Trong vài thập kỷ trở lại đây, ở đồng bằng sông Cửu Long xuất hiện nhiều “tay ngang” chế tạo được nhiều loại máy phục vụ sản xuất nông nghiệp, điển hình như máy vét đường nước của ông Võ Văn Phước (Đồng Tháp), máy phun thuốc trừ sâu của ông Trần Thanh Tuấn (An Giang), máy vét bùn của lão nông Cao Văn Tám ở Cần Thơ… Đồng hành với những “kỹ sư chân đất” kể trên còn có ông Năm Nhã, chuyên sáng chế, lắp ráp lò sấy cải tiến, góp phần tích cực vào việc sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Khởi nghiệp từ đam mê
Ông Năm Nhã tên thật là Dương Xuân Quả, quê ở Phú Tân - An Giang, hiện cư trú tại phường Bình Đức, TP Long Xuyên (An Giang). Ngay từ lúc còn cắp sách đến trường, ông đã bộc lộ năng khiếu về kỹ thuật điện và máy móc. Học hết lớp 9, ông nghỉ học ở nhà làm ruộng. Trong thời gian này, ông mày mò nghiên cứu, tự lắp ráp máy bơm nước và nhiều thiết bị về cơ điện để phục vụ nông nghiệp.
Từ niềm say mê khoa học và muốn nâng cao tay nghề, ông lên TPHCM làm thợ hàn cho một công ty nước ngoài. Nhờ vậy, ông đã học hỏi và tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm quý báu, nhất là kỹ thuật hàn. Sau khi thành thạo tay nghề và nắm bắt được những kiến thức cơ bản về động nhiệt học, ông quay về làm thợ hàn và nghiên cứu cơ điện. Có thể nói, sự nghiệp của ông bắt đầu vươn lên từ khi chuyển sang lắp ráp lò sấy cải tiến vào năm 2002.
Ông Năm Nhã được tặng Kỷ niệm chương “Chân dung nhà nông”
Từng miệt mài với máy bơm nước và có kinh nghiệm về lắp đặt cánh quạt, ông đem sang áp dụng và không bao lâu đã tìm ra được thông số kỹ thuật của một lò sấy lúa, vừa tiết kiệm điện, ít tốn chất đốt nhưng hiệu quả và chất lượng vẫn cao. Niềm hạnh phúc lớn nhất trong đời làm thợ máy của ông là lần thử nghiệm đầu tiên lò sấy với lớp lúa dầy 1m nhưng lúa vẫn khô đều, khô nhanh và đạt hiệu quả như ý muốn. “Đó là kết quả của một quá trình nghiền ngẫm về công năng của cánh quạt do tôi nghĩ ra. Lúc đó nếu có ai cho 5 cây vàng, tôi cũng không vui bằng kết quả “kỳ diệu” đó do chính mình thực hiện”, ông Năm Nhã tâm sự.
Sau khi thành công với lò sấy cải tiến, ông tiếp tục nghiên cứu và đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng lò sấy lúa tự động, nhằm giảm chi phí nhân công, tăng lợi nhuận cho khách hàng gần 40% so với các lò sấy thông thường có cùng công suất. Ưu điểm nổi bật là lúa sấy không cần trở mẻ mà hạt lúa vẫn đạt ẩm độ, tỷ lệ tấm và gạo đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Ước mơ thành hiện thực
Lò sấy cải tiến không trở mẻ của ông Năm Nhã đã được bà con nông dân và các nhà máy xay xát gạo tin tưởng và đặt hàng ngày càng nhiều. Từ thành quả đó, năm 2007, ông thành lập Doanh nghiệp tư nhân Năm Nhã, chuyên sản xuất, lắp ráp lò sấy cải tiến từ 5 - 80 tấn. Doanh nghiệp của ông thường xuyên có từ 20 - 30 công nhân sửa chữa, lắp ráp; 2 kỹ sư vẽ và điện với lương cao nhất của công nhân 8 triệu đồng/tháng, bao luôn cơm nước. Ngoài ra ở đây còn có 5 đội chuyên thiết kế và xây dựng lò sấy cho bà con nông dân ở các tỉnh ĐBSCL và một số tỉnh miền Đông Nam bộ, Tây Nguyên.
