Từ năm 2009 đến nay, tỉnh Hậu Giang chưa có điểm du lịch tiêu biểu theo “chuẩn” xét bình chọn của Hiệp hội Du lịch ĐBSCL. Trong khi đó, nhiều tỉnh thành khác đều có ít nhất một điểm; riêng Bạc Liêu có tới 6 điểm, Kiên Giang 4 điểm… Tuy nhiên, trong con mắt của nhiều chuyên gia trong ngành thì Hậu Giang rất giàu tiềm năng về du lịch.
Ông Lê Phú Dũng, Giám đốc Chi nhánh Miền Tây của Công ty Du lịch Saigontourist, nói: “Rất nhiều nơi ở Hậu Giang còn giữ được cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, rất thích hợp cho loại hình du lịch sinh thái vốn rất thu hút du khách nước ngoài. Với đặc trưng phong cảnh làng quê thuần nông thôn, Hậu Giang có thể tổ chức nhiều tour Homstay, du lịch chợ quê, làng quê…”.
Theo số liệu thống kê năm 2012, toàn tỉnh Hậu Giang chỉ có 285 người phục vụ du lịch, thấp nhất vùng ĐBSCL. Lượng khách du lịch đến Hậu Giang bình quân 100.000 lượt người/năm. Tỉnh chưa có doanh nghiệp chuyên ngành du lịch, chưa có khách sạn 3 sao, chỉ có 100 cơ sở lưu trú (với hơn 1.000 phòng nghỉ); kinh phí ngân sách chi hằng năm cho du lịch 100 triệu đồng/năm…
Những con số cụ thể ấy đã nói lên thực trạng của ngành du lịch Hậu Giang. Đi lên từ con số không, không có nghĩa là du lịch Hậu Giang không có gì. Vần đề quan trọng là Hậu Giang cần có quy hoạch phù hợp dài hạn, với kế hoạch đào tạo nhân lực chuyên ngành bài bản, chính sách hấp dẫn để mời gọi đầu tư, thu hút nguồn lực để phát triển nhanh ngành “công nghiệp không khói” của tỉnh nhà.
Hậu Giang có rất nhiều di tích lịch sử, nhưng thông thường nhu cầu của du khách là an bình thưởng ngoạn, nghỉ ngơi bằng cảm hứng trải nghiệm, khám phá, nhất là du khách ngoại. Cho nên tổ chức tour có thể không cần mời khách nhìn ngắm tượng đài, di tích, nghe thuyết trình lịch sử mà trọng tâm phải là đặc trưng của “đất và người Hậu Giang”.
Được thiên nhiên ưu đãi, Hậu Giang vốn được nhiều người biết tiếng các sản phẩm đặc thù, như: cá thác lác, khóm Cầu Đúc, quýt đường Long Trị, bưởi Năm Roi, bưởi hồ lô Phú Hữu, khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Lung Ngọc Hoàng… nên rất cần có chương trình dài hạn để đầu tư bảo tồn, phát huy và làm gia tăng giá trị, tính hấp dẫn của các sản phẩm du lịch ấy. Ví dụ như Ngã Bảy là địa danh điển hình có tên trong các kỷ yếu du lịch của người Pháp từ những thập niên 1930 - 1940 của thế kỷ trước.
Tuy nhiên, hiện nay khi nhắc đến chợ nổi ở vùng ĐBSCL, đa phần du khách chỉ nhớ tới chợ nổi Cái Răng hoặc chợ nổi Cái Bè. Việc này lãnh đạo tỉnh và ngành du lịch Hậu Giang phải xem lại để quảng bá hình ảnh của Ngã Bảy?
Quốc lộ 1, quốc lộ 61, 61B, kênh xáng Xà No, kênh Quản lộ Phụng Hiệp và hàng vạn cây số đường liên huyện, lộ nông thôn đã được xây dựng mới sau hơn 10 năm chia tách, là hạ tầng cốt yếu để Hậu Giang mở tour, phát triển ngành du lịch. Vấn đề là một “tư duy mới” để đột phá đưa du lịch Hậu Giang tăng tốc, hòa nhập vào sự phát triển của du lịch toàn vùng và cả nước…
NGỌC ĐẶNG