Từ nay đến cuối năm, thời tiết còn diễn biến phức tạp

Thông tin dự báo thiên tai - thời tiết có giá trị rất lớn với đời sống và kinh tế - xã hội. Thời gian qua, có dư luận cho rằng, chất lượng dự báo vẫn chưa chính xác. Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với TS Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, để hiểu rõ hơn về thực tế này.
TS Mai Văn Khiêm
TS Mai Văn Khiêm

PHÓNG VIÊN: Thưa ông, trong thời gian qua, dư luận xã hội vẫn chưa thực sự hài lòng về công tác dự báo thiên tai - thời tiết ở nước ta. Nhiều người cho rằng, thông tin dự báo vẫn còn sai lệch, như trong cơn bão số 5 vừa qua, cũng như nhiều đợt mưa lũ bão khác trước đây. Ông có ý kiến gì về nhận xét này?

TS MAI VĂN KHIÊM: Thực tế mà nói, việc dự báo về các hình thái thời tiết cực đoan, từ các dữ liệu khí tượng - thủy văn thu thập để đưa ra các nhận định, cảnh báo thiên tai - thời tiết ở nước ta (cũng như trên toàn thế giới) đến nay cũng chỉ mang tính dự báo. Mà đã gọi là “dự báo” thì không thể luôn chính xác. Trong thời gian qua, công tác dự báo, cảnh báo thiên tai - thời tiết ở nước ta cũng đã có bước tiến bộ rất nhiều so với trước. Chúng tôi đã nỗ lực để có những thông tin cảnh báo sớm và sát thực tế hơn. 

Trong các loại hình thiên tai, về cơ bản, các thông tin dự báo, cảnh báo về không khí lạnh, lũ lụt và hạn hán, xâm nhập mặn (ví dụ như đợt hạn hán kỷ lục tại miền Tây Nam bộ năm 2016 và 2019) của chúng tôi là tương đối sát thực tế; dự báo từ trước nửa năm để các địa phương cũng như người dân chủ động điều tiết sản xuất, ứng phó. Còn khó khăn nhất trong dự báo hiện nay là về bão và mưa lũ. Trong đó, dự báo về mưa vẫn chủ yếu là “định tính” chứ chưa thể định lượng. Ví dụ, không thể nhận định chính xác ở vùng này, khu vực kia sẽ có lượng mưa bao nhiêu milimét. Trên thế giới cũng chưa nước nào có thể dự báo chính xác như thế. 

Về dự báo bão, áp thấp nhiệt đới thì mỗi khi có hình thái này xuất hiện ở Biển Đông hoặc ngoài khơi Thái Bình Dương, ngay cả các trung tâm dự báo thế giới và khu vực cũng đưa ra những nhận định rất khác nhau; cũng có nhiều nhận định sai về cường độ, vị trí bão sẽ đổ bộ. Với mỗi cơn bão, hàng ngày, hàng giờ, chúng tôi phải chạy hàng trăm mô hình (kịch bản), tham chiếu thêm nhiều mô hình dự báo của các cơ quan dự báo quốc tế để đưa ra nhận định cuối cùng khi công bố, và các nhận định trong phạm vi trước 18 - 24 giờ là cơ bản sát thực tế. 
  
Nhưng, nhiều người vẫn cho rằng, thông tin dự báo của trung tâm hiện nay chưa thực sự chính xác có thể do yếu tố máy móc, thiết bị và con người còn chưa đáp ứng?

Để nâng cao năng lực dự báo, ngành khí tượng - thủy văn đã đi đầu trong công tác ứng dụng khoa học công nghệ, từ những trạm đo tự động đến các trạm radar, thám không vô tuyến và các sản phẩm của vệ tinh, rồi tới các máy tính hiệu năng cao, siêu máy tính để thực hiện những bài toán dự báo lớn. 

Những năm gần đây, cùng với ứng dụng khoa học công nghệ trong nước, chúng tôi đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến của thế giới, nên chất lượng dự báo, cảnh báo của Việt Nam đang tiệm cận dần với các nước tiên tiến, nhất là về dự báo bão, không khí lạnh, hạn hán, xâm nhập mặn... Đến nay, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) đã giao Việt Nam hỗ trợ dự báo thời tiết nguy hiểm ở khu vực Đông Nam Á trong công tác dự báo, cảnh báo các hiện tượng nguy hiểm như mưa lớn, gió mạnh, lũ quét.

Còn về nhân lực, hiện ngành khí tượng - thủy văn có khoảng gần 3.000 công chức, viên chức và người lao động. Trong đó, số nhân lực có trình độ từ đại học trở lên đã đạt gần 60%. Song, có bất cập là nguồn nhân lực chất lượng cao này lại tập trung chủ yếu ở các đơn vị chuyên môn nghiệp vụ dự báo ở Trung ương, còn ở các đài khu vực, các địa phương thì vẫn còn nhiều hạn chế. 

Để từng bước nâng cao chất lượng dự báo, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu dự báo sớm và chính xác, chúng tôi đã đưa nhiều cán bộ đi đào tạo ở các nước tiên tiến có công nghệ dự báo tốt như: Mỹ, Đức, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, Phần Lan, Australia, New Zealand… nhằm tiếp cận những công nghệ, thiết bị hiện đại của thế giới, áp dụng vào tác nghiệp tại Việt Nam trong thời gian tới.

Vậy, trung tâm dự báo tình hình thời tiết - thiên tai trên cả nước từ nay tới cuối năm 2020 và đầu năm 2021 ra sao, thưa ông?

Do tác động của trạng thái La Nina (xác suất lên tới 65%-70%) nên trong các tháng cuối năm 2020 và đầu năm 2021, thời tiết tại các khu vực ở nước ta sẽ có diễn biến khá phức tạp, có thể khái quát một số đặc trưng như sau: Thông thường, trong các năm La Nina, không khí lạnh có xu hướng hoạt động sớm; bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông ảnh hưởng đến đất liền nhiều hơn so với bình thường. Mùa bão thường kéo dài về những tháng cuối năm. Mưa có xu hướng gia tăng hơn ở miền Trung và Nam bộ. Đáng lưu ý là tại khu vực Tây Nguyên và Nam bộ sẽ xuất hiện mưa trái mùa nhiều hơn vào mùa khô tới, do La Nina gây nên.

Dự báo từ nửa cuối tháng 9 cho tới hết năm 2020, trên khu vực Biển Đông vẫn còn xuất hiện khoảng 6 - 8 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng 4 - 5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung nhiều ở miền Trung và miền Nam. Trong tháng đầu năm 2021, vẫn có khả năng xuất hiện xoáy thuận nhiệt đới ở Nam Biển Đông và có thể ảnh hưởng đến khu vực Nam Trung bộ và Nam bộ.

Xin cảm ơn ông! 

Tin cùng chuyên mục