Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa thu hoạch rộ là một số mặt hàng nông sản dội chợ, tuột giá vì sản lượng lớn, đầu ra bấp bênh. Dưa hấu miền Trung, hành tím Sóc Trăng, hành tây Đà Lạt, khoai lang miền Tây… đang trong cảnh ngộ này.
Là quốc gia nông nghiệp, nhưng công nghệ sản xuất, chế biến và bảo quản nông sản Việt Nam gần như là con số 0, bao nhiêu năm qua nông dân vẫn tự bơi. Từ lúa gạo, thủy sản đến rau quả, chăn nuôi, hầu như nông dân chỉ bán thô. Các doanh nghiệp nông nghiệp, nếu có, cũng chỉ là một dạng “thương lái cấp cao”, mua đi bán lại là chính. Số doanh nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu chỉ đếm trên đầu ngón tay. Mối liên kết, hợp tác giữa khoa học công nghệ và nông nghiệp vô cùng lỏng lẻo. Vì thế, nông dân phải chịu thiệt thòi do hàng hóa nông sản chỉ có thời gian tiêu thụ ngắn, nhất là các mặt hàng rau củ quả.
Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, cả nước hiện có 33.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. 90% có số vốn dưới 10 tỷ đồng. Đầu tư của doanh nghiệp dành cho đổi mới và nghiên cứu khoa học công nghệ chiếm tỷ lệ nhỏ. Bên cạnh đó, trong số 350 doanh nghiệp có tiềm năng phát triển thành doanh nghiệp khoa học công nghệ, chỉ có 28 doanh nghiệp (8%) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhìn chung, trình độ khoa học nông nghiệp trong nhiều lĩnh vực của nước ta còn thấp và chậm phát triển, có khoảng cách xa so với thế giới và khu vực, chưa đáp ứng được yêu cầu.
Đặc biệt, chưa làm chủ được công nghệ tạo giống, vaccine, chế phẩm sinh học trong phòng chống dịch bệnh… Ngoài ra, công tác nghiên cứu còn phân tán, thiếu tính đột phá và ứng dụng không cao. Các công trình nghiên cứu cơ bản có chất lượng thấp, số lượng công bố quốc tế của Việt Nam không bằng 1/3 Thái Lan, 1/4 của Malaysia và 1/6 Singapore. Nhiều công trình nghiên cứu không đi đến kết quả ứng dụng trong thực tiễn sản xuất.
Tại lễ hội dừa Bến Tre vừa qua, không ít khách tham quan… ngỡ ngàng khi nhìn thấy một số doanh nghiệp chào bán dầu dừa và một số mặt hàng thực phẩm, mỹ phẩm chế biến từ dừa có bao bì, quy chuẩn sản xuất hiện đại. Theo tâm sự của chủ doanh nghiệp các mặt hàng này, để việc ứng dụng thành tựu nghiên cứu sản xuất thực phẩm, mỹ phẩm đưa ra thị trường, bà phải mất hơn 10 năm, tốn phí tiền của, công sức, mồ hôi nước mắt, không thể tính nổi.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp ở ĐBSCL rất chật vật trong việc nâng chất hàng hóa, sản phẩm. Cơ sở muối sấy Ngọc Yến ở huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) chuyên làm muối ớt sấy là một ví dụ. Họ phải tự chế ra máy xay ớt, hiện thời khó khăn lớn nhất là cần chiếc máy sấy muối ướt, nhưng đặt hàng nhiều xưởng cơ khí chưa ai làm được.
Cơ sở bánh hạnh nhân Tiến Anh ở An Giang muốn tìm máy làm bánh hạnh nhân hình bông mai nhưng không nơi nào đáp ứng vì chất liệu bột khá đặc biệt, cơ sở phải mày mò tự làm, mất mấy năm mới tạm ổn. Công ty bột thực phẩm Bích Chi (Đồng Tháp) đã làm ra miến ăn liền từ khoai lang, xuất được qua Mỹ, Hàn Quốc và bán chạy trong nước, nhưng đến giờ vẫn phải mua bột khoai lang của các nhà máy Hàn Quốc ở Bình Dương. Oái ăm thay, các nhà máy này đi mua khoai nguyên liệu từ Đồng Tháp, Vĩnh Long về chế biến!
Có thể kể ra hàng loạt trường hợp nhà nông doanh nghiệp nông thôn phải tự xoay xở để bán sản phẩm của mình, cho thấy “cơn đói” công nghệ chế biến hàng nông sản nước ta hiện nay là rất trầm trọng. Để tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh của nông sản, ngoài các giải pháp then chốt về đổi mới phương thức kinh doanh, cần có sự chung tay góp sức của rất nhiều cơ quan, ban ngành chức năng; cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành liên quan trong việc nâng chất sản phẩm nông nghiệp.
Mặt khác, để tránh việc sản xuất rồi bán như cho hoặc đổ bỏ, cần chú trọng định hướng từ sản xuất đến thị trường tiêu thụ nội địa cũng như xuất khẩu; nghiên cứu, áp dụng kinh nghiệm thành công của một số nước trong việc tổ chức sản xuất và tiêu thụ nông sản, từ đó đề xuất mô hình kinh doanh nông sản nước ta một cách hiệu quả. Vấn đề then chốt là phải có chiến lược phát triển đúng đắn chứ không chỉ loay hoay các giải pháp tình thế như tạm trữ, phát động tiêu thụ giúp… như thời gian qua!
TRẦN MINH TRƯỜNG