Tự chủ và tự do sáng tạo

Trên con đường đổi mới và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nền văn hóa - văn nghệ của chúng ta vừa có thêm những cơ hội mới nhưng cũng phải đương đầu với nhiều thách thức mới. Gian nan nhất chính là cuộc lột xác, tự đổi mới bản thân mình để vươn lên xứng tầm với dân tộc và thời đại mà không bị lạc đường, chệch hướng, trong diễn biến phức tạp khôn lường từng ngày, từng giờ của cơ chế thị trường.

Có thể nói, không chỉ các cấp quản lý, các địa phương, các ngành mà ngay cả các cộng đồng, thậm chí ngay trong từng gia đình còn chưa thực sự quan tâm, chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của văn hóa nói chung và của văn học, nghệ thuật nói riêng. Chỉ đến khi chúng ta nhận ra con cháu ta say mê xem phim, nghe nhạc Hàn Quốc hơn là phim, nhạc Việt Nam; thích đọc truyện tranh Nhật Bản hơn truyện cổ tích Việt Nam; bật tivi lên bất kỳ giờ nào cũng thấy nhiều phim và nhạc nước ngoài hơn phim, nhạc Việt; đến các thành phố lớn thì nhan nhản những tòa nhà và khu mua sắm mang tên nước ngoài thay vì tiếng Việt... lúc đó chúng ta mới bàng hoàng nhận ra những nguy cơ... bất an cho văn hóa nước nhà, với những biểu hiện đáng báo động.

Chúng ta chưa có cơ chế phù hợp và hữu hiệu để đưa các chủ trương của Đảng, chiến lược và chính sách của Nhà nước vào cuộc sống. Cái chúng ta đang thiếu là cơ chế hiệu quả, đủ mạnh, có năng lực thích ứng cao với sự biến đổi toàn cầu và với cơ chế thị trường, phù hợp với yêu cầu của từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương. Thay vào đó, cơ chế đang thực tế chi phối sự vận hành của nền văn học, nghệ thuật nước nhà vừa mang nặng dấu ấn, tàn tích của chế độ tập trung, quan liêu, bao cấp cũ, vừa lai tạp những yếu tố tự phát kiểu “bàn tay vô hình” của kinh tế thị trường, khiến các nỗ lực đổi mới đều trở nên nửa vời, kém hiệu quả, thậm chí lệch chuẩn, lạc hướng. Văn học, nghệ thuật vừa bị kiểm soát quá chặt chẽ, vừa bị thả nổi, thiếu trách nhiệm từ khâu quản lý, vừa bị “điều hành” bởi đồng tiền, nên suy cho cùng văn học, nghệ thuật chưa tự chủ đi bằng đôi chân vững vàng của mình trên con đường tự do sáng tạo.

Thêm nữa, nguồn lực đầu tư cho sự nghiệp phát triển văn hóa nói chung, cho văn học, nghệ thuật nói riêng còn rất thấp. Có thể thấy rõ là phần đông đội ngũ văn nghệ sĩ vẫn còn thụ động và thiếu khát vọng, chưa dấn thân và chưa theo kịp sự biến đổi của thực tiễn ở trong nước và trên thế giới. Những nhân tài, sáng kiến, sáng tạo tâm huyết và táo bạo xuất phát từ chính đội ngũ của chúng ta còn đang rất thiếu vắng. 

Rõ ràng, cần đặt toàn bộ sự nghiệp phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam vào trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa quốc gia. Có thể khẳng định chắc chắn, rằng công nghiệp văn hóa, mà giờ đây bao gồm cả công nghiệp sáng tạo, chính là phương thức tồn tại và phát triển chủ yếu nhất của toàn bộ nền văn học, nghệ thuật trong điều kiện kinh tế thị trường, toàn cầu hóa và cách mạng 4.0. Dẫu còn có những ý kiến khác nhau về “tính hai mặt” của công nghiệp văn hóa thì phát triển công nghiệp văn hóa là lựa chọn tất yếu, không thể từ nan của tất cả các quốc gia, dân tộc. 

Đương nhiên, công nghiệp văn hóa là một phần của kinh tế thị trường và nguyên tắc số một là phải tuân thủ quy luật của kinh tế thị trường. Chỉ có làm như vậy, đưa đời sống văn học, nghệ thuật dấn sâu vào kinh tế thị trường, chịu sự sàng lọc, cạnh tranh của kinh tế thị trường thì chúng ta mới có thể mang lại đời sống mới, sức sống mới cho văn học, nghệ thuật, làm cho văn học, nghệ thuật thực sự “vị nhân sinh”, sống trong đời sống và nói tiếng nói của cuộc sống.

Và không bao giờ được quên rằng nền kinh tế thị trường ở Việt Nam là “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” và nền văn hóa Việt Nam phải đảm bảo tính tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Điều đó có nghĩa, không được phép thả nổi toàn bộ lĩnh vực công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo cho sự điều tiết tự phát của kinh tế thị trường theo nguyên tắc “bàn tay vô hình”. 

Mặt khác, cũng cần nghiên cứu để có những giải pháp có tính chất nguyên tắc để bảo vệ người đọc, người nghe, người xem, người hưởng thụ trước những sản phẩm văn chương, nghệ thuật không phù hợp, độc hại, nhất là những sản phẩm nhập ngoại. Phải có biện pháp bảo vệ và phát triển thị trường quốc nội, tức là bảo vệ “đất sống bản bộ” cho văn học, nghệ thuật Việt Nam.

Suy cho cùng, mọi thành công hay yếu kém, thất bại của nền văn học, nghệ thuật nước nhà ngày nay đều khởi đầu từ con người, do đội ngũ văn nghệ sĩ mà ra. Tài năng và năng khiếu của văn nghệ sĩ cần được phát hiện sớm, được chăm lo đào tạo, bồi dưỡng bài bản và chu đáo, rồi lại phải được bảo vệ, tôi luyện và trọng dụng trong môi trường thuận lợi thì mới phát huy được và mang lại lợi ích cùng những giá trị chân -  thiện - mỹ cho xã hội. 

Tin cùng chuyên mục