Anh hùng LLVTND, Trung tướng Phạm Tuân kể: Tôi vinh dự được tham gia vào giai đoạn chiến tranh chống Mỹ ác liệt những năm 1965 và đỉnh cao là năm 1972, nên được biết, thời gian đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp liên tục đến tận sân bay, các sở chỉ huy, thăm trận địa để rút kinh nghiệm đánh B52 và động viên chiến sĩ. Lần đầu tiên ông được trực tiếp gặp Đại tướng là năm 1973, sau chiến thắng Điện Biên phủ trên không. (Trước đó, ông bắn rơi B52 đêm 27-12-1972, thì sáng ngày 28-12-1972, Đại tướng đã gửi điện chúc mừng bộ đội không quân, cho thấy sự quan tâm, động viên kịp thời của vị lãnh đạo với cấp dưới).
Đại tướng đến trung đoàn làm việc, ngủ qua đêm và gọi ông lên hỏi về chuyện đánh B52. Đại tướng hỏi
rất cặn kẽ việc đánh như thế nào. Đại tướng im lặng không nói và lần lượt nghe các phi công báo cáo chi tiết diễn biến của trận chiến đó và không quên dặn không quân tiếp tục phải sẵn sàng, cảnh giác, tiếp tục đánh và phải đánh thắng. Đại tướng khen ngợi lực lượng phòng không - không quân lập công lớn đánh thắng B52 trên bầu trời Hà Nội. Sự quan tâm đó tác động lớn đến tâm lý của anh em, để mỗi người đều thấy phải cố gắng để đáp lại. Việc Đại tướng gọi các phi công lên để nghe trực tiếp về cách đánh B52 chứ không qua báo cáo, cho thấy rõ phong cách lãnh đạo của vị chỉ huy cấp cao: gần gũi, nắm bắt sát thực tế để chỉ đạo chiến đấu.
Sau này, khi tôi và gia đình sang Liên Xô để tham gia khóa huấn luyện bay vào vũ trụ, mỗi lần Đại tướng đi công tác dừng ở Mátxcơva đều gọi tôi và gia đình ra nói chuyện, cùng ăn, hỏi han công việc tập luyện như thế nào... Lần nào cũng rất ân cần hỏi han rằng chúng tôi có gì cần không, thiếu thốn gì không? Khi đó, dù ở xa quê hương nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận được tình cảm ấm áp như có người cha trong gia đình. Trước khi bay vào vũ trụ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đại diện đoàn Chính phủ Việt Nam sang thăm và dặn dò chúng tôi trước khi lên con tàu. Khi đó, tôi vô cùng xúc động và thành kính khi được trao tặng cho ông, người chỉ huy tối cao một vật phẩm là chiếc gương soi nhỏ được thiết kế dành riêng cho các phi hành gia vũ trụ lúc đó.
Chiến tranh kết thúc, tôi chuyển lên làm ở Bộ Quốc phòng, cũng rất nhiều lần gặp Đại tướng, đặc biệt nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Bộ Quốc phòng và mừng thọ Đại tướng vào năm 2005. Đại tướng là người có trí nhớ rất tuyệt vời! Thời ấy chỉ là Cục Quân giới, là đơn vị nhỏ thuộc Tổng cục Hậu cần chứ không trực thuộc Bộ Quốc phòng, thế mà ông vẫn nhớ và hỏi han từ những vị lãnh đạo đầu tiên của cục giờ ở đâu, sức khỏe ra sao? Dù lúc đó, Đại tướng tuổi rất cao nhưng ông dường như vẫn theo sát mọi hoạt động của ngành. Quan điểm của ông cũng rất rõ ràng khi cho rằng Việt Nam không cần sản xuất máy bay mà nên tập trung sản xuất vũ khí phù hợp với điều kiện kỹ thuật theo phương châm “đi tắt đón đầu”…
Tôi rất tự hào được là lính của Đại tướng.