Ông Năm Nhã (dấu x) đang giới thiệu lò sấy lúa
Từ ngày thành lập doanh nghiệp đến 2013, ông đã lắp đặt trên 1.000 lò sấy, gồm loại 10 tấn, 20 tấn và 30 tấn với giá từ 80 - 90 triệu đồng/lò, trong đó có 50 lò xuất sang Campuchia và 20 lò sấy nổi lưu động. Riêng năm 2014, ông đã đưa ra thị trường 300 quạt với 170 lò sấy đủ loại. Khách hàng đến với lò sấy cải tiến mang thương hiệu Năm Nhã không phải chỉ vì giá rẻ mà còn vì thương hiệu - chất lượng và uy tín. Ngoài ra, máy sấy cải tiến của ông còn giúp các doanh nghiệp chủ động được xuất khẩu gạo nhờ kỹ thuật cao, ổn định vận tốc gió; điều chỉnh nhiệt độ theo ý muốn, giúp hạt gạo không bị gãy, khỏi phải sàng lọc lấy tấm. Nhờ vậy sản phẩm được khách hàng ưa chuộng và giá xuất khẩu cũng cao hơn nhờ hạt gạo sạch, trắng trong và điều chỉnh ẩm độ theo yêu cầu của đối tác. Ông Đỗ Xuân Bang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Lương thực Trường Xuân, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, cho biết: “Nhà máy xay xát lúa, chế biến gạo xuất khẩu của công ty thuộc dạng khép kín, nhưng thời gian đầu gặp nhiều khó khăn về khâu sấy lúa, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế. Từ khi biết được công năng và hiệu suất của lò sấy cải tiến Năm Nhã, công ty đã đầu tư trên 3 tỷ đồng để lắp ráp 10 lò sấy cải tiến, nhờ đó sản phẩm xuất khẩu đạt giá trị cao hơn”.
Không ngừng học hỏi
Ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, nhận định: An Giang hiện nay đang đứng đầu về số lượng máy sấy lúa ở ĐBSCL. Riêng với mô hình máy sấy lúa tĩnh vỉ ngang tự động do Doanh nghiệp Năm Nhã sáng chế, được xem là máy sấy hiện đại và quy mô nhất ở Việt Nam.
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, bà con nông dân đã kế thừa và phát huy thành quả của việc ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất như gieo sạ, gặt, phơi, sấy và bảo quản sản phẩm. Trong đó, sự đóng góp công sức và trí tuệ của ông Dương Xuân Quả (Năm Nhã) đã góp phần không nhỏ vào việc thực hiện “5 giảm”, đặc biệt là giảm chi phí về chất đốt và điện năng, đồng thời đảm bảo được vệ sinh môi trường. Năm 2014, ông tham gia dự thi sáng chế mô hình lò sấy mi ni tại Hà Nội và nhận giải nhất “Nhà sáng chế” với số tiền thưởng 400 triệu đồng. Ông nhớ lại: “Vừa nghe công bố kết quả, tôi rất xúc động không nói nên lời vì quá sung sướng với thành quả nghiên cứu”.
Ở tuổi 58 nhưng ông vẫn không ngừng học hỏi. Ông từng tham gia các khóa học marketing, quản lý điều hành và tự học vi tính. Với ông, muốn tiến theo kịp thời đại cần phải học và phấn khởi cho biết, mặc dù là nông dân nhưng ông rất hân hạnh được trường đại học mời về nói chuyện với sinh viên sắp ra trường về đề tài nông thôn, nông dân và nông nghiệp để truyền chút ít kinh nghiệm cho lứa tuổi sắp bước ra đời sống thực tế.
Trong quá trình sản xuất và kinh doanh, lúc nào ông cũng năng nổ và nhiệt tình, khi thì tiếp xúc với nông dân, khi thì xuống tận các lò sấy hướng dẫn bà con vận hành đúng quy cách. Là chủ doanh nghiệp thành đạt nhưng cuộc sống của ông rất bình dị và hay giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh. Ông thường xuyên đóng góp vào các hoạt động công ích như Quỹ Khuyến học, bảo trợ cho 2 học sinh nghèo học tới đại học, tặng lò sấy thuốc cho phòng thuốc Nam từ thiện; cung cấp bồn nước chữa cháy miễn phí, kéo điện về nông thôn hỗ trợ những gia đình nghèo...
Từ những cống hiến cho khoa học và xã hội, ông Năm Nhã đã được tặng nhiều bằng khen, giấy khen, trong đó có Thư khen của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, bằng khen của Bộ Khoa học và Công nghệ, Kỷ niệm chương “Chân dung nhà nông”... Ngoài ra ông còn nhận được nhiều giải thưởng cao quý như giải nhất “Quy trình lắp đặt lò sấy lúa cải tiến” - 2007, giải nhất “Nhà sáng chế” - 2014, giải thưởng “Trí thức vì sự nghiệp phát triển Nông nghiệp - Nông thôn Việt Nam” - 2014, được tặng thưởng danh hiệu “Doanh nhân sáng tạo” - 2014...
Khi được hỏi về định hướng phát triển của công ty, ông cho biết đang tiếp tục cải tiến các thiết bị để ngày càng phù hợp với nhu cầu của thị trường. Ông cũng liên hệ với các chuyên gia vi tính ở TPHCM nhờ thiết kế lập trình phần mềm để hỗ trợ công tác nghiên cứu. Song song với việc hoàn thiện các loại máy sấy lúa, nếp, ông cũng nghiên cứu sản xuất các loại máy sấy rau, củ, quả (như nhãn, cà phê, tiêu, ớt), hải sản (cá khô, tôm khô, mực)… phục vụ nhu cầu “công nghiệp hóa - hiện đại hóa” nông nghiệp của bà con nông dân. Ông Năm Nhã tâm sự: “Niềm vui lớn nhất của tôi là góp phần cùng bà con nông dân giảm bớt chi phí trong sản xuất để tăng lợi nhuận”.
HOÀI PHƯƠNG