗi tập phát sóng, doanh thu từ quảng cáo lên đến hàng chục tỷ đồng, chưa kể các chương trình có áp dụng tin nhắn bình chọn, phần lợi nhuận còn cao hơn. Các kênh khác của VTV hay các đài địa phương tùy từng chương trình, khung giờ phát sóng... mà mức giá cũng dao động khác nhau. 

NSƯT Vũ Thành Vinh, Tổng Giám đốc Truyền thông Khang, cho rằng: “Vấn đề lợi nhuận là điều rất được quan tâm, vì thực tế có lợi nhuận thì mới tiếp tục duy trì sản xuất và tái đầu tư, mà lợi nhuận đó chủ yếu đến từ quảng cáo, nên các đơn vị sản xuất họ phải tính toán rất nhiều đến vấn đề thị hiếu”. Ông Vinh cũng khẳng định, chương trình nào nhiều người xem quảng cáo sẽ “đổ” vào và nhà sản xuất phải đầu tư rất nhiều chất xám, tiền của mà không phải lúc nào cũng thành công. “Trong thời điểm kinh tế khó khăn, việc kêu gọi được nhà tài trợ, quảng cáo là điều không đơn giản. Nhưng khi có tiền, việc làm ra những chương trình hay và được khán giả đón nhận càng không đơn giản”. Trong khi đó, bà Bích Liên cho biết: “Doanh thu của chúng tôi có sự sụt giảm so với thời điểm trước đây nhưng không phải là quá kém. Mức giảm dao động khoảng 10-20% nhưng yếu tố quan trọng nhất là do thị trường đang đi xuống. Nếu làm chương trình nghiêm túc vẫn thành công”.  Ông Bửu Điền thì đặc biệt chú ý đến việc phải đầu tư nghiêm túc để tạo ra những sản phẩm nội dung thực sự tốt, hấp dẫn và hướng đến khán giả. Do đó, cuộc cạnh tranh này hứa hẹn sẽ ngày càng khốc liệt giữa các nhà sản xuất trong việc chinh phục khán giả.

Tuy nhiên, các nhà sản xuất Việt, nói như NSƯT Vũ Thành Vinh, đều nhận thấy tuổi thọ của các phiên bản ngoại đang đặt ra nhiều câu hỏi và có cảm giác không biết các nhà sản xuất thế giới có sản xuất kịp để cho nhà sản xuất Việt nhập về, vì các show đình đám về Việt Nam đến mùa 3 trở đi bắt đầu giảm nhiệt. Bà Bích Liên cho rằng, chúng ta đang có phần lãng phí các chương trình mua bản quyền bởi nhiều chương trình làm chưa đạt chất lượng. Đó là lý do đơn vị này vẫn muốn nhập thêm các chương trình hay từ thị trường nước ngoài nhưng chưa tìm được phiên bản phù hợp. Để đi đường dài trong cuộc cạnh tranh này, “nội lực” mới là yếu tố tiên quyết.

Nhìn vào bức tranh truyền hình thực tế Việt, NSƯT Vũ Thành Vinh tin tưởng vào sự ổn định của các chương trình và đón nhận của khán giả. Những chương trình đậm “yếu tố thực tế” sẽ có sức hút lớn bởi khán giả đã chán xem những gì sắp đặt mà họ muốn tận mắt chứng kiến những cảm xúc chân thành, tự nhiên và bất ngờ. Ông nhấn mạnh thách thức của các nhà sản xuất là đón đầu xu hướng giải trí của người xem qua từng chu kỳ để đáp ứng và luôn trong thế chủ động bởi “cả thèm chóng chán” là thực trạng phổ biến hiện nay.

VĂN TUẤN

Tin cùng chuyên mục