Tự bảo vệ giữa “ma trận” thực phẩm chức năng

Xu hướng bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng (NTD) Việt ngày càng gia tăng, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp. Đây cũng là kẽ hở để nhiều loại thực phẩm chức năng len lỏi tìm chỗ đứng trên thị trường. Giữa ma trận thực phẩm chức năng, NTD cần tỉnh táo để tránh tiền mất, tật mang. 
Thực phẩm chức năng rao bán trên sàn thương mại điện tử
Thực phẩm chức năng rao bán trên sàn thương mại điện tử

Thời gian qua, với sự phát triển mạnh mẽ của mạng internet cũng như thương mại điện tử, NTD dễ dàng tìm kiếm khi mua thực phẩm chức năng.

Trên nhiều phương tiện truyền thông, nhất là các mạng xã hội như Zalo, Facebook, YouTube… hình ảnh các loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung dinh dưỡng, tăng chiều cao, trị Covid-19… được quảng cáo như thuốc chữa bệnh, với nhiều mức giá khác nhau.

Cụ thể, chỉ cần tìm kiếm thông tin “sản phẩm tăng đề kháng” trên Google hay trên sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội đã cho ra hàng loạt địa chỉ bán sản phẩm tăng đề kháng có xuất xứ cả trong và ngoài nước.

Điểm chung của những sản phẩm này là được diễn viên, ca sĩ, thậm chí cả nghệ sĩ nổi tiếng quảng cáo; không ít đã “thần dược hóa” công dụng của sản phẩm nhưng nhiều NTD không tìm hiểu kỹ đã vội mua.

Trước thực trạng này, các cơ quan chức năng đã liên tục kiểm tra và xử phạt những cơ sở buôn bán, kinh doanh thực phẩm chức năng không uy tín, không đúng nội dung quảng cáo nhằm lừa đảo NTD.

Theo đó, trong 2 năm 2020-2021, các cơ quan chức năng đã phạt hành chính khoảng 3,9 tỷ đồng, buộc gỡ bỏ nhiều gian hàng và hàng trăm sản phẩm vi phạm trên sàn giao dịch điện tử. 

Mới đây nhất, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã “tuýt còi” Công ty TNHH Thương mại HAND Việt Nam (tầng 8B, số 252 đường Lê Trọng Tấn, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội) về việc quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe dạ dày Tâm Vị không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung; quảng cáo gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; quảng cáo không có khuyến cáo “Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.

Công ty đã bị xử phạt 110 triệu đồng và buộc tháo gỡ nội dung quảng cáo, cải chính thông tin theo quy định. Ngoài ra, với hành vi dàn dựng clip giả mạo bác sĩ quân y nhằm quảng cáo sản phẩm này, Cục An toàn thực phẩm cũng đề nghị cơ quan công an điều tra, xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.

Cuối tháng 3, Bộ Y tế cũng có công văn gửi các bộ ngành, địa phương về việc tăng cường phối hợp quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Theo đó, đề nghị Bộ TT-TT xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân phát hành quảng cáo sai sự thật, quảng cáo chưa có thẩm định của cơ quan chuyên môn hoặc không đúng với nội dung thẩm định.

Có biện pháp xử lý mạnh với các trang mạng xã hội như: Facebook, Tiktok, Twitter..., các nền tảng quảng cáo trên Google ads như: Youtube, Coccoc, Chrome… yêu cầu tuân thủ pháp luật của Việt Nam về quảng cáo.

Ngành y tế cũng khuyến cáo NTD rằng không có bất kỳ loại thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe nào chữa được bệnh hoàn toàn; cũng không có bất kỳ thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe nào được phép ghi công dụng “điều trị bệnh”.

Thực chất, các loại thực phẩm chức năng chỉ có tác dụng hỗ trợ, không thể thay thế thuốc. Do đó, NTD cần tỉnh táo trước thông tin quảng cáo sai sự thật để tránh tiền mất, tật mang khi mua thực phẩm chức năng trên các trang mạng xã hội.

Tin cùng chuyên mục