Từ kinh tế đến chính trị

Cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu bước sang một giai đoạn mới khi có một chính phủ sụp đổ do hậu quả của cuộc khủng hoảng này gây ra. Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou đã phải từ chức sau một thỏa hiệp chia sẻ quyền lực với lực lượng đối lập. Tổng tuyển cử sẽ diễn ra vào năm tới và chính phủ chia sẻ quyền lực có nhiệm vụ cùng với quốc hội thông qua khoản cứu trợ 130 tỷ EUR.

Nhiều nguồn tin từ báo chí ở châu Âu cho rằng sự ra đi của Thủ tướng Hy Lạp là do sức ép từ EU. Họ không muốn Hy Lạp trở thành rào cản cho các nỗ lực chung của EU, đặc biệt là của khối đồng tiền chung (eurozone). Phát biểu trên tờ Christian Science Monitor, ông Thomas Klau, thành viên Hội đồng đối ngoại EU nói: “Thị trường đã làm thay đổi tiến trình chính trị của EU. Người dân đã mệt mỏi và chán nản”.

Lịch sử Hy Lạp cho thấy chỉ có hai gia đình thay phiên nhau lãnh đạo đất nước đó là Karamanlis và Papandreou. Đã đến lúc người dân Hy Lạp muốn thay đổi. Tại Italia, bên cạnh nền kinh tế có mức nợ công chiếm đến 120% GDP, Thủ tướng Silvio Berlusconi từ lâu đã bị sức ép từ chức do nhiều vụ bê bối liên quan đến đời tư.

Nhưng chỉ thay đổi chính phủ thôi thì chưa phải là giải pháp cho cuộc khủng hoảng. Bất kỳ chính phủ mới nào hình thành tại Hy Lạp hay Italia sắp tới đều phải đứng trước sự lựa chọn rất nan giải giữa một bên là các biện pháp khắc khổ do IMF và EU đưa ra để được vay tiền, một bên là sức ép của người dân không chấp nhận các biện pháp khắc khổ như cắt giảm lương, cắt giảm công việc, tăng thuế…

Thậm chí vấn đề ở lại eurozone hay không cũng sẽ lởn vởn trong đầu các nhà lãnh đạo. Nhiều nhà phân tích ví tình thế chính trị tại Hy Lạp như con tàu Titanic sắp chìm. Càng loay hoay tìm giải pháp chính trị, cơ hội vượt qua khủng hoảng càng khó. Ngoài ra, nhiều tờ báo ở châu Âu cho rằng các nhà chính trị ở Hy Lạp và Italia chưa thực sự là lãnh đạo của dân vì họ tập trung “giữ ghế” hơn là tìm lối ra cho cuộc khủng hoảng.

Nếu cuộc khủng hoảng nợ công kéo dài hơn nữa, không chỉ có Hy Lạp, Italia mà cả các nước đầu tàu của EU như Đức và Pháp cũng sẽ có thay đổi về chính trị. Cử tri Đức không chấp nhận tiền thuế của họ cứ phải dồn cho các gói cứu trợ những nước khác và người dân Pháp cũng đang phải khổ sở không kém các “con nợ” của EU.  Hơn thế nữa, với vai trò chủ tịch G20, Pháp đã không thể làm gì hơn để vận động các nước tăng cường đóng góp cho Quỹ ổn định tài chính EU trong cuộc họp thượng đỉnh G20 vừa qua.

Nhìn lại nhiều cuộc khủng hoảng kinh tế thập niên 1990 thế kỷ 20, người ta thấy nhiều nền kinh tế lúc đó chấp nhận các biện pháp thắt lưng buộc bụng như là điều kiện tiên quyết để nhận các khoản vay từ IMF và sau đó chính phủ đã phải ra đi trước làn sóng phản đối của dân chúng.

Cuộc khủng hoảng nợ công EU một lần nữa càng khẳng định về mối quan hệ biện chứng giữa kinh tế và chính trị. Mối quan hệ giữa hai phạm trù này luôn luôn là vấn đề quan trọng nhất của các cuộc cải cách và phát triển của một quốc gia, đặc biệt khi nó chịu tác động ngày càng tăng của những biến đổi toàn cầu.

Thụy Vũ

Tin cùng chuyên mục