Ở phòng tranh của họa sĩ Từ, Vinh cố tìm hình ảnh của con rồng, con chim phượng hoàng, hình thể của robot, của chú bé người gỗ Buratino, hay cô bé Tí Tẹo trong truyện cổ tích… Vinh tìm mãi, chỉ thấy toàn là những bức tranh vẽ về những đôi mắt và những ngôi nhà. Chú bé nói với mẹ của chú:
- Xem tranh vẽ ở đây, con chẳng thấy những hình ảnh con đang thích tìm mẹ ạ.
- Ồ, nhưng xem tranh, con có thấy họa sĩ đã vẽ những ngôi nhà ở nhiều miền trên đất nước mình, còn những đôi mắt cũng đầy vẻ lạ lùng phải không?
- Dạ con có thấy. Nhà ở trong hẻm, ở đường lớn, nhà ở miền núi, ở nơi vắng vẻ, nhà ở bên kênh rạch, bên biển, và những đôi mắt như đang nhìn mẹ con mình.
- Con có biết không, để có những bức tranh ấy, người vẽ phải có nhiều say mê, nhiều công sức đi đến nhiều nơi chốn, nhiều ghi nhận lắm.
- Nhưng mẹ ơi, có phải người ta cũng có thể vẽ tranh mà chẳng phải đi đâu cả? Như con vẽ về Sơn Tinh, Thủy Tinh, về hoàng tử Mai An Tiêm ấy mà…
- Ừ, cũng tùy con ạ. Trường hợp của con là vẽ với một ý tưởng, một nội dung, đề tài có sẵn, cùng với trí tưởng tượng sáng tạo của con đó mà.
- Trí tưởng tượng sáng tạo là gì hả mẹ?
- À, à... Là cái cách con nghĩ ra để vẽ, một cách riêng biệt, không lặp lại, không giống với nét vẽ của bất cứ ai.
- Mẹ ạ, chú ấy vẽ cả một cánh cổng quên bấm khóa, lại có thêm một chiếc ghế gãy nằm nghiêng bên cổng nữa.
- Ừ, hình ảnh ngộ nghĩnh ghê con nhỉ.
- Dạ, đó là một cách “sáng tạo” phải không mẹ? Nhưng sao chú ấy vẽ tranh về nhà và những đôi mắt thôi hả mẹ?
- Điều đó phải hỏi chú ấy con ạ.
***
Người phụ nữ và chú bé con đã trở lại phòng tranh. Sự hiện diện và ánh mắt của họ khi xem tranh đã là một phần thưởng đối với tôi. Họ hỏi tôi vì sao chỉ vẽ tranh về những ngôi nhà và những đôi mắt. Tôi cảm thấy thật dễ chịu khi nói chuyện với họ.
Tôi dường như không cưỡng lại được tiếng gọi từ mỗi ngôi nhà. Trên thế gian này có bao nhiêu ngôi nhà là có bấy nhiêu mơ ước về sự sum họp, đoàn tụ, sự đùm bọc che chở, sự êm ấm bình yên. Tôi thường lấy giấy bút ghi thật nhanh những kiểu mẫu, góc cạnh, hình thể trước mắt, và mong ước sẽ hoàn thành được bức tranh về ngôi nhà ấy trong thời gian nhanh nhất. Một phần nữa cũng là để thoát khỏi cái cảm giác chỉ được nhìn thấy chúng một lần trong đời. Tôi cũng thích vẽ những đôi mắt, để thể hiện một thế giới suy nghĩ và mơ ước, đôi mắt của những người hay mất ngủ.
Tôi kể cho họ nghe về một số chuyến đi của tôi để vẽ. Tôi cứ rong ruổi theo những chuyến xe liên tỉnh, những chuyến tàu lửa, ăn cơm bụi ở từng nơi chốn, lẫn vào trong gió cát dọc đường. Tôi thực sự có những lúc nhọc nhằn với thời tiết, khí hậu của từng vùng miền. Nhưng sự thiếu thốn, vất vả về vật chất đối với tôi không thể sánh với những mất mát, thiếu thốn về tinh thần.
