Trong bối cảnh dư luận ít nhiều đang “soi” vào các lễ hội thì Festival Lúa gạo Việt Nam lần 2 tại Sóc Trăng lại được nhìn nhận một cách trân trọng. Hơn 1.000 gian hàng với sự xuất hiện của các “đại gia” trong lĩnh vực xuất khẩu gạo, các công ty sản xuất thiết bị xay xát, vật tư nông nghiệp… đến những nông dân chân đất vùng bán đảo Cà Mau hiện diện một cách hào hứng. Sự hào hứng có lẽ bắt nguồn từ những dấu ấn thắng lợi của sản xuất lúa và xuất khẩu gạo trong năm 2011.
Những thành quả hôm nay bắt nguồn từ những chủ trương khơi thông “dòng chảy” của đất để phát huy nguồn lực từ công sức người nông dân mà ở đó dấu ấn các nhà khoa học rất lớn. Viện Lúa ĐBSCL đã đúc kết: Năng suất lúa bình quân cả nước cuối thế kỷ 19 chỉ khoảng 1 tấn/ha. Đến nay, đạt tới 5 - 6 tấn/ha. Rõ ràng điều kiện sản xuất bao gồm vốn đầu tư đầu vào cho việc đổi mới công nghệ, cũng như cơ chế chính sách đã được cải thiện.
Đó cũng là cơ sở để Việt Nam xuất khẩu trên 80 triệu tấn gạo trong khoảng 2 thập niên qua, chiếm 1/5 lượng gạo hàng hóa trên thị trường thế giới. Việt Nam xuất khẩu từ 4 - 7 triệu tấn gạo/năm, tương đương 18%-25% tổng sản lượng gạo sản xuất ra. Điều quan trọng, an ninh lương thực nói riêng và nông nghiệp nói chung ở Việt Nam đã làm giảm tối thiểu tác hại đến Việt Nam từ khủng hoảng kinh tế thế giới.
Câu hỏi được nhiều chuyên gia đặt ra đối với lúa gạo Việt Nam hiện nay: bao giờ hình thành được chuỗi giá trị lúa gạo hiện đại với kết quả “được - được” cho chủ thể là nông dân! Trước khi giải đáp câu hỏi này cần nhìn nhận những tác động bất lợi cho nông dân. Vấn đề lớn nhất của toàn cầu hiện nay: an ninh lương thực ngày càng tăng, đất ruộng lại thu hẹp do phát triển đô thị, khu công nghiệp và sân golf; biến đổi khí hậu toàn cầu ngày càng phức tạp làm giảm diện tích sản xuất lúa. Nguyên nhân đều không phải nông dân gây ra nhưng họ phải hứng chịu hậu quả sớm nhất, nhiều nhất và nặng nề nhất.
GS-TS Nguyễn Văn Luật, nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, người có hàng chục năm gắn bó với nông dân ĐBSCL đặt ra câu hỏi không ít trăn trở. Làm sao xóa được những mâu thuẫn nội tại trong “chuỗi giá trị nông sản truyền thống” hiện nay: cạnh tranh giữa các chủ thể thường là kết quả “thắng - thua”, phổ biến hướng đến mục tiêu mua rẻ nhất và bán đắt nhất.
Trong kênh cung ứng này, người nông dân thường rơi vào thế yếu, thua thiệt. Giá trị gia tăng từ sản phẩm cuối cùng không có sự phân bổ công bằng giữa các chủ thể, doanh nghiệp xuất khẩu, chế biến với vị trí áp đảo trong chuỗi giá trị sẽ giành lấy lợi ích nhiều nhất. Đối với “chuỗi giá trị nông sản hiện đại”, các thành quả và lợi ích của việc bán sản phẩm cuối cùng được chia sẻ hợp lý; mối quan hệ trong chuỗi được xây dựng dựa trên các mối quan hệ mật thiết theo dạng đối tác và gắn kết chặt chẽ dựa trên chữ tín.
Bộ NN-PTNT đang xây dựng chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp để phát triển hiệu quả, bền vững trước bối cảnh nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, sản xuất nông nghiệp đòi hỏi phải cung cấp sản lượng lương thực nhiều hơn.
Sau thời gian thực hiện liên kết “4 nhà” trong bao tiêu nông sản nhằm giúp nông dân tăng lợi nhuận, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng thừa nhận liên kết này chưa thành công vì không có địa chỉ, cứ nói “nhà nọ, nhà kia”, nhưng lại không thấy nông dân ở đâu, doanh nghiệp ở đâu. Nói là “4 nhà”, nhưng thực chất chỉ có nông dân và doanh nghiệp. Bộ NN-PTNT đã xây dựng một số chính sách hỗ trợ các đối tượng tham gia liên kết tiêu thụ nông sản. Đó là hỗ trợ doanh nghiệp 30% kinh phí nâng cấp, tu sửa hạ tầng vùng sản xuất nguyên liệu.
Việc khoanh vùng lại hai chủ thể chính, nông dân và doanh nghiệp trong chuỗi liên kết sẽ tạo điều kiện để nông dân có lợi nhuận nhiều hơn, hợp lý hơn trong sản xuất lúa, gạo. Nhất là trong bối cảnh ĐBSCL đang nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn, gắn với đầu tư của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Thực hiện tốt mối liên kết này, sẽ giảm được nhiều tầng nấc trung gian trong kênh thu gom lúa gạo gây bất lợi cho nông dân và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng hình thành vùng nguyên liệu ổn định! Khi đó, Festival Lúa gạo Việt Nam sẽ có ý nghĩa hơn!
Cao Phong