Dịp cuối năm, nhu cầu về nước của bà con Việt kiều rất lớn. Cùng với đó là nhiều thắc mắc của kiều bào trong quá trình xuất nhập cảnh. Với nhiều hành vi chúng ta vốn xử lý theo “lệ” thì từ năm 2015 sẽ được xử lý ra sao? Đại tá Nguyễn Văn Anh, Trưởng phòng Quản lý Xuất nhập cảnh (PA72) Công an TPHCM, đã có cuộc trao đổi với PV Báo SGGP về một số chính sách mới nhất, được áp dụng từ ngày 1-1-2015.
PA72 tiếp nhận hồ sơ cấp giấy miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Ảnh: VIỆT DŨNG
- Phóng viên: Thưa đại tá, đa phần kiều bào nhập cảnh về nước với mục đích thăm thân. Nhiều bà con thắc mắc là về thăm mẹ thì kiều bào có phải khai báo tạm trú?
>> Đại tá NGUYỄN VĂN ANH: Một sự thay đổi có lợi cho người nước ngoài là: chủ cơ sở kinh doanh lưu trú phải làm thủ tục khai báo tạm trú cho người nước ngoài. Như vậy, thay vì người nước ngoài phải trực tiếp hoặc thông qua chủ nhà, chủ cơ sở kinh doanh lưu trú để khai báo tạm trú như hiện nay thì từ năm mới, trách nhiệm này do “chủ nhà” lo: nếu người nước ngoài ở khách sạn, khách sạn phải lo thủ tục này; ở nhà dân, chủ nhà phải làm. Kiều bào về thăm mẹ thì “chủ nhà” vẫn phải khai báo tạm trú nếu kiều bào dùng hộ chiếu nước ngoài. Việc khai báo không phân biệt quan hệ giữa Việt kiều với chủ nhà.
Cũng từ năm mới, luật quy định cơ sở lưu trú là khách sạn phải nối mạng với PA72. Hiện nay, TPHCM có 700 khách sạn đã nối mạng với chúng tôi. Việc kết nối đồng nghĩa chủ khách sạn không phải đến công an phường khai báo mà chỉ cần nhập dữ liệu, theo hướng dẫn của cơ quan xuất nhập cảnh là xong.
- Còn việc hồi hương của kiều bào, phải chăng có sự khác nhau giữa 2 hình thức hồi hương?
Hiện nay, TP có khoảng 7.000 kiều bào hồi hương. Việt kiều hồi hương có 2 hình thức: nếu dùng hộ chiếu nước ngoài sẽ hồi hương theo quy định của Thông tư liên tịch số 05/2009//TTLT-BCA-BNG (TP có khoảng 4.000 người hồi hương theo diện này) và nếu dùng hộ chiếu Việt Nam sẽ hồi hương theo Luật Cư trú (3.000 người). Với hình thức 1, Việt kiều cần làm thủ tục ở PA72; còn hình thức 2, bà con đến công an quận, huyện làm thủ tục liên quan.
- Liên quan đến hộ chiếu Việt Nam, hộ chiếu nước ngoài, trong trường hợp kiều bào có nhiều quốc tịch, nhiều hộ chiếu thì việc xuất nhập cảnh sẽ như thế nào, thưa đại tá?
|
Trước đây, trong Pháp lệnh về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, chúng ta không quy định về việc này và thực tế, nhiều người có 2 hộ chiếu thường… sử dụng cả 2, hộ chiếu nào có “lợi” trong từng tình huống cụ thể thì dùng hộ chiếu đó. Trong khi xử lý, trước đây, chúng ta cũng thường làm theo lệ. Từ năm mới, luật quy định, người có nhiều hộ chiếu thì chỉ được dùng 1 hộ chiếu khi nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú và làm việc ở Việt Nam.
