Khai thác mỏ bạc ở biển khơi
Việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên biển Đông đã thổi bùng lên lòng yêu nước sôi sục trong trái tim người con đất Việt. Mỗi người thể hiện lòng yêu nước khác nhau, nhưng khi một đại gia địa ốc tại TPHCM trình Chính phủ đề án đánh bắt cá trên biển Đông với đội tàu 100 chiếc, 2 máy bay trực thăng phục vụ hậu cần đã minh chứng “vùng trắng” của kinh tế biển nước ta...
Tham vọng chưa từng có
Trong đề án trình Chính phủ, ông Phạm Ngọc Lâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đức Khải (Công ty Đức Khải) đề xuất mua 100 tàu cá, 2 máy bay trực thăng cùng 2 ụ nổi để bám biển. Tổng vốn đầu tư của toàn bộ dự án là 1.500 tỷ đồng, theo cơ chế 30% vốn tự có, 70% vay với lãi suất ưu đãi theo chính sách của nhà nước. Trong đó, 95 chiếc tàu có công suất từ 500-1.500 mã lực, chuyên dụng đánh bắt, khai thác, bình quân 10 tỷ đồng/chiếc; 5 chiếc tàu phục vụ hậu cần và công tác cứu hộ, cứu nạn có công suất 1.500 mã lực; 2 trực thăng chủ yếu phục vụ công tác hậu cần và cứu hộ, cứu nạn. Các tàu này đã qua sử dụng, chủ yếu nhập khẩu từ Nhật Bản và Hàn Quốc, thời gian sử dụng còn lại khoảng 30-40 năm, vỏ tàu bằng vật liệu nhôm, composite tổng hợp hoặc sợi thủy tinh, sắt hoặc thép. Số tàu sẽ được phân bổ chủ yếu ở 5 địa phương Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi và Đà Nẵng. Tàu được trang bị đầy đủ công cụ, ngư cụ hiện đại chuyên dụng đánh bắt, khai thác thủy hải sản như máy tìm luồng cá, thiết bị ướp lạnh... Hai ụ nổi có chức năng trung tâm cung cấp hậu cần sơ bộ cho các thuyền đánh bắt cá với khoảng cách không quá 60 hải lý. Cũng từ đây, hải sản đánh bắt sẽ được chuyển sang tàu hậu cần chở vào đất liền hoặc xuất khẩu trực tiếp. Hai máy bay trực thăng, thuộc quản lý của quân đội, chỉ sử dụng cứu hộ ngay khi tàu bị tai nạn, ngư dân bị bệnh... Tiếp đó, công ty sẽ xây dựng nhà máy chế biến, sản xuất, xuất khẩu thủy hải sản.
Cái khó nhất là ngư dân tham gia đội tàu. Bởi lẽ, lâu nay ngư dân đánh cá trên biển, nếu mất mùa bị đói, còn trúng mùa thì lên bờ “ăn chơi thả ga”, đến khi hết tiền mới đi biển lại. Đề án của Công ty Đức Khải giải quyết bằng cách sẽ tuyển dụng ngư dân cơ bản là người địa phương, mỗi năm có 4 tháng nghỉ ngơi. Một kênh bài bản hơn được đề án này nhắm tới là phối hợp với đoàn thanh niên địa phương để tuyển dụng, đào tạo lao động. Tuy nhiên, ông Lâm cho biết, sự gắn kết chính là bảo đảm quyền lợi cho ngư dân. Theo đó, việc đi biển lâu nay giữa chủ tàu và ngư dân chia nhau tỷ lệ 50/50, tuy nhiên chủ tàu được nhận phần trước khi trừ chi phí chuyến đi, còn ngư dân phải chịu tổn phí. Công ty Đức Khải sẽ chia theo tỷ lệ ngược lại, sau khi trừ hết chi phí, ngư dân được 65%, trích 1% cho cơ quan kiểm ngư, còn lại thuộc về công ty. Chưa hết, đến năm thứ 6, có thể ngư dân sẽ bắt đầu mua cổ phần để làm chủ chiếc tàu của mình. Đặc biệt, công ty sẽ có quỹ lương nhằm hỗ trợ ngư dân khi “biển đói”.
Ông Lâm khẳng định: “Chủ trương này đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua. Đề án đã trình Chính phủ. Trong khi chờ phê duyệt, chúng tôi đã ký hợp đồng nguyên tắc với đối tác Hàn Quốc và Nhật Bản, nếu không có gì thay đổi, trong vòng một tháng sẽ có 12 chiếc tàu về trước”. Một tin vui đối với chương trình này là đối tác Nhật Bản đã chủ động liên hệ với Công ty Đức Khải và ký cam kết bao tiêu toàn bộ cá ngừ đại dương do công ty đánh bắt được.
