* Tăng mức lương tối thiểu vùng
(SGGP). - Theo Nghị quyết về ngân sách của Quốc hội, Chính phủ thực hiện điều chỉnh tăng 8% đối với lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công và tiền lương đối với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có thu nhập thấp (hệ số lương từ 2,34 trở xuống), tính từ ngày 1-1-2015. Theo phương án này, nhu cầu kinh phí tăng thêm khoảng 11.100 tỷ đồng, trong đó, ngân sách trung ương bố trí khoảng 10.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương bố trí khoảng 1.100 tỷ đồng.
Trao đổi với báo chí bên hành lang kỳ họp Quốc hội chiều qua 10-11, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết, vì ngân sách nhà nước “căng” quá nên không thể tăng lương hết cho tất cả các đối tượng hưởng lương. Tăng được lương 8% cho 3 đối tượng này cũng đã là cố gắng, Chính phủ đã tiếp thu ý kiến của ĐBQH về vấn đề tăng lương. Giữa năm 2015, nếu tình hình tốt lên chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện tăng lương cho các đối tượng còn lại.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động, thay thế Nghị định 182/2013/NĐ-CP. Mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với doanh nghiệp từ ngày 1-1-2015 tới đây như sau: Vùng I: 3.100.000 đồng/tháng; vùng II: 2.750.000 đồng/tháng; vùng III: 2.400.000 đồng/tháng; vùng IV: 2.150.000 đồng/tháng. Như vậy, mức lương tối thiểu vùng mới cao hơn mức lương hiện nay khoảng từ 250.000 - 400.000 đồng/tháng.
PHAN THẢO