Trong 7.000 kiều bào đã hồi hương đang sống ở TP, khoảng 70% có 2 quốc tịch, 2 hộ chiếu. Đặc biệt, nếu đã hồi hương về đây, đã nhập hộ khẩu, làm lại CMND thì bà con chỉ được dùng hộ chiếu Việt Nam khi xuất nhập cảnh ở Việt Nam; tuyệt đối không được dùng hộ chiếu nước ngoài (quốc tịch, hộ chiếu nước ngoài, bà con cứ giữ). Với người nước ngoài chưa hồi hương về Việt Nam, khi xuất nhập cảnh ở Việt Nam, dù có 2 hộ chiếu thì cũng chỉ được dùng 1 hộ chiếu: hoặc hộ chiếu nước ngoài, hoặc hộ chiếu Việt Nam. Việc sử dụng hộ chiếu nào phải thống nhất cho tất cả các khâu: nhập cảnh, xuất cảnh, lưu trú, làm việc, lao động, giao dịch dân sự…
- Thưa đại tá, không hiếm trường hợp vào Việt Nam với mục đích du lịch, sau đó móc nối, ở lại làm việc. Chúng ta cần làm gì để bảo vệ lao động trong nước trước áp lực từ số “lao động chui” như thế?
Việc cho phép người nước ngoài chuyển đổi mục đích nhập cảnh đã dẫn tới hệ quả là người nước ngoài đã lợi dụng để hoạt động sai mục đích nhập cảnh, trong đó có tình trạng lao động trái phép. Từ năm 2015, chúng ta sẽ khắc phục sơ hở trên bằng quy định người nước ngoài vào Việt Nam không được chuyển đổi mục đích nhập cảnh; vô du lịch là du lịch, nếu muốn ở lại Việt Nam làm việc thì người nước ngoài phải về nước họ, xin giấy phép lao động đã.
Về thị thực cho lao động người nước ngoài, từ năm mới, người nước ngoài vào Việt Nam làm thuê phải có giấy phép lao động trước rồi cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài mới cấp thị thực (hiện nay, cứ nhập cảnh trước rồi xin giấy phép lao động sau).
Đặc biệt, trường hợp Việt kiều nhập cảnh theo dạng đơn phương miễn thị thực thì từ năm mới, phải 30 ngày sau khi xuất cảnh mới được nhập cảnh trở lại Việt Nam. Hiện nay, nhiều người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, hết hạn 15 ngày lưu trú, họ xuất cảnh rồi lại nhập vào ngay trong ngày khiến chúng ta khó kiểm soát tình trạng lao động bất hợp pháp.
Về việc bảo lãnh, trước đây, quy định mù mờ nên xuất hiện tình trạng có người vào đầu tư, lao động đã dắt theo họ hàng dâu rể, một dây mấy chục người đi theo. Từ năm 2015, trường hợp người nước ngoài vào Việt Nam có thẻ tạm trú sẽ được bảo lãnh thân nhân ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con sang thăm. Còn vào ở cùng thì chỉ đối với vợ chồng và con (dưới 18 tuổi), nếu được cơ quan tổ chức mời bảo lãnh đồng ý; tránh trường hợp người trên 18 tuổi vào ở cùng song thực chất là lách luật, đi làm việc như hiện nay.
Một điều rất thú vị là giờ đây con em người nước ngoài vào TPHCM du học vô cùng nhiều, vài ba ngàn người. Trước đây, chúng ta lúng túng do không có thị thực này. Cũng từ 2015, ta có một loại thị thực du học riêng (ký hiệu DH). Điểm rất thông thoáng là người học được cấp thị thực 12 tháng, nếu có nhu cầu, được cấp thẻ tạm trú 5 năm tương ứng với thời gian học đại học nếu có văn bản tiếp nhận của nhà trường hoặc cơ sở giáo dục của Việt Nam. Đồng thời, chỉ cần nhà trường đồng ý, họ có thể được làm thêm, được miễn giấy phép lao động.
| |
ĐƯỜNG LOAN (thực hiện)