Ban đầu, khi căn bệnh Ebola bùng phát, mạng xã hội bị cáo buộc gieo rắc nỗi sợ hãi khi đưa nhiều hình ảnh, thông tin chưa kiểm chứng, khiến cuộc chiến chống căn bệnh nguy hiểm này thêm phần khó khăn.
Những kẻ tung tin đồn tạo ra các tít báo giả mạo và phát tán chúng qua các trang mạng làm nhiều người hoảng loạn. Tuy nhiên, trái với những thông tin tiêu cực thời gian đầu, những gì diễn ra trong thời gian gần đây cho thấy công cụ truyền thông xã hội đã góp sức không nhỏ trong việc tuyên truyền. Ngày càng có thêm nhiều người vững tin về hy vọng đẩy lùi căn bệnh nguy hiểm khi tiếp cận được với thông tin chính xác hơn.
Đài phát thanh và truyền hình quốc tế Đức Deutsche Welle nêu câu chuyện đang xảy ra ở Liberia. Hàng ngày, ở những quán cà phê Internet, những người Liberia tìm cách trao đổi với nhau về thông tin dịch bệnh Ebola trên các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter. Những trang mạng này được họ xem như là cánh cửa mở ra bên ngoài với thế giới - nơi có nhiều quốc gia đang muốn cô lập vùng Tây Phi vì đại dịch Ebola. Họ chia sẻ thông tin về cách phòng ngừa, các triệu chứng nhiễm, những địa điểm y tế cần biết. Mạng xã hội còn là công cụ kết nối giữa những người Liberia với người thân ở nước ngoài. Họ có thể cập nhật tình trạng sức khỏe và cũng sớm có thông tin từ người thân.
Ông Caesar Morris, chuyên gia IT và cũng là chủ một cửa hàng Internet cà phê lớn tại Monrovia cho biết ngày càng nhiều người Liberia tham gia mạng xã hội. Họ ra vào cửa hàng của ông Morris tấp nập kể từ khi Ebola bùng phát thành đại dịch. Số lượng quá tải khiến đường truyền thường xuyên bị nghẽn mạng.
Một câu chuyện khác xảy ra ở Mỹ. 9 ngày trước khi Ebola được tuyên bố trở thành đại dịch, một nhóm các nhà khoa học ở Boston phát hiện căn bệnh có triệu chứng tương tự như bệnh sốt xuất huyết lây lan nhanh ở Guinea. Bằng cách liên kết các chuỗi thông tin có trên các phương tiện truyền thông xã hội trên mạng, các tin tức báo cáo từ địa phương, bản đồ HealhMap do các nhà khoa học phát triển đã công bố những hình ảnh sớm nhất về căn bệnh Ebola trên toàn Tây Phi.
Cộng đồng công nghệ thế giới hiện nay cũng đang dốc sức chống lại dịch bệnh nguy hiểm chưa có vaccine này. Tỷ phú trẻ Mark Zukerberg, vợ chồng nhà sáng lập Microsoft Bill và Melida Gates, Paul Allen, đồng ý trao tặng 100 triệu USD cho Quỹ từ thiện chống Ebola. Microsoft tuyên bố sẽ phát triển một nền tảng nghiên cứu chống lại Ebola trong dịch vụ điện toán đám mây Azure của hãng.
Trước đợt bùng phát dịch, châu Phi là điểm đến đầu tư hấp dẫn. Nhưng dịch bệnh Ebola đang đe dọa cản trở tiến trình này. Tính đến nay đã có hơn 4.000 người chết vì dịch Ebola, trong đó riêng ở Liberia có hơn 2.400 người chết vì dịch này. Các chuyên gia từng lo ngại ngoài dịch Ebola sẽ xuất hiện “dịch sợ hãi” vì sự thiếu hiểu biết về căn bệnh này. Với sự giúp sức của truyền thông xã hội trong việc phát đi những thông tin chính xác, rõ ràng tương lai sẽ không có thêm một loại “dịch sợ hãi”, không chỉ về Ebola mà còn về cả nhiều căn bệnh khác trên toàn cầu.
THANH HẰNG