Thật ra, tôi đã từng có một căn nhà, có vợ và đứa con trai bảy tuổi. Nhưng tất cả đã xa xôi lắm rồi, với một tỷ lý do trong cuộc sống của những người vẽ tranh và làm công chức. Cô ấy chê trách tôi thiếu trách nhiệm chăm lo cho gia đình. Tôi lại nhìn thấy ở cô ấy sự thiếu quan tâm thông cảm, mà sự việc khiến tôi rất đau lòng là đứa con trai của tôi đã qua đời với bệnh phổi kéo dài. Giá như hoán đổi hoặc đong đếm những lỗi lầm thiếu sót của tôi và của vợ tôi chắc không ai hơn ai hoặc không ai thua sút ai. Nhưng thật đáng tiếc, chúng tôi chỉ nhìn thấy những cái lỗi của nhau mà không nhìn lại bản thân mình. Cuối cùng chúng tôi chia tay nhau sau khi thằng bé đã bỏ chúng tôi mà đi. Rồi căn nhà của chúng tôi đã bị bán đi sau khi chúng tôi chia tay nhau.
Mẹ của chú bé có nói với tôi, biết biến nỗi đau khổ thành hành động có ý nghĩa thì đau khổ cũng vơi đi. Cô ấy hiểu nỗi đau mất mát tình cảm gia đình của tôi. Cô ấy hỏi tôi có phải đi là một cách sống, vẽ tranh cũng là một cách sống. Cô ấy cho biết cũng đã chia tay với cha của đứa bé, vì họ có quá nhiều mối mâu thuẫn trong gia đình khi ông ấy lại nhẫn tâm theo đuổi một người phụ nữ khác.
- Hiện nay, chú đang ở đâu? - Chú bé hỏi.
- Ồ, chú đang ở trọ tại quận 10.
- Ồ, chú không còn nhà của chú nữa - chú bé tỏ vẻ nghĩ ngợi, nhưng chú có rất nhiều ngôi nhà trong tranh của chú.
- Ừ, chú đã vẽ những gì chú không thể không vẽ vậy mà.
Chú bé reo lên:
- Chú biết không, cháu thích bức tranh ngôi nhà cạnh bờ biển lắm. Ngôi nhà đầy tiếng sóng biển phải không chú? Còn nữa, cháu cũng thích bức tranh ngôi nhà có che mái tôn phía trước để bán vật phẩm hàng ngày. Ồ, lại có tấm bảng ghi “vá xe” nữa, cháu thấy quen lắm, gần gũi lắm.
- Cháu thích tranh của chú là chú vui lắm rồi.
- Nếu có thể, thỉnh thoảng chú ghé đến nhà cháu nhé. Nhà cháu không rộng lắm đâu, nhưng có một chút đất để chậu cây ở sau nhà mà cháu vẫn gọi là “vườn” đấy chú ạ.
- Thế thì nhất rồi. Chú sẽ đến thăm nhà của cháu.
***
Hôm nay họa sĩ đến để thăm nhà mẹ con chú bé rồi tạm biệt họ để đi miền Trung sau đợt triển lãm vừa qua. Ông không thể giải thích thêm cho chú bé vì sao ông luôn phải xê dịch để vẽ tranh. Ông nói với chú bé rằng, ở bên cạnh mẹ con chú, ông luôn cảm thấy có những tấm lòng muốn quan tâm, chia sẻ với người khác. Điều ấy thật sự đã mang lại cho ông một niềm vui. Ông chưa nói với họ ông vẫn nhớ ý một câu nói của Ajahn Chah: “Ai cũng xây được một ngôi nhà bằng gạch gỗ, nhưng đức Phật dạy rằng ngôi nhà thật sự của chúng ta là sự an tĩnh trong tâm”.
- Chú ơi, chú có thể vẽ cho cháu một con rồng không?
- Được cháu ạ, nhưng cháu có cần chú vẽ gấp không?
- Tùy chú thôi, có con rồng, cháu sẽ dễ gặp chú ngay khi cháu cần gặp đó mà.
- Vậy thì chú sẽ vẽ cho cháu ngay trước khi đi nhé.
- Còn gì bằng nữa; cháu cám ơn chú. Chú đừng quên cháu nhé.
- Nhất định rồi, người bạn nhỏ ạ.
DIỆU ANH
Minh họa: A.Dũng