Tuần qua, chuyện cậu bé bị rơi xuống kênh và chết do uống phải nước kênh có chứa vi khuẩn tả đã khiến nhiều người dân ở ấp 1 xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh TPHCM hoang mang. Điều đáng nói, người dân đã và đang sống chung với con kênh ô nhiễm này trong hơn 10 năm qua. Nuôi cá, cá chết; trồng cây, cây héo. Người dân ở đây đặt câu hỏi, nếu tình trạng ô nhiễm cứ kéo dài, không biết ai sẽ là nạn nhân tiếp theo?
Ô nhiễm vì dự án treo
Trở lại ấp 1 xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh trong những ngày này, một không khí trầm lắng bao quanh khu dân cư. Nhiều người dân e ngại khi kể về câu chuyện cậu bé Nguyễn Hồng San ở tổ 58, ấp 1A xã Bình Hưng, chẳng may thiệt mạng do bị té xuống nước kênh có chứa vi khuẩn tả.
Bà Hà Thị Oanh, sống ở ấp 1A, chủ quán giải khát, tâm sự: “Trước đây, khi dòng kênh còn trong xanh, không gian còn sạch sẽ, một ngày tôi cũng kiếm lời được 200 - 300 ngàn đồng từ việc bán nước giải khát. Nhưng từ khi kênh bị ô nhiễm, nhất là khi bùng phát khuẩn tả, quán tôi ngày càng vắng khách. Chẳng ai dám ngồi uống nước, nghỉ ngơi trước dòng kênh đầy rác và đen sì như thế này. Hy vọng các cơ quan liên quan sớm tìm cách giải quyết để người dân yên tâm kiếm sống”.
Dân ấp 1 xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh quen gọi con kênh này là kênh Tập Đoàn 2. Kênh nằm trong diện quy hoạch của thành phố để xây công viên giải trí và được bàn giao cho Công ty cổ phần Park City thi công, nhưng đã hơn 10 năm, dự án vẫn chưa triển khai. Cũng trong chừng đó thời gian, dòng kênh không được cải tạo nên gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Hiện kênh đang bị cây cỏ, đất cát, rác… chặn đứng dòng chảy. Người dân ở đây hàng ngày phải đối mặt với mùi hôi thối bốc lên từ nước kênh đen. Đặc biệt, mỗi khi triều cường kéo theo rất nhiều rác, bao ni lông, vỏ dừa và cả xác chết động vật ở đầu nguồn các kênh Tàu Hủ, rạch Xóm Củi, rạch dưới chân cầu Nhị Thiên Đường đổ về. Và khi triều rút, đủ loại rác thải “ở lại” kênh Tập Đoàn 2, đọng thành từng mảng ở gầm các nhà dân.
Chất thải chồng chất thải
Anh Trần Thế Nghĩa, sống ở gần bến xe quận 8 cho biết, rạch Xóm Củi (thuộc phường 5, quận 8 và xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) là nơi “đẩy” nhiều chất thải nhất vào kênh Tập Đoàn 2, đặc biệt là vỏ dừa. Hàng ngày, những cơ sở dọc kênh này ngang nhiên đổ hàng tấn vỏ dừa xuống rạch. Vỏ dừa theo dòng chảy dạt về hạ nguồn rồi tấp vào ven bờ gây tắc nghẽn dòng chảy, khiến tình trạng ao tù nước đọng ô nhiễm ngày một nghiêm trọng. Không dừng lại đó, con kênh Tập Đoàn 2 còn tiếp nhận hàng ngàn khối chất thải phát sinh từ sinh hoạt của các hộ dân, phần lớn hộ dân tại đây đều không xây dựng nhà vệ sinh hợp tiêu chuẩn mà thải trực tiếp ra kênh. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho dịch tả có nguy cơ bùng phát và lan rộng tại khu dân cư này.
Không chỉ có kênh Tập Đoàn 2 đang bị ô nhiễm, một loạt các kênh ở xã Bình Hưng như rạch Bà Lào, Xóm Củi, Ông Lớn, Ông Bé, Cây Khô, Tắc Bến Rô, Bồ Đề, Gò Nổi, Cống Gọ, Xã Tồn cũng ô nhiễm nghiêm trọng. Vừa qua, nhiều hộ dân sinh sống ở ấp 3, xã Bình Hưng phải khóc ròng vì chỉ qua một đêm, rất nhiều cá nuôi bị chết nổi trắng xóa, ước tính thiệt hại cả tỷ đồng. Nguyên nhân cá chết cũng do nguồn nước lấy từ kênh Xáng về nuôi cá đột ngột bị ô nhiễm.
Thạc sĩ Hoàng Thị Ngọc Ngân, Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, cho biết, nguồn thải từ chất thải người có thể là nguyên nhân khiến nguồn nước lưu chứa vi khuẩn tả. Tùy theo nồng độ pH của nước mà vi khuẩn tả có thể sống trong nước một tuần hoặc một tháng. Do đó, trường hợp nếu dùng nguồn nước không hợp vệ sinh, không ăn chín, uống sôi thì khó tránh khỏi tình trạng bùng phát dịch tả. PGS-TS Phùng Chí Sỹ, Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật nhiệt đới và bảo vệ môi trường cho biết, trong trường hợp nguồn nước bị nhiễm vi khuẩn tả, cần thiết phải được khử trùng bằng cách phun cloramin B cho kênh và khu vực người dân sinh sống. Có như vậy mới ngăn tình trạng dịch tả bùng phát.
Cái chết thương tâm của em Nguyễn Hồng San do té xuống dòng kênh có nguồn nước nhiễm khuẩn tả là một lời cảnh báo đối với các sở ban ngành về công tác bảo vệ môi trường hiện nay. Những dòng kênh sẽ chết, nhiều dịch bệnh phát sinh… nếu như chúng ta vẫn còn thờ ơ với vấn đề này.
ÁI VÂN – HẢI THANH