Từ mã số định danh đến chữ ký số

Trong khi mã số định danh vẫn là câu chuyện được bàn thảo và cần một lộ trình dài hơi để triển khai thì chữ ký số đang nổi lên như một giải pháp tiện ích giúp điện tử hóa không chỉ dịch vụ công như thuế, hải quan… mà còn cho các ngành thương mại thông qua việc xác định chính xác danh tính người dùng.

Trong khi mã số định danh vẫn là câu chuyện được bàn thảo và cần một lộ trình dài hơi để triển khai thì chữ ký số đang nổi lên như một giải pháp tiện ích giúp điện tử hóa không chỉ dịch vụ công như thuế, hải quan… mà còn cho các ngành thương mại thông qua việc xác định chính xác danh tính người dùng.

Xây dựng mã số định danh cần kiên trì và khoa học, đây là khẳng định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam tại buổi họp báo thường kỳ của Chính phủ tháng 3. Mã số định danh được xây dựng không chỉ nhằm quản lý dân cư, mà còn để người dân sử dụng trong nhiều hoạt động khác nhau của đời sống, như áp dụng cho các dịch vụ công của nhà nước, giao dịch với ngân hàng… sẽ giảm thiểu đáng kể chi phí quản lý xã hội chung cho đất nước. Nhìn sang các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia, mã số công dân đã được những nước này phát triển từ lâu và đem lại nhiều hiệu quả cao trong thực tiễn: mở tài khoản ngân hàng, đăng ký sử dụng dịch vụ công, khám chữa bệnh... Tuy vậy, có thể thấy, tại Việt Nam, kế hoạch để mỗi cá nhân sở hữu một mã số định danh riêng sẽ tiếp tục còn là câu chuyện dài.

Mã số định danh còn khá xa nên hiện chữ ký số đang “lên ngôi”. Xét về mặt chức năng, chữ ký số có khá nhiều nét tương đồng với mã số định danh. Cụ thể, chữ ký số được dùng để thay thế cho chữ ký tay (trên giấy) trong môi trường số hóa. Nói cách khác, chữ ký số chính là công cụ được tạo ra để xác nhận danh tính của chủ nhân chữ ký, đồng thời vẫn đảm bảo mức độ an toàn cao về pháp lý. Chính sự ra đời của chữ ký số đã bắt đầu mở ra xu hướng số hóa cho các dịch vụ công như thuế hay hải quan tại nước ta… Chỉ riêng trong dịch vụ khai thuế điện tử, số lượng doanh nghiệp sử dụng đã lên tới con số gần 220.000. Còn trong lĩnh vực hải quan, đã có 28.948 doanh nghiệp tham gia, chiếm 92,88% số doanh nghiệp đang thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu trên cả nước. Bên cạnh dịch vụ điện tử công, chứng khoán - ngân hàng điện tử là những “mảnh đất” màu mỡ khác dành cho chữ ký số.

Bản thân các doanh nghiệp cũng ngày càng nhận thấy những lợi ích to lớn mà chữ ký số nói riêng hay những dịch vụ ứng dụng chữ ký số nói chung có thể mang lại, như tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại… Bà Nguyễn Thị Nga, Kế toán trưởng Công ty TNHH sản xuất và thương mại Trung Dũng, đơn vị đang ứng dụng chứng thực chữ ký số cho biết: “Sử dụng chữ ký số để nộp hồ sơ khai thuế qua mạng không bị giới hạn về không gian và thời gian. Như khi giám đốc đi công tác xa, tôi vẫn có thể trình xin chữ ký của giám đốc mà không mất khoảng thời gian chờ đợi. Ngoài ra, tôi có thể nộp tờ khai thuế 24/24 trong ngày, 7 ngày/tuần và ở bất cứ nơi đâu có kết nối Internet”.

Hiện một số nhà cung cấp dịch vụ chữ ký số lớn tại Việt Nam có thể kể đến như VNPT, BKIS, Công ty Hệ thống Thông tin FPT (FPT IS), Viettel và Nacencom. Mặc dù vậy, cả 5 nhà cung cấp dịch vụ trên mới chỉ chiếm khoảng 1/5 thị trường. Trong đó, FPT IS đang là công ty dẫn đầu thị trường khi sở hữu trên 80.000 khách hàng sử dụng dịch vụ… nên thị trường chữ ký số còn rất nhiều hứa hẹn.

KIM THANH

Tin cùng chuyên mục