Tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KHCN công lập: Khó khăn không ít

Từ năm 2005, khi Nghị định 115 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức khoa học và công nghệ (KHCN) công lập được ban hành, Đại học Quốc gia TPHCM là một trong nhiều đơn vị tiêu biểu có sự chuyển biến tốt trong công tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ song khó khăn không phải là ít.
Tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KHCN công lập: Khó khăn không ít

Từ năm 2005, khi Nghị định 115 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức khoa học và công nghệ (KHCN) công lập được ban hành, Đại học Quốc gia TPHCM là một trong nhiều đơn vị tiêu biểu có sự chuyển biến tốt trong công tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ song khó khăn không phải là ít.

Hiệu quả ứng dụng thực tiễn

Từ khi Nghị định 115 được áp dụng, Đại học Quốc gia TPHCM (ĐHQG TPHCM) nhanh chóng triển khai về các tổ chức KHCN trực thuộc và các trường ĐH trong hệ thống ĐHQG TPHCM. Gần như sau đó, tất cả các viện, trung tâm đã tham gia chuyển đổi theo tinh thần của nghị định. PGS-TS Nguyễn Thanh Nam, Phó trưởng ban KHCN, ĐHQG TPHCM, cho rằng, sở dĩ có sự chuyển đổi nhanh như vậy là do các tổ chức KHCN trên từ lâu đã hoạt động trên cơ chế tự thu, tự chi. Cho nên, sự chuyển đổi chỉ mang ý nghĩa hình thức. Thế nhưng, chính sự thông thoáng về hành lang pháp lý sau khi chuyển đổi, các tổ chức KHCN tự chủ về cơ chế pháp nhân nên hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ được các tổ chức trên đẩy mạnh.

Trong 3 năm 2009-2011, các đơn vị KHCN trong ĐHQG TPHCM đã thực hiện ký kết tổng cộng 2.976 hợp đồng chuyển giao công nghệ với tổng doanh thu quyết toán hơn 370 tỷ đồng. So với giai đoạn 2001- 2005, doanh thu từ các hợp đồng chuyển giao công nghệ trong 5 năm 2006-2010 tăng 1,46 lần. Đáng chú ý, ngoài các đề tài đăng ký hàng năm, hoạt động chuyển giao công nghệ với các tỉnh lân cận chiếm tỷ lệ không hề nhỏ. Nhiều đề tài về sinh học, CNTT, chip xử lý, máy công nghiệp… không chỉ mang về doanh thu lớn mà còn tạo được dấu ấn trong giới KHCN cả nước.

Sinh viên khoa Sinh Trường ĐH KHTN TPHCM thực tập trong phòng thí nghiệm Hóa hữu cơ. Ảnh: MAI HẢI

Sinh viên khoa Sinh Trường ĐH KHTN TPHCM thực tập trong phòng thí nghiệm Hóa hữu cơ. Ảnh: MAI HẢI

Trong số 24 đơn vị trực thuộc đã thực hiện chuyển đổi, Trung tâm Nghiên cứu công nghệ và thiết bị công nghiệp (Trường ĐH Bách khoa TPHCM) là đơn vị có số lượng hợp đồng chuyển giao công nghệ nhiều nhất với hơn 320 hợp đồng trong giai đoạn 2009-2011, đạt doanh thu hơn 152 tỷ đồng. Đặc biệt, nhiều đề tài của các thầy cô trong trường đã được trung tâm phát triển và đưa vào thực tiễn cuộc sống, phục vụ xã hội như “Đánh giá độ rủi ro động đất TPHCM trên cơ sở sử dụng GIS và các mô hình tính toán”; hay đề tài “Thiết kế dự án tổng thể năng lượng sạch và chiếu sáng cho quần đảo Trường Sa”. Trung tâm Nghiên cứu đào tạo và thiết kế vi mạng (ICDREC) với các sản phẩm công nghệ cao như chip VN8-01, VN 16-32 cũng đã đoạt nhiều giải thưởng lớn về KHCN trong nước.

Nhiều khó khăn

Tuy nhiên, PGS-TS Nguyễn Thanh Nam cũng nhìn nhận các nghiên cứu khoa học trong nhà trường phần lớn chưa cho ra các sản phẩm hoàn thiện, chỉ dừng lại những kết quả ban đầu. Trong khi đó, với sự đặt hàng từ các doanh nghiệp bên ngoài, các đơn vị KHCN chỉ làm tốt vai trò là nhà cung cấp dịch vụ. Các nghiên cứu không có tính phổ quát hoặc bị mất dần chủ sở hữu, bản thân ĐHQG TPHCM cũng khó kiểm soát các tài sản trí tuệ trên. Chính vì thế, từ năm 2011, ĐHQG TPHCM thành lập Trung tâm Sở hữu trí tuệ nhằm mục đích xác định quyền sở hữu các sản phẩm nghiên cứu, đồng thời đánh giá đúng giá trị của các nghiên cứu khoa học. Một khi xác định được quyền sở hữu, giá trị các sản phẩm và doanh thu từ chuyển giao công nghệ sẽ lớn hơn rất nhiều.

Song thực tế hiện nay, các đơn vị vẫn còn gặp nhiều khó khăn, lớn nhất vẫn là nguồn kinh phí phát triển sản phẩm. Th.S Ngô Võ Kế Thành, Trung tâm ICDREC, cho biết: “Đa phần các sản phẩm nghiên cứu còn ở dạng thô. Muốn nâng cấp sản phẩm để dễ thương mại hóa thì đòi hỏi phải có nguồn vốn đầu tư trực tiếp. Tuy nhiên, việc xin tài trợ tiếp tục tốn khá nhiều thời gian và thủ tục, làm mất đi tính “hot” trên thị trường”. Lãnh đạo Ban KHCN khẳng định luôn băn khoăn với nỗi lo kinh phí hỗ trợ. Ban KHCN cũng đã tính đến việc thành lập Quỹ nghiên cứu phát triển nhằm hỗ trợ nhanh chóng các đề tài khả thi, nhưng hiện vẫn vấp phải một số vướng mắc về cơ chế tài chính.

Tuy vậy, để Nghị định 115 mang lại hiệu quả lớn hơn nữa, Ban KHCN ĐHQG TPHCM tiếp tục định hướng tăng hàm lượng chất xám trong các nghiên cứu, giảm dần các nghiên cứu mang tính dịch vụ. “Chúng tôi vẫn để các tổ chức KHCN thực hiện chuyển giao công nghệ theo kiểu dịch vụ để có thêm nguồn thu nhập; ngoài ra, các tổ chức này cũng phải thực hiện việc điều tra thị trường và đề xuất các hướng nghiên cứu theo nhu cầu của xã hội, có hàm lượng chất xám cao. Bản thân ĐHQG TPHCM cũng sẽ thường xuyên đặt hàng các đề tài nghiên cứu công nghệ cao, để đến khi thị trường cần đến, các đơn vị này có thể đáp ứng kịp thời” - PGS-TS Nguyễn Thanh Nam chia sẻ.

Tường Hân

Tin cùng chuyên mục