Từ điểm nóng giao thông Cát Lái (quận 2, TPHCM): Thử đi tìm lời giải

Tình trạng ùn ứ, dẫn đến kẹt xe ở khu vực Cát Lái, quận 2 TPHCM xảy ra rất thường xuyên. Mới đây nhất, vào ngày 9-5, giao thông ở đây đã kẹt cứng gần 10 giờ. Vậy giải pháp nào để xử lý tình trạng ùn tắc giao thông ở Cát Lái?
Từ điểm nóng giao thông Cát Lái (quận 2, TPHCM): Thử đi tìm lời giải

Tình trạng ùn ứ, dẫn đến kẹt xe ở khu vực Cát Lái, quận 2 TPHCM xảy ra rất thường xuyên. Mới đây nhất, vào ngày 9-5, giao thông ở đây đã kẹt cứng gần 10 giờ. Vậy giải pháp nào để xử lý tình trạng ùn tắc giao thông ở Cát Lái?

Mở thêm đường, thêm nút giao thông

Những năm gần đây, TPHCM đã đầu tư rất nhiều cho hệ thống giao thông ở khu vực Cát Lái. Trong đó có dự án cải tạo và mở rộng liên tỉnh lộ 25B, xây dựng cầu Giồng Ông Tố, cầu Mỹ Thủy trị giá hơn 612 tỷ đồng hoàn thành vào năm 2010. Trước đó là dự án mở rộng xa lộ Hà Nội, xây mới cầu Rạch Chiếc, đường Mai Chí Thọ (thuộc dự án xây dựng đại lộ Đông - Tây)… để phục vụ và hỗ trợ cho nhu cầu giao thông ở Cát Lái. Ngoài ra, TPHCM còn đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng xây cầu Phú Mỹ, đường nối cầu Phú Mỹ với xa lộ Hà Nội… Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực này, giao thông tại khu vực Cát Lái vẫn diễn biến phức tạp.

Sự tăng trưởng mạnh với lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển ở khu vực Cát Lái ngày một nhiều, trở thành điểm son trong phát triển kinh tế của TPHCM, song lại là gánh nặng cho hệ thống hạ tầng giao thông nơi đây. Trung bình mỗi ngày có hàng chục ngàn xe container, xe tải các loại lưu thông qua khu vực này để nhận và giao hàng. Đó là chưa kể hàng chục ngàn xe khách, xe du lịch, xe gắn máy 2 bánh… qua lại, bởi khu vực Cát Lái gần như nằm gọn trong cửa ngõ phía Đông của thành phố, nơi kết nối TPHCM với các tỉnh miền Đông Nam bộ, miền Trung và miền Bắc…

Để xử lý vấn nạn ùn ứ giao thông ở đây, theo ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM, sở đã có kế hoạch đầu tư, xây dựng ngay một nút giao thông khác mức tại giao lộ Mỹ Thủy - nằm gần Tân Cảng - Cát Lái, nhằm tránh tình trạng xe phải chờ nhau qua giao lộ, dễ gây ùn ứ. Dự kiến công trình sẽ được khởi công trong năm nay và hoàn thành vào năm sau. Song song đó, cũng khởi công xây dựng một đoạn trên đường Vành đai 2 kết nối với xa lộ Hà Nội để chia tải cho hệ thống đường hiện hữu. Hai đoạn tuyến còn lại của đường Vành đai 2 sẽ xúc tiến tìm nhà đầu tư với mục tiêu đến năm 2018 phải hình thành. Còn trước mắt, cũng theo ông Trần Quang Lâm, đã yêu cầu Tân Cảng - Cát Lái, cảng biển lớn nhất khu vực, rút ngắn thời gian làm thủ tục ra, vào cảng cho xe container, xe tải. Một trong những lý do lớn đưa đến tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài gần 10 giờ vừa qua là xe container, xe tải dừng, chờ làm thủ tục vào cảng, cản lối không cho các xe khác lưu thông. Bên cạnh đó, TPHCM đã có kế hoạch di dời hệ thống cảng cạn ở khu vực Trường Thọ, xa lộ Hà Nội, gần Cát Lái về quận 9, nhằm giảm áp lực giao thông cho khu vực này. 

“Hòn đá to… chỉ một người, nhấc không đặng…”

Trước khi trả lời chúng tôi về giải pháp xử lý tình trạng ùn tắc giao thông ở khu vực Cát Lái, một chuyên gia về quy hoạch đô thị (xin được giấu tên) đã dí dỏm đọc mấy câu thơ đầu trong bài thơ Hòn đá của Bác Hồ. “Hòn đá to/Hòn đá nặng/Chỉ một người/Nhấc không đặng…”.

Giải thích cho “lời dẫn” của mình, chuyên gia này nói, một trong những nguyên nhân gây ùn tắc giao thông ở khu vực Cát Lái ngày 9-5 vừa qua là do nghỉ lễ 30-4 và 1-5, hàng hóa dồn ở cảng. Hết lễ, xe tăng cường vào lấy hàng…, thế là đường quá tải và dẫn đến ùn tắc giao thông.

