Từ những bức hình trên mạng

Nghệ sĩ hài Hiệp Gà (tên thật là Dương Văn Hiệp) lại vừa trở nên “nổi tiếng” trên mạng sau khi anh ta “vô tình” đưa lên facebook của mình hình ảnh anh mặc quần sọc, áo thun đu tòng teng trên tượng đài kỷ niệm Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Nghệ sĩ hài Hiệp Gà (tên thật là Dương Văn Hiệp) lại vừa trở nên “nổi tiếng” trên mạng sau khi anh ta “vô tình” đưa lên facebook của mình hình ảnh anh mặc quần sọc, áo thun đu tòng teng trên tượng đài kỷ niệm Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Hình ảnh phản cảm này ngay lập tức gây phẫn nộ dư luận và Hiệp đã tạm thời ngắt liên lạc để tránh búa rìu dư luận. Trước đó, hình ảnh một cô gái mặc quần sọc cực ngắn nằm vắt lên tay tượng một danh nhân lịch sử cũng đã gây phản ứng dữ dội. Trước đó nữa, hình ảnh một sĩ quan công an có tư thế ngả ngớn trong giờ trực cũng đã tạo nên dư luận không hay.

Mỗi tuần, hàng loạt những thông tin kiểu như trên lan tràn khắp thế giới mạng. Người ta giải thích rằng trong thời đại ngày nay, công nghệ có khắp nơi, việc chụp và gửi một tấm hình lên mạng đơn giản đến nỗi có khi không muốn đưa lên mạng lại còn khó hơn. Chính vì thế, nếu ngày trước một hành động của một cá nhân rất khó để truyền bá rộng rãi thì ngày nay lại trở nên quá đơn giản.

Và đó cũng là một vấn đề của thời đại, khi công nghệ tiến nhanh hơn ý thức trách nhiệm xã hội. Một diễn viên thủ vai công an muốn đùa một chút, 10 năm trước đó là chuyện bình thường. Hôm nay, hình ảnh đó phát tán lại trở thành một công cụ để ai đó lợi dụng vào những mục đích xấu. 10 năm trước, một cô gái ở một vùng quê xa xôi chụp một tấm ảnh phản cảm có khi chẳng làm sao cả, cùng lắm vài người bạn cô ấy biết đến. Nay thì chỉ vài phút cả nước có thể thấy và hành động vô ý thức của một cô gái mới lớn có thể trở thành “sự suy thoái đạo đức của một thế hệ”…

Ngày nay, mỗi cá nhân dù là một người bình thường nhưng khi thông qua kỹ thuật công nghệ có thể gây ra chấn động một phần dư luận xã hội. Vai trò trách nhiệm của cá nhân đối với xã hội cũng vì thế thay đổi, nâng cao hơn cũng như gắn bó chặt chẽ hơn. Thế nhưng, nếu trình độ kỹ thuật tăng cao thì ngược lại ý thức trách nhiệm vẫn chưa được thực sự quan tâm, xây dựng. Sự mất cân bằng đó chính là nguyên nhân gây nên tình trạng hỗn tạp trên thế giới mạng trong nước thời gian qua.

Trong khi đó, trên ghế nhà trường, trong những bài học công dân, thanh thiếu niên vẫn học những bài học đạo đức của 100 năm về trước! Những bài học đó là cần thiết vì thực ra bất cứ thời đại nào cũng cần giáo dục những giá trị đạo đức cơ bản nhất. Thế nhưng, đi kèm theo đó lẽ ra cũng phải có những bài học mới, mang tính thời đại và có định hướng. Trên thực tế, ý thức trách nhiệm trong thời đại kỹ thuật số cũng đang có sự thay đổi nhưng sự thay đổi đó vẫn mang tính tự phát, manh mún trong một bộ phận giới trẻ chứ chưa thực sự trở thành một một chương trình xã hội thật sự.

Xã hội phát triển, công nghệ phát triển, nhưng sự mất cân bằng đang càng ngày càng lớn và không thể trông chờ vào sự tự giác.

XUÂN THÂN

- Thông tin liên quan:

>> Từ “ngại” sử đến ý thức văn hóa kém

Tin cùng chuyên mục