Vùng trắng kinh tế biển
Vì sao Công ty Đức Khải tung đề án bám biển hoành tráng trong bối cảnh nóng bỏng biển Đông; tiền ở đâu để thực hiện, trong khi nền kinh tế còn rất khó khăn, mới vừa qua đáy khủng hoảng? Cũng từ đây nảy sinh hồ nghi, có phải Công ty Đức Khải đang đánh bóng tên tuổi bằng chiêu thức “vô tiền khoáng hậu”?
Ở đây, chúng tôi chỉ soi rọi câu chuyện đơn thuần về kinh tế. Toàn bộ sự ồn ào của dư luận, chúng tôi đã đặt lên bàn của ông Lâm. Ông Lâm ví von: “Cứ so sánh như thế này, tài nguyên của mình có trong đất liền và biển khơi. Trong đất liền, người khai thác mỏ titan, người khai thác quặng sắt, đào vàng, than... nhưng rõ ràng không phải ai cũng thành công, mà hệ lụy để lại cho môi trường và xã hội vô cùng lớn, con cháu chúng ta phải gánh chịu. Bây giờ làm địa ốc, một nghề khá hấp dẫn trước đây, cũng không còn lợi nhuận, hàng tồn kho không bán được, mỗi ngày phải trả lãi suất bằng giá cả căn hộ thì cũng như thất bại. Vậy “bám biển” cũng là làm ăn kinh tế, khai thác mỏ bạc ở biển khơi mà cách làm lâu nay manh mún, Công ty Đức Khải sẽ tổ chức quy củ hơn, hiện đại hơn, thì làm sao không thắng được? Còn hỏi về biển, biết gì mà làm, vậy chúng tôi trước kia làm xe hơi, xăng dầu, vậy biết gì về địa ốc mà chúng tôi đã xây dựng gần 5.000 căn hộ và bán sạch trong bối cảnh thị trường đóng băng?”.
Khi trao đổi với chúng tôi, ông Lâm cầm tờ báo có bức ảnh tàu vỏ sắt đầu tiên của ngư dân và nhận xét điều đó thể hiện tính thô sơ trong bám biển của ngư dân lâu nay. Ông nói về hàng loạt sự khác biệt, hay sự vượt trội mà Công ty Đức Khải có được khi đầu tư đội tàu này: “Hiện tại cơ bản tàu đánh cá của ngư dân chưa gọi là tàu mà chủ yếu là ghe cá, vỏ gỗ, công suất rất thấp, rất ít tàu có thể chạy quá 8 hải lý/giờ; còn tàu của Công ty Đức Khải có giá trị đầu tư gấp nhiều lần, có công suất lớn, chạy nhanh hơn so với tàu của ngư dân hiện nay. Công ty Đức Khải có ụ nổi và tàu vận chuyển nên hạn chế rất nhiều việc phải chạy ra vào đất liền để giao hàng cũng như tiếp tế nhiên liệu; đặc biệt đối với hàng xuất khẩu, công ty sẽ xuất trực tiếp trên biển, do đó sẽ tiết kiệm dầu rất lớn. Tàu được trang bị công nghệ hiện đại nên việc tầm ngư, đánh bắt sẽ hiệu quả hơn, đặc biệt khâu ướp hải sản sẽ bảo quản tươi ngon chứ không phải ướp đá đơn thuần như truyền thống”.
Trao đổi với ông Lâm, chúng tôi bùi ngùi nhớ lại loạt bài Kinh tế biển Việt Nam vươn ra biển lớn, đăng trên Báo SGGP năm 2007 (loạt bài đoạt Giải Báo chí quốc gia năm 2008 - PV). Với lợi thế bờ biển trải dài dọc từ Bắc chí Nam, trung ương có hẳn một nghị quyết về phát triển kinh tế biển, vậy mà cũng chỉ loay hoay hút dầu, đánh bắt thủy hải sản ven bờ, vận chuyển ì ạch, cảng biển cũng manh mún... Còn lại, rất nhiều nguồn lợi từ biển rơi vào tay nước ngoài! Chỉ mới đây, hôm 9-6, Quốc hội chính thức nhấn nút thông qua gói 16.000 tỷ đồng hỗ trợ ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ, đóng tàu và trang thiết bị cho cảnh sát biển, lực lượng kiểm ngư. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước sẽ cho ngư dân vay 10 tỷ đồng với lãi suất thấp 3%/năm để đóng tàu cỡ lớn, phục vụ đánh bắt xa bờ.
Đầu tư khai thác thế mạnh từ biển bắt đầu khởi động, “nổ phát súng” đầu tiên gây chấn động có lẽ là ông Phạm Ngọc Lâm. Nhưng làm sao để khai thác được tiềm năng của biển, làm giàu từ biển, để dân giàu nước mạnh, chắc chắn phải có giải pháp tổng thể, có một nhạc trưởng chứ không đơn thuần tự phát, hoặc manh mún.
Lương Thiện