Đến hẹn lại lên, khắp nơi trong cả nước tưng bừng trẩy hội, thu hút đông đảo du khách gần xa nhưng đây cũng là nơi xuất hiện nhiều hình ảnh không đẹp như chen lấn xô đẩy, cướp lễ, cướp lộc, rải rắc tiền lẻ trong di tích… Người người, nhà nhà đổ xô đi lễ, đi hội trong khi tín ngưỡng dân gian bị lạm dụng. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) xung quanh những vấn nạn trong mùa lễ hội.
- Phóng viên: Tại một số diễn đàn, nhiều người cho rằng muốn lễ hội trở về đúng quỹ đạo vốn có thì cần phải đưa trả lễ hội về cho chính chủ thể của nó - tức là người dân địa phương. Một số ý kiến khác cho rằng chính việc nâng quy mô lễ hội cũng khiến tình trạng loạn lễ hội trong những ngày đầu xuân. Ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này?
>> TS NGUYỄN QUỐC TUẤN: Việc nâng tầm và hạ tầm lễ hội là ý kiến chủ quan thôi. Giờ quy mô của nhiều ngôi làng đã bị phá vỡ. Người làng - chủ thể sáng tạo đâu chỉ loanh quanh trong làng mà đã đi xa muôn nơi. Vì thế nếu trả lễ hội về cho dân một cách cứng nhắc thì cũng chưa chắc đã đạt được hiệu quả như mong đợi. Thêm nữa, cũng cần nói rõ là đừng hy vọng đưa lễ hội quay trở về với thời xa xưa, mà quan trọng hơn cả là phải giữ được không gian thiêng để mỗi người dân khi tham gia vào đó đều phải tự điều chỉnh mình, buộc phải có hành vi đúng đắn.
Khi tiếp cận lễ hội, chúng ta không thể tiếp cận theo kiểu bảo tồn di sản vật thể, đòi hỏi phải nguyên gốc. Trong khi lễ hội của chúng ta là một sinh hoạt. Nó đang diễn ra hết sức sống động. Cái gì cần phải giữ nguyên gốc thì giữ nguyên gốc. Cái gì cần giúp cho lễ hội vui hơn thì ta cần phải làm thêm.
- Nhiều năm gần đây, vấn nạn sử dụng tiền lẻ rải khắp các di tích, đền chùa được nhắc đến nhiều. Một số người giữ quan niệm rằng để tiền vào tay Phật là linh thiêng. Là nhà nghiên cứu tôn giáo, ông nghĩ sao về quan niệm này?
Tiền lẻ, lễ đen, tiền giọt dầu? Ấn đã cũ, đều biết, vẫn gài vứt vào chân tượng Phật, cố chen cướp để có chút lộc, tờ ấn… Đó là sự mù quáng tâm linh, là a dua, a tòng, hoàn toàn không có tri thức nào nằm trong đó cả.
Hay như hành động rắc gạo, muối tràn lan ở nhiều di tích hiện nay cũng vậy. Đó là hành động xúi nhau làm bậy. Xưa nay người ta chỉ rắc gạo, muối khi cúng chúng sinh vào rằm tháng 7, hay cúng cô hồn trong ngày đầu năm. Nhưng ở đình, chùa là nơi có thần ngự trị, làm sao lại rắc gạo muối ở nơi linh thiêng này?
- Vậy theo ông, làm cách nào để có thể hạn chế dần những mặt tiêu cực theo kiểu “hội chứng đám đông” của người đi lễ hội?
Thật ra, xét cho cùng đó cũng là một biểu hiện của sự phát triển. Ngày xưa không có tiền người ta chỉ có thể thể hiện trên một vật chất khiêm tốn nào đó thôi, chứ còn dù khó khăn đến mấy người ta vẫn đến. Phật giáo và các nhà sư dạy chúng ta đến chùa phải thanh tịnh nhưng giờ người ta cứ nhét tiền vào tay Phật, người ta cứ làm thế bao lâu nay rồi và người ta tin đồng tiền cúng vào tay Phật là linh thiêng. Người ta tin rằng làm thế sẽ được độ cho qua khó khăn bệnh tật… Thay đổi niềm tin của ai đó là việc khó. Bởi vậy, những việc này không thể giải quyết ngay một sớm một chiều mà phải có một sự chuẩn bị lâu dài hơn.
- Vậy phải chăng những hành vi lệch chuẩn của lễ hội chỉ có thể được điều chỉnh bởi thời gian, thưa ông?
Lễ hội có sức sống tự thân của nó và chỉ những người làm chủ lễ hội đó mới có quyền quyết định sự sống còn, tồn vong của nó mà thôi. Tuy nhiên, với những hành vi lệch chuẩn thì cần phải có sự can thiệp của cơ quan quản lý để tránh những hiệu ứng xã hội lệch lạc. Phải chấn chỉnh cả hai đối tượng: người dự lễ hội không được tùy tiện, không thể vì cá nhân mà coi thường cộng đồng. Họ cần được trang bị kỹ năng hành xử trong lễ hội. Còn nhà quản lý thì có ở cơ sở và ở cấp trên; cần có cơ chế, có sự giám sát để chống sự cả nể, vụ lợi. Nhất là với những thứ đang sống động như lễ hội, nhà quản lý phải biết cách chắt lọc, hướng dẫn, quy định.
- Việc đi tìm giải pháp hạn chế các tiêu cực trong lễ hội là chủ đề tốn khá nhiều giấy mực của các nhà nghiên cứu cũng như giới truyền thông nhưng hiệu quả dường như vẫn chưa được như mong muốn. Theo ông tại sao lại có tình trạng này?
Nghiên cứu về lễ hội, tìm ra giải pháp để quản lý các hoạt động lễ hội từ rất lâu rồi chúng ta đã bàn, đã làm. Thế nhưng, theo tôi các nghiên cứu đều… không trúng. Tôi phải nói thẳng thế này, trong một bộ phận giới nghiên cứu lâu nay vẫn tồn tại một thói quen cực xấu là cóp nhặt từ người này sang người kia mà không có phê phán, có điều tra của riêng mình. Vì thế không thể có lời giải tương đối gần sự thật nhất. Cho nên tôi thấy, điều cần nhất để đưa lễ hội vào đúng chuẩn là các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu không phải chỉ ngồi lại với nhau, mà phải làm việc thật sự cùng nhau.
Truyền thông cũng vậy, các bạn đang khai thác thông tin, vấn đề trên bề mặt xã hội, chưa có thu thập độc lập, những vấn đề đang nổi cộm, phần lớn dựa trên quan sát. Truyền thông đôi lúc góp phần làm nhiễu loạn giá trị, hoặc là chỉ thấy mặt trái, hoặc ca ngợi vô lối. Không chỉ quản lý, nhà nghiên cứu mà cả giới truyền thông cũng cần phải ngồi lại để tìm ra tiếng nói giải pháp tích cực nhất dành cho lễ hội.
MAI AN thực hiện