Ùn ứ giao thông trên đường Nguyễn Thị Định, quận 2. Ảnh: CAO THĂNG

Những năm gần đây, cụm cảng biển TPHCM không còn đứng đầu về tốc độ tăng trưởng so với các cụm cảng biển ở nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước, nhưng mức tăng vẫn giữ ở “hai con số”, cụ thể năm 2014 tăng 14,8% so với năm 2013… Mức tăng này “cũng đủ” gia tăng áp lực ngày một lớn lên hệ thống giao thông ở khu vực Cát Lái. “Trong bối cảnh ấy, những dự án giao thông mà TPHCM dự định triển khai trong thời gian tới nhằm cải thiện tình hình ùn tắc giao thông ở Cát Lái sẽ khó có tác dụng dài lâu, chưa nói đến căn cơ. Liệu thành phố có đủ sức “chạy đua” làm đường với tốc độ tăng trưởng của các cảng biển? Chưa kể, nếu dồn sức quá nhiều cho hệ thống hạ tầng phục vụ các cảng biển thì đến lúc nào đó sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận chung của toàn xã hội. Lợi nhuận của hệ thống cảng biển chắc chắn sẽ bị thu hẹp sau khi trừ hết các chi phí hỗ trợ”, chuyên gia này phân tích.

Cũng ở góc độ quy hoạch, kiến trúc sư Ngô Quang Hùng, Viện phó Viện Quy hoạch Xây dựng miền Nam (thuộc Bộ Xây dựng, người trực tiếp thực hiện điều chỉnh đồ án quy hoạch xây dựng vùng TPHCM), cho biết, một trong những mục tiêu lớn của đồ án quy hoạch xây dựng vùng TPHCM là điều tiết không gian phát triển, giải quyết các thách thức hiện tại cho cả vùng và cho từng địa phương trong vùng, hướng tới phát triển bền vững, hiệu quả hơn. Theo mục tiêu này, TPHCM sẽ là hạt nhân phát triển của cả vùng, thu hút chất xám, phát triển kinh tế trí thức, các loại hình công nghệ kỹ thuật cao, các trung tâm tài chính… để hỗ trợ cho các địa phương khác cùng phát triển. Ngược lại, sẽ có sự điều chỉnh, di dời một số ngành nghề thu hút đông nhân lực, phương tiện, đòi hỏi mặt bằng sản xuất lớn… từ TPHCM ra các địa phương lân cận nhằm giảm áp lực về hạ tầng kỹ thuật cho thành phố. Dựa vào tinh thần này, nếu có sự điều tiết các ngành nghề một cách hợp lý thì hệ thống hạ tầng nói chung của TPHCM sẽ từng bước giải được bài toán quá tải.

Trong khi đó, hệ thống cảng ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, trong đó có các cảng Cái Mép-Thị Vải, Sao Mai-Bến Đình… với lợi thế tuyến luồng tốt, có thể đón tàu đến 10 vạn DWT sẽ đóng vai trò cửa ngõ quốc tế loại IA. Căn cứ vào các đồ án quy hoạch này, nếu có sự dịch chuyển từng bước dịch vụ cảng phù hợp với năng lực, điều kiện kinh tế, tự nhiên của từng địa phương, không những tình trạng quá tải ở Cát Lái sẽ dần được xử lý mà hệ thống cảng biển ở khu vực TPHCM, Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn. Cũng theo kiến trúc sư Ngô Quang Hùng, vấn đề là hiện nay đường giao thông kết nối đến hệ thống cảng biển ở Bà Rịa-Vũng Tàu vẫn chưa hoàn thiện. Quốc lộ 51 tuy đã được nâng cấp, mở rộng nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Đường cao tốc Bến Lức (Long An) - TPHCM kết nối với đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây còn đang trong quá trình xây dựng. Hàng hóa vì thế vẫn “đổ” về Cát Lái, gây hiện tượng ùn tắc giao thông ở đây.

“Để giải quyết vấn đề này, ngoài nỗ lực của TPHCM, Bộ GTVT phải đẩy nhanh tiến độ kết nối hệ thống hạ tầng giao thông đến hệ thống cảng biển của Bà Rịa-Vũng Tàu, không chỉ đường bộ mà còn phát triển đường thủy, đường sắt...  Sự quá tải về hệ thống hạ tầng giao thông TPHCM giống như “hòn đá to/hòn đá nặng”, nếu chỉ một mình TPHCM “gánh và nhắc” chắc khó thành công. Nếu có “nhiều người” “nhấc, gánh”, chắc chắn sẽ thành công như lời Bác Hồ trong bài thơ Hòn đá”, vị chuyên gia (giấu tên) trên kết luận.

Nguyễn Khoa

Tin cùng chuyên mục