Từ nhỏ đã mê tài tử

Đêm nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ được vinh danh Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại tại Hội trường Thống Nhất, hàng ngàn khán giả mộ điệu tại TPHCM đã rất ngạc nhiên, thích thú khi được thưởng thức giọng ca của tài tử Nguyễn Trương Thế Thanh (Trung tâm Văn hóa huyện Bình Chánh). Vừa bước qua tuổi 12, vẫn với nét hồn nhiên của trẻ thơ nhưng ít ai biết tài tử nhí này đã sở hữu khá nhiều giải thưởng đờn ca tài tử.
Từ nhỏ đã mê tài tử

Tài tử nhí Nguyễn Trương Thế Thanh

Đêm nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ được vinh danh Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại tại Hội trường Thống Nhất, hàng ngàn khán giả mộ điệu tại TPHCM đã rất ngạc nhiên, thích thú khi được thưởng thức giọng ca của tài tử Nguyễn Trương Thế Thanh (Trung tâm Văn hóa huyện Bình Chánh). Vừa bước qua tuổi 12, vẫn với nét hồn nhiên của trẻ thơ nhưng ít ai biết tài tử nhí này đã sở hữu khá nhiều giải thưởng đờn ca tài tử.

Tài tử nhí Thế Thanh biểu diễn trong đêm vinh danh Đờn ca tài tử tại Hội trường Thống Nhất.

Tài tử nhí Thế Thanh biểu diễn trong đêm vinh danh Đờn ca tài tử tại Hội trường Thống Nhất.

Tài năng trẻ

Những tiếng vỗ tay không ngớt khi cậu bé vừa xuống câu vọng cổ. Mới đầu có hơi run nhưng cậu bé nhanh chóng bình tĩnh ngay sau đó, giọng ngọt và hồn nhiên, vững nhịp và chắc chữ. Thật ra, khán giả TPHCM đã không còn lạ với Thế Thanh, bởi tại Liên hoan đờn ca tài tử (ĐCTT) các xã nông thôn mới năm 2013, cậu bé đã hoàn toàn chinh phục ban giám khảo và người mộ điệu với bài Tre quê hương, thể điệu Phụng hoàng lai nghi. Bài ca của tác giả Nguyễn Đình Chiến vừa đoạt giải nhất trong cuộc thi sáng tác lời mới cho 20 bài bản tổ ĐCTT (do Trung tâm Văn hóa TPHCM tổ chức) được Thế Thanh diễn tả chân phương mà sâu lắng. Đây cũng là tiết mục mang về chiếc huy chương vàng cho Trung tâm Văn hóa huyện Bình Chánh tại liên hoan.

Ngồi ở hàng ghế dưới sân khấu với tay xách nách mang lỉnh kỉnh đồ nghề, chị Trương Ngọc Thúy, mẹ của Thế Thanh không giấu được niềm vui. Chị Thúy kể, chừng 6 - 7 tuổi, đọc chữ mới rành một chút, bé Thanh hay mở karaoke ca một mình, mà ngặt nỗi hàng xóm toàn nghe bé ca… vọng cổ. Quá đỗi ngạc nhiên, nhưng bận rộn việc buôn bán nên chị không có nhiều thời gian chăm lo cho con. “Tui dân gốc Cần Thơ, miền Tây rặt. Tui cũng mê tài tử cải lương lâu rồi. Mà nói thiệt tình, mê thì lọng ngọng ca theo vậy chứ có biết bài bản gì đâu. Nghe con nó ca tự dưng tui giật mình. Mình mê tài tử như vậy sao không kiếm chỗ nào dạy để theo học cho nó đàng hoàng, để biết bài biết bản với người ta”, chị Thúy tự hỏi. Hỏi thăm khắp nơi, cuối cùng chị tìm đến nhà thầy Tư Hồng xin học tài tử, bé Thanh mê quá nên theo học chung với mẹ. “Bé Thanh học nhanh lắm, nghe qua là nhớ liền, cháu nó nhớ bài còn nhanh hơn tui nữa. Mà hồi đó cũng ngặt lắm, mỗi lần 2 mẹ con tui đi sinh hoạt ĐCTT là ba bé Thanh cứ đi theo bắt con về vì sợ bé mê ca mà không chịu học. Giờ thấy con sáng dạ, biết ý thức tự học, được thầy thương bạn mến nên anh ấy không cản nữa”, chị Thúy nhắc chuyện mấy năm trước. Đến nay, hơn 3 năm học tài tử nhưng Thế Thanh đã có “vốn lận lưng” kha khá: 3 giải nhất các kỳ thi tài tử ở xã và huy chương vàng tại liên hoan của huyện Bình Chánh, huy chương vàng Liên hoan ĐCTT các xã nông thôn mới 2013 và gần đây nhất là giải thưởng Tài năng trẻ ĐCTT tại Liên hoan ĐCTT TPHCM giải Hoa sen vàng, do Trung tâm Văn hóa TP và Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM phối hợp tổ chức cuối năm 2013.

Những tín hiệu đáng mừng

Ông Vương Quyền, Phó Giám đốc Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM, cho biết lần đầu tiên tại TPHCM liên hoan ĐCTT được tổ chức với tên gọi là Hoa sen vàng như một hoạt động mở đầu cho những năm về sau và đây sẽ là giải truyền thống của TP về ĐCTT. Liên hoan đã thu hút 27 CLB đờn ca của 24 trung tâm văn hóa quận huyện và Nhà văn hóa Thanh niên, Nhà văn hóa Sinh viên, Cung Văn hóa Lao động với hơn 400 tài tử đờn, tài tử ca. Đây thực sự là dịp biểu dương mạnh mẽ lực lượng ĐCTT ở nông thôn mới.

Thạc sĩ - nhạc sĩ Huỳnh Khải, Trưởng ban Giám khảo liên hoan, chia sẻ: “Liên hoan đã tập hợp được các ngón đờn hay, thành danh trong phong trào ĐCTT TPHCM, cũng như một số ngón đờn được đào tạo từ các trường chuyên nghiệp ở nhiều lứa tuổi: từ các nghệ nhân dân gian lão luyện như Út Tỵ, Hai Sáng, Trường Giang, Huỳnh Tấn, Văn Sơn… đến các tài tử đờn trẻ như Châu Minh Tâm, Thanh Hoàng, Hoàng Khánh. Đặc biệt tại liên hoan đã xuất hiện một lớp tài tử đờn ca trẻ ở độ tuổi sinh viên, nhất là những tài năng ca mới ngoài 10 tuổi. Đây rõ ràng là tín hiệu đáng mừng với nghệ thuật ĐCTT truyền thống”…

Nói về giải thưởng Tài năng trẻ ĐCTT tại liên hoan ĐCTT Hoa sen vàng, bé Thế Thanh nói: “Con theo học tài tử được hơn 3 năm rồi, người dạy đầu tiên cho con chính là thầy và mẹ. Con rất vui vì được ca hát theo sự yêu thích của mình. Con cũng cần rèn luyện thêm, trau chuốt thêm để giọng ca ngày càng hay hơn. Lần này được giải thưởng Tài năng trẻ ĐCTT, con sẽ cố gắng học tập để xứng đáng hơn, được mọi người yêu thương”.

MINH AN

Tin cùng chuyên mục